Những dấu ấn lớn nhất lịch sử các đội tuyển Việt Nam đã luôn ghi tên những ông thầy ngoại như Karl-Heinz Weigang, Alfred Riedl, Henrique Calisto và nhất là Park Hang-seo. Thành công của họ cùng thất bại của nhiều HLV nội trên “ghế nóng” là bằng chứng cho thấy các đội tuyển Việt Nam cần và phụ thuộc thế nào vào những HLV ngoại.
|
Thành tích tốt nhất của các HLV nội và ngoại ở tuyển Việt Nam. Đồ họa: Minh Phúc. |
“Thầy Weigang là người đầu tiên đặt viên gạch cho đội tuyển Việt Nam khi đưa vào những bài tập, khoa học thể lực, kỹ thuật mới nhất mà lúc đó, chúng tôi đều chưa được tiếp cận. Năm 1994, thầy đã đưa đội tuyển đi tập huấn một chuyến bổ ích tại Đức mà sau này, khó đội tuyển Việt Nam nào có được”.
“Chúng tôi khi đó được đá hai mươi mấy trận với các đội bên Đức, dự cả một giải đấu nhỏ với đội dự bị của Werder Bremen, Stuttgart... Qua chuyến đi ấy, thế hệ tôi mới vỡ ra rất nhiều, kinh nghiệm lên và quan trọng là nhận thức thay đổi hoàn toàn”, cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn từng kể lại với Zing.vn.
Ông Weigang khi đó là HLV ngoại đầu tiên gắn bó lâu dài với một đội tuyển Việt Nam. Ông ngay lập tức đưa bóng đá Việt Nam tới với tấm HCB SEA Games 1995 và giành hạng ba AFF Cup 1996.
Kể từ đó về sau, tuyển Việt Nam đã trải qua thêm 21 đời HLV (tính cả chính thức và tạm quyền). Chỉ 4 người Việt Nam được tin tưởng dẫn dắt đội tuyển quốc gia là các ông Trần Duy Long (1997), Phan Thanh Hùng (2012), Hoàng Văn Phúc (2013-2014) và Nguyễn Hữu Thắng (2016-2017). Không một ai trong số họ thành công.
Gần 30 năm qua, tuyển Việt Nam đã luôn sống bằng hơi thở của các HLV ngoại. Những thành tích ấn tượng nhất của bóng đá Việt Nam như 2 lần vào tứ kết Asian Cup, 2 lần vô địch AFF Cup hay HCV SEA Games 2009 đều tới dưới thời các HLV ngoại.
So với họ, thành tựu của các HLV nội thật nhỏ bé. Hai chiến công hiếm hoi đáng được kể tên là chức vô địch Merdeka Cup 2008 của HLV Mai Đức Chung và thành tích bán kết AFF Cup 2016 của ông Hữu Thắng.
Các HLV Việt Nam tại lớp học bằng Pro của AFC tổ chức năm 2017. Ảnh: VFF. |
Tháng 4/2018, có một mẩu tin nhỏ, ít người chú ý đã lướt qua các trang báo thể thao Việt Nam. Đó là khi Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) xác nhận cấp bằng Pro, bằng cấp bóng đá cao nhất châu lục, cho 5 HLV Việt Nam gồm Phan Thanh Hùng, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Minh Phương và Lê Huỳnh Đức.
Thành tựu của 5 HLV này mang tới niềm vui cho nền bóng đá. Tuy nhiên, nó cũng nói rằng trong nhiều năm trước đó, không HLV Việt Nam nào đạt đủ tiêu chuẩn về chuyên môn của AFC. Nghĩa là những nhà cầm quân Việt Nam chưa từng ở cùng đẳng cấp với cộng sự tới từ các nền bóng đá phát triển (ít nhất là về mặt bằng cấp).
Lý do thứ hai liên quan tới khả năng đối diện áp lực. Các HLV Việt Nam hầu hết đều là cựu danh thủ, người của các CLB, có mạng lưới mối quan hệ, liên kết lằng nhằng về quyền lợi và trách nhiệm với các địa phương.
Khi một HLV Việt Nam ngồi vào “ghế nóng” đội tuyển, những câu hỏi về chuyện “quân anh, quân tôi” luôn được đặt trước mặt họ. Bản thân họ cũng chịu tác động lớn từ các CLB, liên đoàn bóng đá. Nhiều hành động của họ khiến dư luận phải đặt câu hỏi về quyền lực thực sự của HLV trưởng.
HLV Calisto và Park Hang-seo là 2 chiến lược gia ngoại thành công nhất của bóng đá Việt Nam. Đồ họa: Minh Phúc. |
HLV Nguyễn Hữu Thắng có lẽ là người hiểu rõ điều đó nhất. Có thời gian cầm quyền ngắn nhất trong so với người tiền nhiệm Toshiya Miura hay người kế nhiệm Park Hang-seo, ông Thắng là người phải đối diện với nhiều nghi ngờ nhất. Rất nhiều lần trong các cuộc họp báo, ông phải lên tiếng khẳng định mình có “toàn quyền quyết định về nhân sự ở các đội tuyển”. Càng lên tiếng, người ta càng thấy nghi ngờ quyền ấy của ông.
Cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam Trần Bình Sự từng nói: “Sở dĩ HLV nội không dám ứng cử trở thành HLV tuyển Việt Nam vì áp lực từ dư luận, truyền thông và cả VFF là vô cùng to lớn. Việt Nam không thiếu những HLV nội tài năng, nhưng chính những điều kể trên khiến họ không dám nắm ghế đội tuyển”.
Tuy nhiên, tuyển Việt Nam cũng không phải đội bóng duy nhất ở Đông Nam Á có “tâm lý sính ngoại”.
Trong 4 đội tuyển vào tới bán kết AFF Cup 2018, có tới 3 người là HLV ngoại. Tương tự như vậy, U22 Indonesia là đội duy nhất dùng HLV nội vào tới bán kết SEA Games 2019.
Giống như tuyển Việt Nam, Thái Lan cũng cần một HLV ngoại để nâng tầm đẳng cấp nền bóng đá. Ảnh: Minh Chiến. |
Cách biệt giữa các nền bóng đá không chỉ thể hiện qua trình độ cầu thủ mà còn cho thấy ở trình độ HLV. Nền bóng đá đẳng cấp càng cao, thì khả năng sản sinh HLV giỏi càng lớn. Điều thú vị là trong khi rất khó nâng cao trình độ mỗi tuyển thủ, các đội tuyển quốc gia luôn dễ dàng tìm thấy những HLV ngoại ở đẳng cấp cao. Đó là lý do khiến những đội tuyển Đông Nam Á và Việt Nam luôn tìm tới thầy ngoại.
Các HLV nội trưởng thành ở môi trường trong nước, ít được cọ xát đỉnh cao, chưa có các trải nghiệm đẳng cấp (ví dụ World Cup, Olympic), họ không có kinh nghiệm nên rất khó chỉ bảo học trò của mình. Tất cả những điều đó có thể “mua” được nhờ HLV ngoại.
Thực tế chứng minh hai đội tuyển Đông Nam Á đang vươn ra châu Á là Việt Nam và Thái Lan đều sử dụng các HLV ngoại. Tuyển Việt Nam có thời kỳ thành công nhất lịch sử dưới tay Park Hang-seo còn Thái Lan đã lột xác nhanh chóng nhờ Akira Nishino.
Phải thừa nhận, lịch sử đội tuyển Việt Nam có đóng góp rất lớn bởi các HLV ngoại.
Theo Zing