Thông tin mới nhất từ Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc đăng cai và chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể thao châu Á ASIAD 18 tại Hà Nội.
Chuẩn bị cho Asiad 18 diễn ra năm 2019, khu liên hợp thể dục thể thao huyện Đan Phượng (Hà Nội) sẽ cần vốn để cải tạo, nâng cấp. (Ảnh: TTO) |
Theo đó, sau khi nghe báo cáo của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Văn phòng Chính phủ và các đại biểu trong cuộc họp về nội dung này ngày 17/4, Thủ tướng đã quyết định rút đăng cai ASIAD 18 vì chưa có kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao lớn như ASIAD, trong khi việc chuẩn bị đăng cai ASIAD còn chưa chặt chẽ.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và UBND TP. Hà Nội khẩn trương làm việc với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) và các đối tác liên quan để có phương án phù hợp rút đăng cai, không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội. Việt Nam sẽ xin đăng cai tổ chức ASIAD vào thời điểm thích hợp.
Câu chuyện đăng cai hay không đăng cai là điểm nóng gây tranh cãi suốt thời gian qua. Điều đáng nói trong khi hầu hết các ý kiến đều cho rằng Việt Nam không thể tổ chức đăng cai ASIAD chỉ với số tiền 150 triệu đô thì Bộ Văn hóa vẫn thể hiện quyết tâm làm.
Tuy nhiên, con số này đã bị nhiều đại biểu Quốc hội bóc mẽ. Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến hỏi thẳng: “Liệu có chuyện chia nhỏ tổng kinh phí dự kiến chi cho ASIAD 2019 ra làm nhiều gói để dư luận không giật mình về số tiền khủng hay không? Nếu tới đây tổ chức ASIAD mà số tiền đội lên gấp nhiều lần thì lấy nguồn đâu ra, ai chịu trách nhiệm ?”.
Hà Nội là một trong những thành phố được chỉ đạo đứng ra cùng các địa phương tổ chức đăng cai ASIAD 18. Và trên thực tế, khi mới rậm rịch đón ASIAD 18, thì Hà Nội đã phải chi cả ngàn tỷ đồng để khởi động cho tinh thần thể dục.
Cụ thể, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã ký tờ trình về quy hoạch phát triển thể dục thể thao Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn 2030 với số tiền 19.500 tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý tại quy hoạch giai đoạn này, Hà Nội đã đưa vào những đề xuất nhu cầu vốn phục vụ ASIAD 18 tổ chức tại đây vào năm 2019.
Theo tính toán của UBND TP Hà Nội, để thực hiện quy hoạch phát triển thể dục thể thao giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu vốn cho các mục tiêu cần thực hiện phải có từ 5.600 - 6.300 tỷ đồng. Trong tổng nhu cầu nguồn vốn của giai đoạn này, UBND TP Hà Nội xác định cần có khoảng 1.100 tỷ đồng từ ngân sách TP đầu tư cho việc cải tạo, nâng cấp các công trình thể thao cấp TP và các nhà thi đấu thuộc trung tâm thể dục thể thao quận, huyện, thị xã phục vụ tổ chức ASIAD 18.
Tờ Tuổi Trẻ cho biết, nguồn vốn gần 1.100 tỷ đồng là “gói” ngân sách đầu tiên được UBND TP Hà Nội đề nghị để thực hiện kế hoạch tổ chức ASIAD 18. Tuy nhiên, với hơn 2.150 công trình thể dục thể thao lớn nhỏ trên toàn địa bàn TP, bình quân mỗi năm “bầu sữa” ngân sách TP phải chi 200 - 400 tỷ đồng cho mua sắm, cải tạo, chống xuống cấp các công trình.
Cụ thể, nếu như nguồn ngân sách TP năm 2009 cấp cho Sở VH-TT&DL với mục tiêu như trên chỉ 180,2 tỷ đồng thì vốn ngân sách cấp năm 2010 đã tăng lên 261,4 tỷ đồng, năm 2011 tiếp tục tăng lên 318 tỷ đồng và tăng mạnh trong năm 2012 với 477,6 tỷ đồng.
Thế nhưng, Thủ tướng đã quyết định rút đăng cai ASIAD 18 vì chưa có kinh nghiệm tổ chức, 19.500 tỷ khởi động tinh thần thể dục Hà Nội sẽ làm gì?
Theo Đất Việt