Có tài sản hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí là ông chủ nhiều ngân hàng, doanh nghiệp lớn, nhưng những doanh nhân như Nguyễn Đăng Quang (tập đoàn Masan), Dương Công Minh (tập đoàn Him Lam), Tư Hường (công ty Hoàn Cầu), Nguyễn Thị Nga(SeABank), Trầm Bê (Sacombank) hay chúa đảo Tuần Châu Đào Hồng Tuyển... đều không nằm trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Trong số những đại gia nói trên, một số người do công ty chưa niêm yết trên sàn chứng khoán; nhưng cũng có trường hơp như ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan) thì công ty đã niêm yết nhưng vị doanh nhân này chỉ có 10 cổ phiếu là sở hữu cá nhân.
Một vị lãnh đạo Techcombank từng làm việc nhiều năm với ông Quang cho biết: “Anh Quang mong muốn được biết như một người có tinh thần dân tộc và khát khao đưa thương hiệu Việt Nam lên tầm khu vực, thế giới chứ không bao giờ thích mình được gọi là nhà giàu. Vì ở Việt Nam, cứ nói tới đại gia, người giàu thường không phải lúc nào cũng nhận được thiện cảm. Điều này có thể nhìn thấy rõ qua quan niệm Sĩ – Nông – Công - Thương”.
Khi gặp khó khăn trong kinh doanh, những người công khai tài sản gặp thêm rắc rối vì sự quan tâm quá kỹ của công chúng. |
Trong khi đó, ông Dương Công Minh – Chủ tịch Him Lam thì chia sẻ: “: “Tôi là người giàu, tuy nhiên đã biết cách làm giàu thì cũng cần biết cách khiêm tốn, tránh khoe khoang. Nhà cửa của tôi ở đàng hoàng, nhưng hiếm người biết nhà tôi như thế nào, tránh để người ta có những nhìn nhận không cần thiết”.
Ông Bùi Kiến Thành - chuyên gia kinh tế cho biết, tại Việt Nam, chuyện đại gianghìn tỷ không thích phô trương tài sản cũng bình thường. Một phần nguyên nhân là nếu niêm yết, khi kinh tế vĩ mô bất ổn, thị trường kém ổn định thì tài sản sẽ "bốc hơi" tương đối nhanh. Nhiều người trước kia có trong tay hàng chục triệu cổ phiếu, quy đổi ra tiền đồng cỡ vài nghìn tỷ, nhưng khi thị trường lao dốc, thì lại chỉ còn vài trăm tỷ đồng. Điều này vô hình trung làm ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp, chứ không chỉ tài sản cổ phiếu.
Còn ông Trần Thanh Tân - Tổng giám đốc công ty quản lý quỹ Việt Nam (VFM) - cho biết, nhiều đại gia chưa “giàu” trên sàn chứng khoán không phải do không niêm yết cổ phiếu công ty mình mà bởi thị trường đang xấu. Bên cạnh đó, một số vấn đề trong việc niêm yết như tiếp nhận, tiếp quản (take over), thâu tóm doanh nghiệp… trong thời gian vừa cũng khiến không ít chủ doanh nghiệp lo lắng nên ngại công khai, niêm yết.
Trên thực tế, tài sản của những đại gia giàu nhất được thống kê trên sàn chứng khoán chủ yếu ở lĩnh vực ngân hàng và bất động sản. Với bất động sản, người chủ được phép nắm giữ tỷ lệ phần trăm cổ phiếu cao trong công ty nên giá trị chứng khoán nắm giữ khi công khai lớn. Trong khi đó, người chủ ngân hàng theo quy định mới chỉ được nắm giữ dưới 5% số cổ phần. Cũng vì thế, nhiều ông chủ ngân hàng ẩn danh hoặc chỉ giữ một lượng cổ phiếu vừa đủ chứ không trở thành siêu giàu trên sàn chứng khoán.
Một chuyên gia khác trong lĩnh vực tài chính chứng khoán thì nói thẳng, tại Việt Nam, các vấn đề về sổ sách, thuế… cũng khá phức tạp, và không rạch ròi như tại các nước khác. Do đó, việc công khai thu nhập, tài sản thường được cho là nhạy cảm. Ông này cho biết, thời gian vừa qua, có một số vụ thâu tóm diễn ra trên thị trường, chỉ đến khi thương vụ hoàn tất và thành công, những cái tên đại gia với tài sản cá nhân, gia đình lên tới nghìn tỷ đồng mới lộ diện cho thấy Việt Nam đang tồn tại một bộ phận doanh nhân “siêu giàu”, nhưng là kiểu giàu “chìm”.
“Những người không công bố, nhưng khi hé lộ một phần tài sản đã cho thấy con số ‘khủng’ như thế nào rồi. Điều này cũng phụ thuộc vào quan điểm của từng cá nhân, có những người giàu thực sự nhưng không thích phô trương, cũng có người phô ra chưa chắc đã giàu”, chuyên gia này thẳng thắn nhìn nhận.
Theo Infonet