Sau tuyên bố của ông bầu Đoàn Nguyên Đức, HA Gia Lai đã để ngỏ khả năng bỏ V-League ngay trong tháng 4 tới đây. Bầu Đức cũng đề cập đến chuyện ông dự định đưa cầu thủ của mình ra nước ngoài thi đấu.
Có thể điều đó là thật. Nhưng vấn đề là nếu HA Gia Lai bỏ V-League, còn những Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh… trở lại với các giải bóng đá ngoại mà họ từng ở đấy, khả năng phát triển của họ đến đâu?
Công Phượng từng có thời gian thi đấu cho Mito Hollyhock (Nhật Bản). Nhưng mùa giải duy nhất mà cầu thủ này xuất ngoại cũng là mùa giải mà anh thật sự vất vả tìm chỗ đứng ở đội bóng hạng dưới của bóng đá Nhật Bản.
Khoảng thời gian đầu quân cho Mito Hollyhock (Nhật Bản), chỗ của Công Phượng là trên sân tập nhiều hơn trên sân đấu |
1 năm đầu quân cho Mito Hollyhock, Công Phượng thi đấu tổng cộng chừng… 80 phút, với 5 lần được ra sân, chủ yếu từng băng ghế dự bị. Đôi khi, băng ghế dự bị của Mito Hollyhock còn không có chỗ cho Công Phượng, bởi nhiều trận anh không được đăng ký trong danh sách thi đấu.
Phong độ của cầu thủ từng nổi tiếng nhất Việt Nam vì thế xuống dốc nghiêm trọng trong giai đoạn này, cảm giác bóng mất đi. Hệ quả là ở AFF Cup 2016, Công Phượng thi đấu rất tệ, dẫn đến thất bại chung của đội tuyển Việt Nam ở giải đấu đấy. Và nhiều người khi đó còn chỉ trích HLV Nguyễn Hữu Thắng quá ưu ái sử dụng một Công Phượng không có phong độ tốt.
Xuân Trường có 2 mùa chơi bóng tại Hàn Quốc, lần lượt cho các đội bóng Incheon United và Gangwon FC, với tổng thời gian cho 2 năm ở K-League là khoảng… 360 phút (tức bằng tổng thời gian của… 4 trận đấu).
Mỗi lần về tập trung đội tuyển quốc gia, trong giai đoạn khoác áo các CLB Hàn Quốc, Xuân Trường không giữ được sự ổn định về mặt phong độ. Để có lúc, HLV kỳ cựu Nguyễn Thành Vinh từng nhận xét Xuân Trường không đủ thể lực và không đủ năng lực để quán xuyến tuyến giữa của các đội tuyển Việt Nam thời điểm nói trên.
Trường hợp khác liên quan đến Tuấn Anh, với 1 năm khoác áo Yokohama FC tại Nhật Bản. Cũng giống như Xuân Trường và Công Phượng, Tuấn Anh hiếm khi được ra sân ở đội bóng thuộc hạng dưới của Nhật Bản, khiến cho việc cầu thủ này quay lại với V-League, tìm chỗ để được thi đấu thường xuyên hơn gần như là điều tất yếu.
Bầu Đức (thứ 2 từ trái sang) đang làm dậy sóng bóng đá Việt Nam bằng tuyên bố có thể bỏ bóng đá ngay trong tháng 4 tới đây |
Tức là, câu chuyện đưa cầu thủ HA Gia Lai ra nước ngoài thi đấu, nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng để thực hiện vẫn còn nhiều băn khoăn.
Có thể vẫn sẽ có các CLB bên ngoài V-League chiêu mộ các cầu thủ của bầu Đức, nhưng mục đích chiêu mộ mới là điều đáng bàn? Họ chiêu mộ để phát triển hình ảnh, mở rộng thị trường ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, hay chiêu mộ nhằm mục đích cải thiện chuyên môn của chính họ?
Tin rằng, với những CLB chuyên nghiệp thực thụ, họ không dại đến mức hy sinh yếu tố chuyên môn của đội bóng, để cố sử dụng những cầu thủ chưa đủ tầm. Thành ra, đặt trường hợp những Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh… rời V-League để trở lại với các giải bóng đá ngoại, họ sẽ phát triển như thế nào?
Chưa biết những câu chuyện liên quan đến ứng viên cho ghế Phó chủ tịch (PCT) VFF Trần Anh Tú sẽ dẫn bầu Đức đến những phát ngôn gì nữa? Có thể những phát biểu đấy của bầu Đức xuất phát từ ý tốt, rằng ông muốn chống tiêu cực (theo cách nói của ông bầu này) cho bóng đá Việt Nam!
Nhưng hỡi ôi, đâu thể chống tiêu cực (nếu có) bằng một phản ứng có thể còn tiêu cực hơn, đấy là đẩy hàng chục người lao động dưới trướng mình ra đường, nếu bầu Đức bỏ bóng đá, rồi đứng trước nguy cơ thất nghiệp, mất cơ hội phát triển! Đâu thể đẩy toàn bộ hệ thống thi đấu của bóng đá Việt Nam đứng trước nguy cơ xáo trộn, trong trường hợp HA Gia Lai của bầu Đức bỏ ngang V-League!
Theo Dân Trí