Đại gia Dầu khí nợ lương nhân viên gần một năm

Thứ hai, 29/04/2013, 14:03
Lãnh đạo công ty này cho biết chuyện nợ lương hiện nay là phổ biến, chứ không riêng gì đơn vị này. 

Gần đây, những người lao động thuộc chi nhánh Thi công Cơ giới - Công ty cổ phần Thi công Cơ giới và Lắp máy Dầu Khí (PVC-ME) cho biết về việc công ty nợ lương từ nhiều tháng nay. PVC-ME2 là đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt nam (PVC).

đại gia dầu khí nợ lương
Những lao động tại đơn vị trực thuộc PVC cho biết đã bị nợ lương gần một năm nay.

Chi nhánh Thi công cơ giới có tiền thân là Công ty cổ phần Vật liệu và Cơ giới PME2 (thuộc PVC-ME) được thành lập từ tháng 11/2011. Sau đó do làm ăn thua lỗ PVC đã có chủ trương giải thể PME2 vào tháng 9/2012. Tuy nhiên, suốt từ tháng 4/2012 đến khi giải thể, công ty nợ lương người lao động, đồng thời, họ cũng không được đóng bảo hiểm từ tháng 11/2011.

Sau khi PME2 giải thể thì PVC-ME thành lập chi nhánh mới vào ngày 4/10. Do đó, nhiều lao động thuộc PME2 được điều chuyển về đây. Tuy nhiên, tại chi nhánh mới, cán bộ công ty tiếp tục bị nợ lương từ tháng 12/2012 đến nay. Đồng thời, theo phản ánh, giám đốc chi nhánh cũng chỉ đạo sẽ không tham gia bảo hiểm cho người lao động kể từ khi thành lập.

"Chúng tôi đã nhiều lần gặp lãnh đạo công ty nhưng chỉ nhận được những lời hứa suông. Đến Tết Nguyên đán vừa qua, công ty chiếu cố thanh toán cho chúng tôi 2 tháng lương 4 và 5/2012. Sau đó, từ Tết đến giờ, cách đây vài ngày, họ tạm ứng cho khoảng nửa tháng lương", một cán bộ cho hay.

Liên hệ với ông Lê Minh Nhật, Phó giám đốc của PVC-ME, vị này cho biết, đã chuyển công tác. Tuy nhiên, theo khẳng định của người lao động và trên website của công ty, ông Nhật vẫn giữ chức Phó giám đốc.

Chủ tịch Hội đồng quản trị của PVC-ME, ông Nguyễn Huy Hòa thừa nhận có tình trạng nợ lương người lao động tại đơn vị này. Tuy nhiên, theo ông Hòa "chuyện nợ lương bây giờ là phổ biến chứ đâu riêng chúng tôi".

Theo Chủ tịch công ty, việc nợ lương chỉ là một vài tháng chứ không đến gần một năm như người lao động phản ánh. Tình hình sẽ chỉ được giải quyết nếu công ty làm ăn khấm khá hơn. Ông Hòa cũng cho biết, về số tiền lương trước đây PME2 nợ người lao động, PVC-ME sẽ không có trách nhiệm trả. "Chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm về lương của lao động từ khi làm việc ở chi nhánh mới", lãnh đạo này cho biết.

Tuy nhiên, một cán bộ tại chi nhánh Thi công cơ giới cho biết, khi PME2 giải thể, lãnh đạo PVC-ME tiếp nhận lao động về đơn vị mới đã ký giấy nhận nợ và cam kết thanh toán số tiền lương còn lại từ tháng 4/2012.

Về việc đóng bảo hiểm cho người lao động, ông Hòa cho biết, tình hình tài chính khó khăn, lãi suất cao khiến công ty kinh doanh không hiệu quả nên tiền thanh toán lương còn gặp khó. Do đó, việc không đóng bảo hiểm là khó tránh khỏi.

Luật sư Trần Vũ Hải, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đối với những doanh nghiệp nợ từ 2 tháng lương trở lên, nợ bảo hiểm, người lao động có thể làm đơn kiện ra tòa. Theo ông Hải, nhiều người bị nợ lương thường bỏ qua hoặc mang tâm lý "đòi được đồng nào hay đồng đó" nên tình trạng càng diễn ra phổ biến hơn.

 Theo VnExpress

Các tin cũ hơn