Khôn dại với vàng

Thứ hai, 29/04/2013, 17:17
Mặc dù giá vàng trong nước gần đây đã giảm, nhưng vẫn chênh lệch lớn so với giá thế giới, có lúc lên đến gần 7 triệu đồng/lượng. Giá vàng sụt giảm đã khuyến khích một số người dân mua vào và phần nào khiến giá vàng bật tăng trở lại sau đó. Liệu việc đầu tư vào vàng lúc này có phải là khôn ngoan? Và vai trò của Ngân hàng Nhà nước như thế nào trên thị trường này? PV đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, xung quanh những vấn đề này.

Theo ông, sau khi rớt giá, liệu vàng có còn hấp dẫn đối với giới đầu tư trong nước?

Theo tôi, điều này phụ thuộc vào việc định giá của mỗi chủ thể tham gia thị trường. Giá vàng giảm đã kích thích người dân mua vàng, nhưng đây có phải là cách đầu tư khôn ngoan hay không thì còn phải chờ thời gian trả lời.

Có dự báo cho rằng giá vàng đang trong xu hướng giảm, thậm chí có thể rớt xuống mốc 1.200 USD/ounce. Tuy nhiên, cũng có một số dự báo cho rằng giá vàng vẫn có thể phục hồi. Nhìn chung, lúc này việc xác định xu hướng của giá vàng là không dễ. Vì thế, người dân phải rất cẩn trọng khi đầu tư vào vàng.

nguyễn trí hiếu
 Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu.

Có vẻ như nhà đầu tư thế giới đang quay lưng lại với vàng?

Khuynh hướng của nhà đầu tư thế giới hiện đã thay đổi. Họ từng xem vàng là nơi trú ẩn an toàn trước những bất ổn kinh tế thế giới. Nhưng giờ đây, mối quan tâm của nhà đầu tư đến các yếu tố vĩ mô như lạm phát, khủng hoảng đã nhạt bớt, trong khi nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi, khiến họ quay lưng lại với vàng và bắt đầu bán ra mạnh kim loại quý này.

Do được xem là loại tài sản an toàn và có tính thanh khoản cao, vàng đã được các nhà đầu tư và các ngân hàng trung ương trên thế giới mua vào trong những thời kỳ khủng hoảng, tạo ra bong bóng giá vàng. Có vẻ như bong bóng này đang vỡ, hay ít nhất là đang xì hơi.

Việc bán mạnh này còn được tạo ra từ hệ thống bán mua tự động trên thế giới. Khi giá vàng lần lượt rớt xuống các mốc 1.500 USD/ounce rồi 1.400 USD/ounce thì có một lượng lớn vàng được tự động bán ra.

Giá vàng sụt giảm còn do việc bán ra gần đây của Chính phủ Cộng hòa Síp và các ngân hàng trung ương trên thế giới. Họ bán ra vì cần tiền tài trợ cho các hoạt động phục hồi kinh tế và trả nợ quốc gia.

Nếu tất cả các yếu tố này tiếp diễn, giá vàng thế giới có thể sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới.

Ông dự báo thế nào về giá vàng trong nước sắp tới?

Giá vàng trong nước hiện đã giảm, tuy với tốc độ chậm hơn so với giá thế giới. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục tăng cung vàng ra nền kinh tế. Do đó, sắp tới khi cung và cầu tiến lại gần nhau hơn thì chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ giảm xuống.

Nếu điều này xảy ra, cộng với việc giá vàng thế giới suy giảm, giá vàng trong nước sẽ giảm mạnh theo. Tuy vậy, điều đó chưa thể xảy ra vào lúc này do nguồn cung vàng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân và cũng do thị trường vàng trong nước chưa liên thông với thị trường vàng thế giới.

Về phía các ngân hàng, liệu họ có tranh thủ được việc giá vàng giảm để tất toán tài khoản vàng vào cuối tháng 6, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước?

Trong các phiên đấu thầu bán vàng của Ngân hàng Nhà nước, đối tượng mua chủ yếu là các ngân hàng thương mại. Họ đã tranh thủ các phiên đấu thầu để mua vàng và đóng trạng thái vàng trước ngày 30/6. Theo tôi, các ngân hàng có khả năng chịu lỗ rất lớn vì họ mua vào với giá cao trong khi đã bán và xuất ra vào lúc giá vàng thấp hơn giá hiện nay, cũng như vì giá vàng trong nước hiện cao hơn khá nhiều so với giá vàng thế giới. Nhưng việc tuân theo quy định của Ngân hàng Nhà nước buộc họ phải chấp nhận lỗ. Đó là điều bình thường.

Cũng có nhận định cho rằng nhiều ngân hàng đã hốt bạc trong vài tuần qua vì họ đã mua được với giá rẻ, sau đó bán ra với giá cao. Tôi không tìm thấy bằng chứng về việc này khi quan sát giao dịch vừa qua của các ngân hàng thương mại và cả trong khoảng 2 năm trở lại đây.

Theo ông, Ngân hàng Nhà nuớc có cần phải trực tiếp can thiệp thị trường vàng để bình ổn giá không?

Việc bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước được thể hiện ở các khía cạnh: Lập lại trật tự cho thị trường càng sớm càng tốt; thiết lập quy chế và cơ chế giao dịch theo hướng minh bạch hơn; bình ổn giá cả trong tương lai. Trong bối cảnh thị trường vàng chưa thực sự ổn định, việc tham gia của Ngân hàng Nhà nước lúc này là cần thiết.

Trong ngắn hạn, chính sách can thiệp vào thị trường có thể sẽ mang lại bất lợi cho một số đối tượng tham gia. Nhưng về lâu dài, tổng thể nền kinh tế sẽ có lợi nếu giá vàng được bình ổn, tạo ra một sân chơi đầu tư có trật tự và minh bạch hơn, giúp xây dựng niềm tin vào tiền đồng và hệ thống tài chính. Tuy vậy, cần có thời gian để đánh giá. Nếu đến quý IV năm nay, giá vàng vẫn bất ổn thì Ngân hàng Nhà nước phải xem xét lại chính sách điều hành.

Hiện tại, tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã phần nào thành công trong việc can thiệp vào thị trường này qua việc bơm một lượng vàng khá lớn vào thị trường để giải cơn khát vàng. 

Theo NCĐT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn