"VFF muốn giữ tên V.League để làm gì?"

Thứ sáu, 10/02/2012, 14:30
Trong cuộc trao đổi với báo giới chiều qua, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Nguyễn Đức Kiên đã đặt ra câu hỏi như vậy về yêu cầu giữ nguyên tên gọi V.League cho giải VĐQG mà VFF đưa ra…



Theo ông Kiên, việc VPF đặt tên giải là Giải Ngoại hạng Việt Nam (Super League hay V.Super League 2012) đã được VFF chấp nhận từ năm ngoái. Ông Kiên dẫn chứng cái tên này đã xuất hiện trong công văn ngày 2/10/2011 do chính VFF ký gửi Tổng cục TDTT xin phép thành lập VPF, cũng như ở Điều lệ VPF được đại diện VFF và 24 thành viên sáng lập VPF thông qua.

“VPF không tranh chấp tên gọi của một giải đấu và cũng không tranh luận cái tên nào hay hơn. Vấn đề ở đây là phải tôn trọng những việc chúng ta đã làm. VPF tôn trọng các chỉ đạo của Tổng cục TDTT và VFF, nhưng chúng tôi hy vọng các bên liên quan cũng tôn trọng những thỏa thuận trước đó”, ông Kiên nói.

- Việc dùng lại tên gọi V.League cho giải, có ảnh hưởng như thế nào tới VPF?



Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VPF Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: Tuấn Tú.


- Cái tên không làm thay đổi bản chất một giải đấu. Cá nhân tôi cho rằng việc sử dụng lại tên gọi cũ không làm ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại, uy tín hay chất lượng của giải. Sự thay đổi này chỉ ảnh hưởng nhỏ tới các CLB bởi hầu hết các đội đều đã in vé, bảng quảng cáo, áo đấu.., theo tên gọi mới của giải. Nếu VFF kiên quyết yêu cầu, chúng tôi sẽ chấp hành. Trong trường hợp này, VPF sẽ đứng ra lo cho CLB toàn bộ kinh phí phát sinh từ việc sử dụng lại tên gọi cũ. Nhân đây tôi cũng muốn đặt câu hỏi VFF muốn giữ tên cũ V.League để làm gì? Việc đó có đáng để làm không?

- VPF có nghĩ VFF cố tính ép mình qua chuyện tên họ của giải đấu?

- Dù hoàn cảnh khó khăn hay áp lực đến mức nào, VPF vẫn sẵn sàng đối phó và chịu trách nhiệm điều hành giải đấu thành công. Nhưng chúng tôi cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ VFF. 

- Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ có nói rằng việc VPF chi tiêu như thế nào, VFF không hề được biết. Ông nghĩ sao về phát biểu này?

-VFF có 3 đại diện trong Hội đồng quản trị VPF-cấp phê duyệt những chi tiêu của VPF. Chúng tôi cho rằng 3 đại diện của VFF phải có trách nhiệm báo cáo với Chủ tịch VFF. Còn Hội đồng quản trị VPF không có trách nhiệm báo cáo với bất kỳ ai.

- Hôm qua Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã có công văn yêu cầu đài truyền hình kỹ thuật số VTC chấp hành đúng nội dung chỉ đạo của Bộ VH-TT-DL trong công văn số 65 ngày 9/1/2012. Trong công văn 65, Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu: trước khi có kết luận thanh tra việc ký hợp đồng chuyển nhương thương quyền các giải bóng đá bóng giữa VFF và AVG, các cơ quan, đơn vị liên quan tôn trọng hiệu lực của hợp đồng này. Ông có thể cho biết quan điểm của VPF? 

- Chúng tôi chưa nhận được công văn của Thanh tra Bộ VH-TT-DL. Đối với VPF, vấn đề bản quyền truyền hình là vấn đề lớn, liên quan đến tương lai của bóng đá Việt Nam. Vì thế chúng tôi làm việc rất cẩn trọng và đúng nguyên tắc. VPF đã làm việc với đoàn thanh tra của Bộ VH-TT-DL về vấn đề này. Bên cạnh đó, chúng tôi khẳng định, việc VPF cho Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và các đài địa phương truyền hình các trận đấu của giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi chịu trách nhiệm về việc này.  

- Trong trường hợp, Thanh tra Bộ VH-TT-DL kết luận việc ký hợp đồng giữa VFF và AVG là hợp pháp, VPF có tiếp tục theo đuổi vụ việc nay không?

- Nếu kết luận của thanh tra chưa khiến chúng tôi “tâm phục khẩu phục”, VPF sẽ yêu cầu Bộ VH-TT-DL tiến hành phúc tra. Nếu phúc tra vẫn chưa thỏa mãn, chúng tôi sẽ kiến nghị lên Tổng thanh tra Chính phủ. Trong trường hợp cuối cùng, chúng tôi sẽ đưa vụ việc ra phân xử tại tòa. Ngoài ra, VPF và các CLB có thể đề nghị VFF tổ chức Đại hội bất thường để xem xét bản hợp đồng này. 


 

Theo BaoDatviet

Các tin cũ hơn