“Siêu ngân hàng”

Thứ sáu, 11/01/2013, 10:47
Nợ xấu cao ngất ngưởng lên tới 12,5% tổng dư nợ, vượt gấp hơn 2 lần tỷ lệ an toàn theo quy định; cho vay sai đối tượng, mục đích… kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố ngày hôm qua đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) vô cùng đáng lo ngại, nhưng có lẽ nó không quá sốc đối với những ai đã biết đến hoạt động của “siêu ngân hàng” này trước đó.

Xuất thân từ một quỹ hỗ trợ phát triển, nhưng kể từ khi sắp xếp lại vào năm 2007 để trở thành ngân hàng, gánh vác 2 nhiệm vụ quan trọng gồm thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu nhà nước, VDB được ưu ái, chăm chút, nâng đỡ bằng một loạt cơ chế, chính sách mà bất cứ một tổ chức tín dụng, định chế tài chính nào có nằm mơ cũng chưa dám nghĩ tới.

VDB
 Nhiều sai phạm tại VDB được thanh tra Chính phủ công bố ngày hôm qua, 10/1.

Đầu tiên phải kể đến là nguồn vốn hoạt động. Trong khi các doanh nghiệp (DN) vật lộn với đồng vốn để kinh doanh, thậm chí các đầu tàu kinh tế như các tập đoàn, tổng công ty lớn chỉ được cấp vốn điều lệ ban đầu thì ngoài 10.000 tỉ đồng vốn điều lệ, VDB còn nhận được vô số nguồn vốn khác có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như: vốn ngân sách cấp theo kế hoạch hằng năm, vốn ODA Chính phủ giao, vốn huy động từ phát hành trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi.

Tương tự, ở phía đầu ra, trong khi các tổ chức tín dụng khác phải đãi cát tìm DN, tìm dự án để cho vay thì VDB được chỉ định cho vay. Trong hoạt động bảo lãnh, hay cấp tín dụng, “siêu ngân hàng” này còn được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý.

Dù mục tiêu không vì lợi nhuận, nhưng quyết định của Thủ tướng nêu rõ VDB phải bảo toàn vốn, nâng cao khả năng sinh lời... nhưng tất cả những sự ưu ái đó, cùng với cung cách cho vay dàn trải, sai đối tượng, sai mục đích dẫn tới hệ lụy khôn lường như ngày hôm nay.

Sai phạm đã rõ, nhưng có nhiều sự lạ ở đây cần phải được giải thích là vì sao một siêu ngân hàng, ôm cả hàng chục nghìn tỉ đồng của nhà nước như vậy mà lỗ hổng cơ chế to đến con voi chui cũng lọt không được bịt kín, dù cơ chế này được vẽ ra từ năm 2007 đến nay.

Thậm chí, trong quyết định thành lập của Thủ tướng, có chỉ rõ Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thanh tra các hoạt động của VDB. Giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của nhà nước giao VDB cho vay lại và thu hồi nợ hoàn trả vốn cho ngân sách nhà nước; Ngân hàng nhà nước quản lý, giám sát hoạt động cho vay của VDB… nhưng đến hôm nay “quả bom” này lại phát nổ.

Trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, các DN khát từng đồng vốn, khó khăn chồng chất, những dòng sữa dành để nuôi dưỡng VDB, một siêu ngân hàng như vậy cần phải chấm dứt.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn