HAGL không bỏ tên nhà tài trợ

Thứ sáu, 10/04/2015, 15:25
Nếu như Chủ tịch Công ty VPF Võ Quốc Thắng cho biết năm 2016, ĐTLA sẽ học tập Thanh Hóa, Nghệ An về việc bỏ tên nhà tài trợ, chỉ giữ tên đội bóng địa phương thì quan điểm của bầu Đức có sự trái ngược...

Trong buổi công bố nhà tài trợ 2 giải bóng đá Hạng nhất Quốc gia và Cúp Quốc gia 2015, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Võ Quốc Thắng đã tiết lộ thông tin đáng chú ý là từ mùa giải 2016, CLB ĐTLA sẽ bỏ tên nhà tài trợ phía trước tên đội bóng.

Theo ông Thắng, đây là cách làm hay mà VPF học hỏi từ Nhật Bản, nền bóng đá mà nhiều chuyên gia, nhà tài trợ của họ đã và đang giúp đỡ bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, trái với quan điểm của ông chủ CLB ĐTLA, chủ tịch Đoàn Nguyên Đức của HAGL khẳng định chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ thương hiệu tài trợ cho đội bóng tỉnh nhà.

Bầu Đức chia sẻ với Báo Người Lao Động: “Mỗi doanh nghiệp trên thương trường đều có những cách thức riêng để đánh bóng tên tuổi, thương hiệu của họ. Trong bóng đá cũng vậy, mỗi ông bầu đều có quan điểm khác nhau khi tài trợ cho đội bóng địa phương. Ông Thắng có lập trường của mình khi quyết định bỏ tên Gạch Đồng Tâm, chỉ giữ lại tên đội bóng Long An. Ông Thắng tin rằng làm như vậy, khán giả Long An sẽ vì màu cờ sắc áo quê hương mà đến sân cổ vũ cho đội nhà nhiều hơn. Còn với HAGL, không bao giờ tôi nghĩ đến việc thay đổi, hủy bỏ tên gọi vì đó là thương hiệu Hoàng Anh, là bản sắc của bóng đá Gia Lai từ trước đến nay”.

HAGL của Tuấn Anh (trái) và ĐTLA của Tài Em là 2 CLB gắn tên nhà tài trợ nhưng không đổi tên kể từ khi tham gia V-League Ảnh: Quang Liêm

Theo ý kiến của Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số CLB vắng bóng khán giả dù đá rất hay, điển hình như trường hợp Hà Nội T&T, bắt nguồn từ yếu tố địa phương. Cựu Chủ tịch CLB ĐTLA nói: “Ở góc nhìn của mình, tôi cho rằng khi làm bóng đá chuyên nghiệp, nhà tài trợ luôn phải chú ý đến yếu tố địa phương và đừng gắn tên mình vào thương hiệu của CLB thì mới có khán giả. Bởi khi ấy khán giả mới đặt trọn tình yêu của mình vào đội bóng quê hương vì đó là tài sản tinh thần của chính họ. Đây là cách làm hay của bóng đá Nhật Bản mà VPF đang học theo. Đồng Tháp, Nghệ An, Hải Phòng hay Thanh Hóa đã đi đầu trong việc không gắn tên nhà tài trợ nhưng vẫn có đông đảo CĐV”.

Là người am hiểu và có những bước đi đột phá trong xây dựng thương hiệu nhờ vào bóng đá, bầu Đức có lập luận khác: “Tôi đi nhiều nước, thấy chuyện gắn tên nhà tài trợ là bình thường, khán giả vẫn cứ đến đầy sân. Như Thái Lan chẳng hạn, hay thậm chí là Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn có những đội bóng gắn tên nhà tài trợ, người hâm mộ cũng có quay lưng với đội đâu. Quan trọng là cách thức làm bóng đá chuyên nghiệp, làm sao cho người hâm mộ cảm thấy thoải mái nhất khi đến sân thưởng thức bóng đá, coi đó như một ngày hội là thành công. HAGL đang cố gắng làm thật tốt những gì học được từ những nền bóng đá phát triển, tự khắc khán giả sẽ càng ngày càng đến đông hơn thôi!” - bầu Đức phân tích.

Lo vỡ sân Vinh

Ba ngày trước trận so tài tâm điểm vòng 9 V-League 2015 khi SLNA đối đầu HAGL (ngày 12-4), BTC sân Vinh cho biết sẽ phát hành 10.000 vé, ít hơn 2.000 vé so với sức chứa của sân này. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đá SLNA Nguyễn Hồng Thanh, số lượng vé trên cũng đã cao gần gấp đôi so với số vé ở các trận đấu trước. Dù vậy, BTC sân Vinh vẫn rất lo lắng trước nguy cơ vỡ sân bởi người hâm mộ xứ Nghệ rất tò mò muốn xem tài năng trẻ Công Phượng sẽ đá như thế nào trong lần đầu tiên đối đầu với đội bóng quê hương.

Do giá vé vẫn được giữ nguyên, dao động trong khoảng 10.000 đồng đến 70.000 đồng nên sân Vinh khó tránh khỏi tình trạng xô đẩy, chen lấn vào xem Công Phượng trổ tài.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn