Vàng-VNĐ-USD: Kênh đầu tư nào hấp dẫn?

Thứ năm, 10/01/2013, 15:04
Từ hôm nay 10/1, số lượng doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng bị thu hẹp theo quy định của NHNN. Việc siết chặt quản lý này được dự báo sẽ ảnh hưởng tâm lý đến nhu cầu nắm giữ vàng hợp pháp của người dân. Vậy năm 2013, đầu tư vào vàng có còn hấp dẫn so với các kênh đầu tư USD hay VNĐ?

Giảm đầu cơ, vẫn cất trữ vàng

Theo nhiều chuyên gia, các biện pháp quản lý thị trường vàng nhằm mục tiêu khiến người dân thấy nắm giữ tiền đồng có lợi ích kinh tế lớn hơn, từ đó sẽ bán vàng cho tổ chức được phép kinh doanh vàng.

Năm 2012, thị trường vàng thế giới có những đợt tăng cao và giảm sâu, nhưng thị trường vàng trong nước phụ thuộc vào chính sách điều hành, vẫn giữ chênh lệch giá khá cao so với giá thế giới.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia NH, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế có xu hướng tăng từ 2,5 triệu đồng/lượng lên xấp xỉ 5 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 12/2012 chủ yếu do giá thế giới tiếp tục giảm, trong khi áp lực đóng trạng thái vàng trong nước vẫn còn khá lớn. Tuy nhiên, năm 2012 tình trạng đầu cơ vào vàng có dấu hiệu giảm vì rủi ro thị trường quá lớn và dự báo năm 2013 cũng như vậy.

vàng miếng

Bởi giá vàng không phụ thuộc vào sóng giá thế giới, mà chịu tác động từ chính sách quản lý vàng của Nhà nước. NHNN có thể ấn định giá theo ý muốn của mình nên người dân có thể bị rủi ro, không dễ dàng kiếm lợi nhuận từ vàng. Theo đó, không còn tình trạng sốt, người dân không ào ạt mua bán như trước đây, đặc biệt sẽ không còn cảnh rồng rắn xếp hàng mua bán khi giá vàng lên.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, thói quen của người dân nước ta vẫn tích lũy vàng và rất khó thay đổi một sớm một chiều.

Nhất là khi kỳ vọng lạm phát quay trở lại và các thị trường bất động sản, chứng khoán chưa ổn định, vàng sẽ là kênh tích trữ tài sản, phòng ngừa rủi ro của người dân. Nhưng, người dân sẽ không ồ ạt mua vàng theo tâm lý thị trường khi giá lên. Hơn nữa, thị trường hiện đang lưu hành rất nhiều vàng, lượng vàng nằm trong dân rất lớn, có thể trên 300 tấn.

Khi có nhu cầu đầu tư cất trữ, người dân sẽ tự thích nghi với điều kiện thị trường, nên việc quản lý thị trường sẽ không ảnh hưởng quá lớn.

Chưa kể, quản lý thị trường vàng người dân sẽ được hưởng lợi từ việc mua bán vàng chuyên nghiệp và chính thống hơn; được đảm bảo về chất lượng vàng miếng chính hãng, giá cả được niêm yết công khai, tránh tình trạng vàng giả, vàng nhái, không có tình trạng ép giá, đầu cơ, tạo khan hiếm giả để trục lợi.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT SJC.

Do vậy, việc thu hẹp số lượng doanh nghiệp kinh doanh vàng về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi người dân được cất giữ, sở hữu và mua bán.

Khi việc mua bán vàng miếng không còn quá thuận lợi và đơn giản như trước đây, người dân sẽ chuộng vàng nhẫn phù hợp với số tiền nhàn rỗi dành dụm lại tiện lợi khi mua bán. Nhiều dự đoán năm 2013 vàng sẽ chưa hết chu kỳ tăng giá khi các nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.

VNĐ lợi, USD suy?

Nhiều ý kiến cho rằng khi việc đầu tư vàng khó khăn, người dân sẽ chuyển sang đầu tư cất trữ USD. Tuy nhiên, theo một tổng giám đốc NHTM, năm 2012 được nhận định là năm tỷ giá hối đoái ổn định nhờ giảm nhập khẩu, thặng dư cán cân vãng lai, cán cân vốn và cán cân thanh toán quốc tế.

Tỷ giá hối đoái thực song phương (USD-VNĐ) đã giảm 23,6%, nghĩa là VNĐ đang bị đánh giá quá cao so với USD. Tỷ giá hối đoái thực đa phương (19 ngoại tệ) chỉ giảm 3%. Nói cách khác, về cơ bản tỷ giá hối đoái chưa có nhiều sức ép tăng trong tương lai gần.

Bởi cán cân thanh toán của Việt Nam sẽ tiếp tục thặng dư lớn và dự trữ ngoại hối sẽ tiếp tục tăng. Dự trữ ngoại hối năm 2012 ở mức 23 tỷ USD, sang năm 2013 có thể lên đến 35 tỷ USD. Đặc biệt, năm 2013 dự báo tỷ giá sẽ xoay quanh mức 21.500-22.000 đồng/USD, gửi USD cũng chưa phải là kênh ưu tiên dù lãi suất tiền đồng có giảm.

Bởi lãi suất tiết kiệm USD hiện nay vẫn bị khống chế 2%/năm với cá nhân và 1%/năm với doanh nghiệp. Chưa kể, việc mua bán USD không dễ dàng, người bị bắt quả tang mua bán USD ở nơi không có giấy phép kinh doanh ngoại hối sẽ bị xử phạt cao.

Có thể thấy, lãi suất huy động tiền đồng đang có xu hướng giảm, hiện còn 8%/năm và khả năng còn giảm thêm 1-2%/năm trong thời gian tới. Nhưng trong bối cảnh các kênh đầu tư khác vẫn chưa sáng sủa như bất động sản, ngoại tệ, chứng khoán… gửi tiết kiệm vẫn là kênh lựa chọn của người dân.

Hiện tại lãi suất kỳ hạn dài được thả nổi nên người dân có số tiền lớn vẫn có thể thỏa thuận với các NHTM để hưởng lãi suất cao 11-12,5%/năm, an toàn và không kém hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác.

Theo một chuyên gia NH, năm 2012 tăng trưởng M2 của nền kinh tế chủ yếu nhờ tăng tiền gửi 20,3%, trong đó tăng tiền gửi dân cư có vai trò quyết định. Năm 2013 kênh tiền gửi sẽ vẫn khả quan khi người dân vẫn chưa lấy lại lòng tin vào các kênh đầu tư khác.

Rủi ro lớn trên thị trường tài sản và hiện tượng vượt trần huy động đã trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi cao. Tuy nhiên, tiền gửi có thể sẽ giảm nhẹ nếu các chính sách vực dậy cầu cho thị trường bất động sản và sản xuất kinh doanh của Chính phủ phát huy hiệu quả. Điều này có thể diễn ra vào những tháng cuối năm 2013.

Theo SG ĐTTC

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích