>>Man City được "núi tiền" nếu vô địch Premier League
>>Man City: Tiền múa Chúa cười
>>Man City 'về chung một nhà' với M.U
1. HLV Alex Ferguson gọi Man City là “những tay hàng xóm ồn ào”, rồi cụm từ ấy trở thành ước lệ tiêu biểu cho hình ảnh Man City thời đại ông chủ Sheikh Mansour. Trên khán đài Etihad trong trận derby Manchester, người ta thấy CĐV Man City giăng lên một tấm băng rôn giễu nhại: “Alex, những tay hàng xóm ồn ào đang trở nên ồn ào hơn”.
Ấn tượng về sự “ồn ào” của Man City, tất nhiên, đến từ việc họ khuấy đảo TTCN, lột xác thành một thế lực của bóng đá Anh và chiếm tần suất đột biến trên mặt báo. Nhưng thực tế, những tay hàng xóm của M.U không ồn ào như người ta tưởng tượng.
Cũng đã có scandal này và cãi vã nọ. Nhưng mọi thứ được dẹp đi rất nhanh, và nếu so sánh với những tập thể nhiều ngôi sao khác, đặc biệt là “nguyên mẫu” Chelsea, hoàn toàn có thể nói bầu không khí ở Man City tương đối… bình yên.
2. Hãy bỏ qua trường hợp của Mario Balotelli: anh này không kích động mâu thuẫn trong phòng thay đồ theo kiểu “sao đấu sao” mà chúng ta đang xét đến ở những CLB nhiều tiền. Vấn đề của Balotelli hơi kỳ quặc, có thiên hướng mâu thuẫn với chính bản thân và không xác lập được một nhân cách rõ ràng.
Hãy nói đến Carlos Tevez. “Cừu đen” Tevez, sau scandal cãi lời Mancini và trốn về Argentina chơi golf với vợ, quay trở lại Man City kèm mô tả có vẻ sống sượng của CLB về một “hình mẫu chuyên nghiệp thực sự”. Thế mà kẻ nổi loạn lấy lại hình ảnh chuyên nghiệp rất nhanh. Ngay tuần sau, đã thấy anh đi đá bóng với trẻ em khuyết tật trong một chiến dịch của Man City. Và trên sân cũng vậy, Tevez thi đấu “như chưa từng có cuộc chia ly”.
Man City là đội bóng tập hợp của rất nhiều ngôi sao |
Các ngôi sao khác thì sao? Đội trưởng Vicent Kompany không đi ngoại tình với em dâu hay với Hoa hậu Xứ Wales, không cướp vợ bạn, cũng không sử dụng trang mạng xã hội Twitter để mỉa mai đối phương theo phong cách kinh điển của các thủ lĩnh xứ sương mù. Anh ta nói được 6 thứ tiếng, và dùng khả năng ấy để giao tiếp lịch thiệp với báo chí hay CĐV. Ngoài Steven Gerrard, khó tìm được đội trưởng nào “sạch sẽ” hơn trung vệ người Bỉ ở Premiership lúc này.
David Silva, theo mô tả của báo chí Anh, chỉ cười mỉm trong các buổi họp báo. Lescott, Kolarov, Zabaleta, De Jong chưa từng phàn nàn dù chỗ đứng bấp bênh trong đội. Anh em nhà Toure cũng chỉ chuyên chú làm từ thiện ở châu Phi.
Đúng là đôi lúc vẫn có scandal, nhưng rõ ràng logic: “Mâu thuẫn tỷ lệ thuận với độ dày đặc của cái Tôi”, thứ tồn tại phổ biến ở mọi CLB kể cả M.U thời hoàng kim (hãy nhớ Keane, Becks và Stam), Real Madrid, Bayern Munich không đúng ở CLB này.
3. Lý do có thể không nằm ở việc Mancini tài giỏi trong việc “đắc nhân tâm”. Lý do có thể đơn giản hơn rất nhiều: họ đã trả quá nhiều tiền để mua được sự im lặng ấy. Đó là CLB có quỹ lương cao nhất thế giới, những cầu thủ có thu nhập từ đá bóng cao nhất thế giới, cao đến mức không có gì để phàn nàn.
Sau những áp phe của Tevez hay Balotelli, rất nhiều người có xu hướng tin rằng Man City không thể trở thành đội bóng lớn vì sự bất ổn trong phòng thay đồ.
Nhưng nhìn vào cách Tevez trở lại, đi làm từ thiện, rồi đá với tinh thần của những ngày đầu tiên đến nước Anh, thì hiểu rằng tiền có thể mua được rất nhiều điều thuộc về “đẳng cấp”.
Họ đã mua thành công. Đó có thể là cách làm bóng đá vô lối hay hợp lý, tùy quan điểm của mỗi người, tùy người phán xét là CĐV Arsenal hay CĐV Chelsea. Nhưng kết quả cuối cùng là họ sắp mua được món hàng mình muốn.
Dù thích hay không, hãy chuẩn bị tinh thần đón một CLB lớn sắp chào đời.
Theo Bongdaplus