Những sinh viên trở thành triệu phú khi đang ngồi giảng đường

Thứ năm, 02/05/2013, 19:39
Dám nghĩ, dám làm, bất chấp mọi sự phản đối, các bạn sinh viên này đã đạt được thành công rất đáng nể.

Điển trai, học đỉnh, giỏi kinh doanh

Cái tên Lê Ngọc Chiến (SN 1990, Thanh Hóa), SV chuyên ngành Thương mại điện tử, thuộc Khoa Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngoại thương Hà Nội đang nổi như cồn.

Lê Ngọc Chiến

Ngọc Chiến vừa đạt danh hiệu "Nam vương" mùa đầu tiên của cuộc thi Gương mặt Sinh viên - Facebook 2012. Hotboy này còn là thần tượng của rất nhiều bạn trẻ khi còn rất trẻ đã trở thành CEO của chuỗi shop thời trang nam ở Hà Nội.

Ngay từ cuối năm thứ hai đại học, Chiến đã bắt đầu những bước tìm hiểu thị trường để có thể thực hiện ước mơ thành một CEO trong lĩnh vực thời trang. Bắt tay vào công việc kinh doanh từ những shop hàng quần áo thời trang online nhỏ trên mạng internet, sau đó nắm bắt được những xu hướng thời trang sành điệu nên công việc làm ăn của Chiến ngày càng phát triển. Chiến đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để mở shop thời trang đầu tiên.

Hiện nay Chiến đã có trong tay 4 cửa hàng thời trang nam hoành tráng với số nhân viên lên đến 40 người, doanh số bán hàng hàng tháng rất cao.

Chàng sinh viên tự mua nhà tiền tỷ

Huỳnh Ngọc Tân (23 tuổi, sinh viên năm 4, ĐH Ngoại thương TP.HCM) bắt đầu kiếm tiền khi còn là sinh viên năm thứ nhất với vai trò bưng bê phục vụ tại quán cà phê.

 Huỳnh Ngọc Tân

Sau quá trình học hỏi từ bạn bè và những mối quan hệ tại quán, Tân đã tìm đến với nghề môi giới bất động sản. Vốn có ngoại ngữ tốt, Tân đã liều đến thẳng lãnh sự quán xin danh sách du khách đến Việt Nam cần nhà ở, nhà thuê. 

Cậu tiếp tục tìm hiểu công việc ở các văn phòng, công ty bất động sản. Chỉ sau hai năm, Tân đã bán được 20 căn hộ chung cư và tự sắm cho mình căn hộ cao cấp hàng tỷ đồng ở Bình Thạnh.

Sau đó bị cuốn hút vào với những tấm thiệp nổi Nhật Bản, Tân lại chuyển hướng sang kinh doanh thiệp và thành lập công ty Hynota. Hiện nay mỗi tháng Tân thu về được hơn 100 triệu từ những tấm thiệp độc đáo.

Ông chủ chuỗi nhà hàng đậu hũ

Đinh Tuấn Ân (24 tuổi), sinh viên năm 4, ĐH Ngân hàng TP.HCM, hiện đang là ông chủ của hệ thống quán tàu hũ HAT. Với mức đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng, bây giờ doanh thu của cửa hàng trung bình từ 180-200 triệu/tháng.

 Đinh Tuấn Anh

Để có được thành công ấy, Tuấn Ân đã phải trải qua không ít thất bại. Những ngày đầu khởi nghiệp, cậu đã lỗ đến gần 100 triệu đồng. Bất chấp sự ngăn cản của bạn bè, gia đình, Tuấn Ân vẫn kiên trì đi theo con đường của mình và thương hiệu tàu hũ HAT ra đời với quán tàu hũ bán trong căng tin ký túc xá ĐH Nông lâm TP.HCM. Những món đậu hũ mới lạ vừa ngon lại vừa rẻ giúp quán của Tuấn Ân ngày càng đông khách. 

Hiện nay, thương hiệu HAT đã có chuỗi bốn cửa hàng: Hai cửa hàng tại ĐH Quốc gia TP. HCM, một cửa hàng tại ĐH Nông lâm và một cửa hàng tại quận Thủ Đức. Cửa hàng tàu hũ HAT có gần 30 loại tàu hũ khác nhau với bốn dòng sản phẩm: Tàu hũ nóng, tàu hũ đá, tàu hũ đá lá dứa, tàu hũ đá gấc.

Chàng sinh viên kiếm tiền từ rác thải

Nguyễn Đình Quân (sinh năm 1986) hiện đang là sinh viên năm cuối Viện ĐH Mở Hà Nội kiếm tiền từ những thứ tưởng như là rác bỏ đi.

 Nguyễn Đình Quân

Ý tưởng làm tranh từ chất liệu thiên nhiên của Quân xuất phát từ môn học Tranh phối chất học ở ĐH Mở. Cậu đã bất chấp sự ngăn cản của bạn bè cho rằng ý tưởng làm tranh từ rác của cậu là điên rồ và phi thực tế, Quân vẫn có thể tạo ra kì tích khi biến vỏ trứng, mùn cưa, rơm rạ, xơ... dừa trở thành những bức tranh độc đáo, đẹp mắt. 

Bức tranh đầu tiên mà Quân tạo nên có tên Khi yêu được làm từ vỏ trứng, mùn cưa và củ hoa lay ơn đã nhận được sự đón nhận tích cực từ thị trường. Chính vì thế Quân đã khai trương được cửa hàng tranh đầu tiên tại phố Đốc Ngữ (Ba Đình, Hà Nội) mang tên Ourway từ cuối năm 2009.

Hiện tranh của Quân đã có mặt rộng khắp ở Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Thanh Hóa… và mang về cho cậu số tiền hàng tháng không hề nhỏ.

Theo Đất Việt

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn