“Khoảng 3 tháng trước cũng trong phòng hội nghị này, tôi đã nói lên tất cả những nỗi bức xúc của mình về bóng đá VN.
Ngày hôm nay, VPF ra đời, đó là thành quả của trách nhiệm của những người tâm huyết với bóng đá nước nhà”, bầu Kiên đã phát biểu như vậy ở phần kết thúc Đại hội cổ đông lần thứ nhất của VPF diễn ra vào sáng qua. Dù muốn hay không, bất kỳ ai cũng không thể phủ nhận một thực tế là cái thành quả mà ông Kiên vừa nêu ở trên có in dấu ấn rất lớn của nhà tài phiệt ngành ngân hàng này.
Bầu Kiên là nhân vật chủ chốt - Ảnh VSI
Ngày 8/9/2011, Hội nghị tổng kết mùa giải 2011
Bầu Kiên đã có những phát biểu gây sốc chỉ rõ thực trạng yếu kém của bóng đá VN. Lúc đó ý tưởng thành lập VPF còn chưa ra đời nhưng nó đã manh nha xuất hiện qua phát biểu sau: “Tôi nói thẳng đã nhận được đề nghị của đại diện 6 CLB về việc bỏ luôn không tham gia V-League, tự đứng ra thành lập một giải đấu mới mang tên Super Liga. Tôi bảo rằng hãy bình tĩnh và tìm cách để đóng góp xây dựng cho bóng đá VN”.
Ngày 15/9/2011, Hội thảo doanh nghiệp làm bóng đá & hướng đi cho bóng đá VN
Bầu Kiên tiếp tục đưa ra quan điểm: “VFF là một tổ chức xã hội. Ghế trong VFF là của các CLB, chúng tôi là thành viên. Nên nếu BCH không làm được, chúng tôi có quyền đổi người. Tuy các CLB mỗi nơi mỗi khác, nhưng tôi tin rằng cùng ngồi lại sẽ tìm ra tiếng nói chung”.
Ngày 29/9/2011, Hội nghị Chủ tịch các CLB
Ngày 28/9/2011, lần đầu tiên VPF thành hình thông qua buổi họp của nhóm các ông bầu “cách mạng” mà bầu Kiên là người khởi xướng. Vào buổi sáng hôm sau (29/9/2011), tại Hội nghị Chủ tịch các CLB bóng đá VN, bản dự thảo thành lập VPF đã được mang ra bàn luận và đạt được sự nhất trí vào buổi chiều cùng ngày.
Cũng trong hội nghị ấy, bầu Kiên là người đọc dự thảo đồng thời tranh luận cùng những ý kiến phản biện: “Các anh trong Thường trực VFF có nghĩa vụ phải trả lời rằng bản đề án thành lập VPF mà chúng tôi đưa ra có phù hợp hay không và phải chịu trách nhiệm về câu trả lời đó trước các cơ quan quản lý Nhà nước.
Tôi gắn bó với bóng đá chuyên nghiệp 11 năm đủ để nhận ra nếu VFF cứ kéo dài việc không tuân thủ Luật thể thao là sai phạm lớn, giải chuyên nghiệp phải thuộc về các CLB chuyên nghiệp”.
Ngày 14/12/2011, Đại hội cổ đông lần thứ nhất của VPF Bầu Kiên “chốt” lại toàn bộ vấn đề: “Sự ra đời của VPF không bao giờ đồng nghĩa với chuyện tranh giành quyền lực với VFF hoặc vì miếng bánh này miếng bánh kia liên quan đến chuyện lợi lộc. Nếu có thể, chúng tôi cũng không hề muốn tham gia vào bộ máy của VPF vì lo rằng chính bản thân mình sẽ không có đủ thời gian. Nhưng vì trách nhiệm với nền bóng đá nước nhà, mong rằng VPF sẽ được hiểu đúng bản chất của nó và nhận được sự ủng hộ để hoàn thành tốt công việc của mình”.
Điểm lại tất cả những diễn biến trong vòng 3 tháng qua, người ta thấy rằng một khi ông Nguyễn Đức Kiên đã im lặng, dù làm cách nào ông cũng không mở lời. Nhưng một khi đã nói, hầu hết các phát ngôn của ông chủ ngành ngân hàng đều được chuẩn bị rất kỹ và rất “trúng”. Những phát biểu mà TT&VH lược trích ở trên phần nào đó cũng có thể xem là định hướng từ khi VPF còn manh nha cho đến khi nó chính thức ra mắt ngày hôm qua.
Theo Thethaovanhoa.