Không có bằng hành nghề HLV, nhưng Ông Lê Thụy Hải rất thích phát biểu về công việc của các đồng nghiệp
Ông Lê Thụy Hải và những phát ngôn “tiền hậu, bất nhất”
HLV Lê Thụy Hải từng tự xưng là HLV số 1 Việt Nam. Ông Hải là nhà cầm quân duy nhất ở V-League cho đến lúc này không được qua đào tạo ở các lớp HLV theo chuẩn AFC và FIFA, và vì thế cũng là người duy nhất không được cấp bằng. Ông Hải buộc phải hợp thức hóa bằng cách nhận chức GĐKT của CLB B.Bình Dương mới được hành nghề.
Tuy chưa qua các lớp đào tạo HLV, nhưng ông Lê Thụy Hải lại rất thích bình luận về công việc của các HLV khác, và hầu hết ông chê trách công việc mà những người đồng nghiệp của mình đang thực hiện. Đáng nói hơn, trong các phát biểu của ông Hải thường “tiền hậu, bất nhất” và theo hướng chỉ trích nhiều hơn là xây dựng.
Ở SEA Games 2009, khi HLV Calisto đưa U23 Việt Nam vào chung kết, khi ấy ông Lê Thụy Hải cho rằng cho dù có vô địch SEA Games thì cũng không mang nhiều ý nghĩa, vì chúng ta nên quan tâm hơn đến các giải đấu ở châu Á, nếu chỉ tập trung vào các giải đấu khu vực Đông Nam Á để khoe thành tích thì sẽ không bao giờ tiến bộ được.
Tuy nhiên, thật lạ khi bây giờ ông Hải lại nói ngược lại chính quan điểm của mình lúc đó khi bảo nếu U23 Việt Nam có vào dự VCK U23 châu Á thì chỉ mang phận “lót đường” làm “quân xanh” và tốt hơn hết nên tập trung cho SEA Games và chỉ đá ở vòng loại khu vực châu Á với mục đích học hỏi hơn là cố gắng giành vé đi tiếp.
Có lẽ, sự thay đổi về tư duy ấy của ông Hải, mà B.Bình Dương của ông gồm toàn những cầu thủ ngôi sao sáng nhất của ĐTQG với 3 ngoại binh nhập tịch và 3 ngoại binh chất lượng hàng tuyển, nhưng khi đá ở AFC Champions League sau 3 trận đấu toàn thua, mới ghi được 3 bàn và để lọt lưới tới 11 bàn. Nghịch lý ở chỗ, nếu đã xác định chỉ phận “lót đường” ở giải châu Á và buông xuôi ở giải đấu này, chấp nhận những thất bại đậm như thế, vậy thì B.Bình Dương vô địch V.League để làm gì?
Nên nhớ, ở giải đấu này CLB của Thái Lan là Buriam United đang đứng đầu bảng giành được 2 chiến thắng và 1 trận hòa cũng trước những đội bóng đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Trong khi nếu so về chất lượng nội binh họ không hơn Bình Dương, còn ngoại binh thì thậm chí Bình Dương còn hơn về lực lượng cầu thủ nhập tịch.
Trước đó, khi U19 Việt Nam đá đẹp nhưng hay thua, ông Lê Thụy Hải đã chê trách HLV Graechen rằng bóng đá mà không thắng, không hiệu quả thì chỉ là bóng đá biểu diễn, không phải bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng thật lạ, khi ông Miura xây dựng thứ bóng đá thực dụng, đề cao sự hiệu quả, thì ông Hải cho rằng lối đá của U23 Việt Nam thiếu đường nét, và khó có thể tiến bộ.
Sự bất nhất trong những phát biểu của ông Hải đã khiến người ta hoài nghi, tại sao vị HLV này lại thích bình luận về công việc của các HLV khác theo hướng kiểu gì cũng chê trách được như vậy?
Im lặng và hành động
Tại buổi họp báo sau chiến thắng trước U23 Macau, lần đầu tiên HLV Miura thổ lộ rằng ông thực sự gặp áp lực từ phía dư luận trong nước suốt gần 2 tháng chuẩn bị cho giải đấu, và mãi tới khi giải đấu kết thúc, ông mới thực sự cởi bỏ những áp lực vô hình ấy. Trái ngược với ông Hải cũng như nhiều nhà cầm quân khác, ông Miura rất ít khi phát biểu, thậm chí còn “thiết quân luật” với báo chí khi hạn chế tối đa tiếp xúc với giới truyền thông.
Ông Miura từng nói rằng, ông không đọc báo chí Việt Nam, nên ông không quan tâm đến những gì mà dư luận Việt Nam đang phê phán. Nhưng theo vị cựu trợ lý của HLV Miura khi làm ở ĐT Việt Nam thì ông Miura thường xuyên đọc báo để nghiên cứu. Với khả năng ngôn ngữ rất tốt, lại có thời gian làm trong ngành báo chí, truyền thông, thế nên chắc chắn ông Miura biết những gì mà dư luận đang nhận xét về mình. Đó cũng là lý do, vì sao mãi đến khi giải đấu kết thúc, ông mới thừa nhận mình bị áp lực.
HLV Miura và các cầu thủ U23 Việt Nam đã đáp trả dư luận bằng chiếc vé vào VCK U23 châu Á.
Hãy nhìn cách Miura trả lời báo chí mỗi khi các phóng viên hỏi về Công Phượng, ông thầy người Nhật đều tỏ ra cáu gắt và không muốn nhắc đến. Trong khi, ở AFF Cup, ngay cả khi hỏi về Công Vinh, Thành Lương… hay bất kỳ cá nhân cầu thủ nào thì ông đều vui vẻ trả lời. Chắc chắn ông Miura hiểu Công Phượng đang bị sức ép từ truyền thông và ông không muốn cậu học trò ngôi sao bị phân tâm quá nhiều. Và đó cũng là một trong nguyên nhân giúp Công Phượng tỏa sáng ở vòng loại U23 châu Á.
Tuy nhiên, dù biết các phản ứng từ dư luận, ông vẫn tiếp tục theo đuổi công việc của mình, tiếp tục bảo lưu quan điểm và triết lý bóng đá của mình. Đặc biệt là những trận giao hữu, ông vẫn “gò” các cầu thủ theo nhiều mảng chiến thuật riêng, thậm chí tạo cảm giác ức chế cho người xem. Thế nhưng, đến khi giải đấu kết thúc, người ta mới nhận ra rằng, từng trận đấu giao hữu kém cỏi ấy, lại là từng bước chuẩn bị cho những lối đá khác nhau, trước những đối thủ khác nhau của đội tuyển.
Khi trả lời báo chí Nhật Bản, ông Miura đã nói rằng, mục tiêu lớn nhất của ông không phải những danh hiệu, những chiến thắng mà ông muốn bóng đá Việt Nam tiến gần tới đẳng cấp của châu lục. Hơn một lần ông cảm thấy không hài lòng, nếu một nền bóng đá chỉ gói gọn tham vọng trong các giải đấu khu vực Đông Nam Á, vốn được xem là “vùng trũng” của bóng đá thế giới.
Và quả thực, dù không nói nhiều, thường xuyên trốn tránh báo chí. Nhưng qua những gì ông đã làm được cho bóng đá Việt Nam, thì đó cũng là cách tốt nhất để đáp trả lại những lời chỉ trích.
Theo Bóng đá