Tính chất khác nhau
Học viện HAGL - Arsenal JMG của bầu Đức sau 7 năm nuôi “gà nòi” đang cho ra một lứa cầu thủ giỏi. Xét từng vị trí, những Công Phượng hay Tuấn Anh đều thuộc hàng cầu thủ có kỹ thuật hiếm thấy trong bóng đá Việt Nam khoảng hơn chục năm qua.
Đông Triều, Xuân Trường chưa đạt đến mức đó, nhưng cũng thuộc dạng cầu thủ tiềm năng. Họ có nghề do được đào tạo bài bản, trong một hệ thống bài bản.
Học viện JMG toàn cầu (JMG là tên viết tắt của cựu danh thủ Jean Marc Guillou lừng danh, từng khoác áo đội tuyển Pháp chung thời với Platini) cũng là một học viện danh tiếng, nên bài bản để họ tạo nên những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều… ngày nay là bài bản đã được kiểm chứng qua hàng chục năm, qua nhiều thế hệ.
Nhưng cần phân biệt sự khác nhau giữa một học viện và một đội tuyển. Tính chất của một học viện, đặc biệt là học viện JMG chỉ đào tạo cầu thủ, tạo nên từng cá nhân nổi trội, rồi bán riêng lẻ cho từng CLB có nhu cầu. Chứ học viện JMG không đào tạo nên một đội bóng.
U19 Việt Nam chỉ mới hay từ hàng tấn công trở lên.
Riêng với JMG Việt Nam, cụ thể ở đây là HAGL - Arsenal JMG, học viện này chỉ đào tạo từ tiền vệ tấn công trở lên, nên khi mang toàn bộ lứa cầu thủ của bầu Đức rồi bảo nhào nặn nên một đội tuyển lại càng không chính xác.
Nó không chính xác ở chỗ như Đông Triều khi không thể cạnh tranh chỗ đứng trên hàng tấn công với Công Phượng, Tuấn Anh, lại được điều xuống đá… trung vệ. Nó trái khoáy ở chỗ Xuân Trường vốn được đào tạo thành tiền vệ tấn công, với những kỹ năng của một cầu thủ được dùng để hỗ trợ tấn công, nhưng lại được sắp vào vị trí tiền vệ trung tâm, đòi hỏi kỹ năng của một người cần phải hỗ trợ phòng ngự, phải biết đánh chặn thì làm sao họ đá tròn vai cho được?
Một học viện không thể thay thế một đội tuyển
Thất bại trước U19 Myanmar cách nay vài ngày cho thấy, từ vị trí tiền vệ phòng ngự trở xuống, U19 Việt Nam kém đối phương một bậc.
Chúng ta nên lấy thất bại đấy là điều may. May ở chỗ Myanmar không đá xấu, may ở chỗ họ không hơn tuổi lứa U19 Việt Nam hiện nay, may ở chỗ đấy là cái thua quá rõ ràng về mặt chiến thuật, cái thua trước một đội tuyển đúng nghĩa, để nhiều người lớn không có lý do để mà đổ lỗi nữa.
Còn tại sao chúng ta thua Myanmar rõ rệt từ vị trí tiền vệ phòng ngự trở xuống, thì phải quay lại với điểm khác biệt giữa một học viện và một đội tuyển.
Có thể trong men say của sự hào nhoáng và chất kỹ thuật do chính lứa cầu thủ HAGL - Arsenal JMG tạo ra cách nay khoảng một năm, nhiều người lớn đã ngộ nhận chúng ta chỉ cần như thế để phát triển một đội bóng, thậm chí phát triển một đội tuyển.
Nhiều người trong số chúng ta đã vội vã vạch ra những giấc mơ hơi xa thực tế, thậm chí là giấc mơ xuất hiện ở VCK World Cup 2018 chỉ bằng lứa cầu thủ hiện có của bầu Đức. Nhưng nên dành lời cảm ơn cho người Myanmar ở chỗ họ đã chỉ ra cho chúng ta rằng lứa U19 Việt Nam hiện nay thiếu những gì.
Từ hàng tấn công trở lên, U19 Việt Nam rất xuất sắc, và nỗi sợ hàng tấn công của U19 Việt Nam là nỗi sợ có thật nơi các đối thủ. Tuy nhiên, không ai đá bóng chỉ bằng hàng tấn công, cũng như không ở đâu trên khắp thế giới này, người ta nhào nặn nên một đội tuyển cấp quốc gia chỉ bằng một học viện.
Không thể trách bầu Đức (ngược lại cần cảm ơn ông Đức là đằng khác), khi ông Đức góp phần tạo nên một số tài năng khá đặc biệt từ cái học viện mà ông là người đi tiên phong xây dựng suốt 7 năm qua. Nhưng một số tài năng không bao giờ là một đội bóng đúng nghĩa.
Nếu trách, phải trách những người đã vội vã gán cho học viện này cái mác đội tuyển, mà không có sự kết hợp cũng như chọn lọc toàn bộ tinh hoa của cả một nền bóng đá, nhằm tạo nên một đội tuyển phát triển cân bằng nhất.
Cách làm đấy không phải là đầu tư lâu dài, mà đơn thuần chỉ là ngắt ngọn, vì đầu tư lâu dài cho một nền bóng đá chắc chắn không phải chỉ là đầu tư chăm chút cho dàn cầu thủ của một học viện duy nhất!
Theo Dân trí