|
Trịnh Văn Vinh đi theo vết xe đổ của đồng nghiệp |
Trịnh Văn Vinh thản nhiên cho biết mình bị đau lưng nên tự đón xe từ Hà Nội đi Hải Phòng tiêm thuốc mà cũng chẳng biết đó là thuốc gì, có bị cấm hay không. Hậu quả là VĐV này dương tính với không những 1 mà đến 2 loại chất cấm. Khi đó anh mới bàng hoàng nhưng đã quá muộn. Dù còn cơ hội chứng minh mình trong sạch thông qua giải trình đồng thời mở kết quả mẫu B, nhưng với chất testosterone (tăng cơ) có trong mẫu A, Văn Vinh sẽ đối mặt với án phạt nặng từ Liên đoàn Cử tạ quốc tế (IWF), có thể cấm thi đấu từ 8 - 10 năm và bị phạt 5.000 USD.
Trước Trịnh Văn Vinh, á quân cử tạ Olympic Bắc Kinh 2008 Hoàng Anh Tuấn cũng bị cấm thi đấu 2 năm vì dính doping do tự ý sử dụng thuốc cảm có chất cấm khi tập huấn tại Trung Quốc. Doping cũng nhấn chìm “búp bê” thể dục dụng cụ VN Đỗ Thị Ngân Thương khi cô bị phát hiện sử dụng thuốc lợi tiểu vốn nằm trong danh mục cấm và bị cấm thi đấu 1 năm.
Khi nhận tin sốc doping từ á quân Olympic Hoàng Anh Tuấn, Trưởng bộ môn cử tạ VN Đỗ Đình Kháng chỉ biết than thở: “Không hiểu đầu óc Tuấn nghĩ gì mà lại tự ý dùng thuốc cảm dẫn đến tình cảnh này”. Trưởng đoàn thể thao VN ở Olympic Bắc Kinh 2008 Hoàng Vĩnh Giang khi nhận tin Ngân Thương phải rời đại hội vì chất cấm nhấn mạnh đó là sai lầm sơ đẳng của VĐV thể thao VN khi thiếu thông tin, không đủ kiến thức về phòng chống doping. Và đến khi Trịnh Văn Vinh đi vào vết xe đổ của đồng nghiệp, HLV Nguyễn Văn Dần của VĐV này mới thốt lên chắc chắn phải đi học một khóa về phòng chống doping.
Bị ngành thể thao loại khỏi danh sách đầu tư trọng điểm, Á quân ASIAD Trịnh Văn Vinh sắp tới sẽ phải làm văn bản điều trần đến Hội đồng đánh giá mức độ vi phạm doping của Liên đoàn Cử tạ thế giới - IWF.
Để xảy ra những câu chuyện đau lòng về doping, nguyên nhân trước hết thuộc về trình độ hạn chế và sự chủ quan của VĐV. Nhiều người còn xem thường không chịu nắm bắt, không tự trang bị cho mình những bài học căn bản của công tác phòng chống doping.
Có người vì chạy theo thành tích còn thông đồng với HLV làm liều dùng thuốc bừa bãi mới dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Nhưng sâu xa của vấn đề thuộc về trách nhiệm của ngành TDTT khi chưa có sự quản lý chặt chẽ, thiếu sâu sát và phổ cập đầy đủ những kiến thức phòng chống doping và cũng chưa có sự theo dõi kiểm tra, đánh giá những tài năng có thành tích đột biến như Trịnh Văn Vinh một cách chặt chẽ.
Chính sự lỏng lẻo đó của Tổng cục TDTT, các trung tâm huấn luyện và đặc biệt là những người trực tiếp dẫn dắt VĐV cũng góp phần làm cho căn bệnh kinh niên “chết vì thiếu hiểu biết” này cứ tái đi tái lại làm hoen ố hình ảnh thể thao VN.
Theo Thanh Niên