>>Kỳ tích của nữ võ sĩ bị lạm dụng tình dục
>>Brazil 3-2 Honduras: Bản lĩnh và may mắn
>> Chùm ảnh người đẹp 'đốt cháy' Olympic bằng bikini
>>Trung Quốc thấy người sang bắt quàng làm họ
Với người Hàn Quốc, đi nghĩa vụ quân sự là niềm tự hào. Người ta luôn đăng ký đi thực hiện nghĩa vụ với đất nước, và cũng là cách để rèn luyện bản thân trước khi bước vào đời.
Thế nhưng, trong một phạm trù riêng, cầu thủ bóng đá (và các VĐV thể thao khác) không thể đi nghĩa vụ. Bởi vì, việc quá trình thi đấu rơi vào cảnh gián đoạn sẽ khiến sự nghiệp đỉnh cao của họ bị chấm dứt. Rõ ràng, không cầu thủ nào chờ đợi điều đó đến với mình.
Người hâm mộ bóng đá lớn tuổi ở Hàn Quốc có lẽ chưa quên được Cha Bum-Kun, một huyền thoại trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước. Cha là cầu thủ Hàn Quốc đầu tiên trong lịch sử giành Cúp UEFA (với Frankfurt mùa 1979-80, và Leverkusen mùa 1987-88). Trong giai đoạn chơi bóng rất thành công trên đất Đức, Cha phải trở về thực hiện nghĩa vụ quân sự - điều bắt buộc với tất cả.
Vinh quang Olympic có thể giúp cầu thủ Hàn Quốc được miễn nghĩa
vụ quân sự - Ảnh : Getty
Để hy vọng được chính phủ miễn đi nghĩa vụ, các cầu thủ trẻ của Hàn Quốc đang rất nỗ lực chiến đấu để giành huy chương Olympic. Luật pháp Hàn Quốc ghi rõ những ưu ái riêng - hoặc có thể gọi là giải thưởng từ chính phủ, cho những VĐV thi đấu thành công ở Olympic và ASIAD.
Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc cũng có những đặc cách riêng, mà World Cup 2002 là một ví dụ. Khi ấy, đội bóng do HLV Hiddink dẫn dắt đã vào đến bán kết, nên những tuyển thủ được miễn nghĩa vụ.
Việc mang về những tấm huy chương danh giá cũng là đóng góp lớn cho quốc gia, nên được miễn nghĩa vụ quân sự. Tại ASIAD 2010, U-23 Hàn Quốc đã giành HCĐ sau khi lội ngược dòng đánh bại Iran một cách tuyệt vời (bị dẫn 2-0, 3-1, và thắng 4-3 với cú đúp khó tin của Ji Dong-Won phút 88 và 89).
Theo như một số tờ báo Hàn Quốc, đội bóng của họ có thể đạt thành tích cao hơn là vị trí thứ 3 châu lục, nếu không có sức ép thành công từ chính phủ. Trước khi hạ Iran, Hàn Quốc đã thất bại khá bất ngờ ở vòng bán kết với UAE (thua trong hiệp phụ).
Không ai khác, mà chính HLV Hong Myung-Bo là người dẫn dắt Hàn Quốc ở ASIAD 2010. Trong buổi họp báo tại sân Old Trafford hôm Chủ nhật vừa qua, Hong - người đội trưởng của Hàn Quốc giành hạng 4 thế giới năm 2002 (cũng đang giữ kỷ lục khoác áo ĐTQG với 136 lần; và ghi 10 bàn thắng), đã xác nhận điều này.
“Các cầu thủ có nhận thức từ thất bại ở Asian Games 2 năm trước, và lúc này họ hiểu rõ mình nên làm gì và không nên làm gì”, Hong muốn giảm sức ép cho các học trò trước trận bán kết với Brazil.
Chiến thắng trước Brazil sẽ đồng nghĩa Hong và các học trò chính thức giành huy chương (nếu thua, còn phải đá trận cuối để biết về cơ hội của mình). Một trận đấu nữa để làm nên lịch sử, và quyết định nhiều đến tương lai chơi bóng đỉnh cao, hẳn là những cầu thủ đến từ bán đảo Triều Tiên đang tràn đầy quyết tâm.
Nghĩa vụ quân sự thực tế chỉ là một phần. Việc Hàn Quốc đang thi đấu rất thành công bắt nguồn từ khát khao thể hiện mình của các cầu thủ. Đây mới là lần đầu tiên Hàn Quốc vào bán kết một kỳ Olympic.
Trên sân chơi ASIAD, bóng đá trẻ Hàn Quốc cũng đang thất thế so với các đối thủ. Từ khi có quy định giới hạn độ tuổi (2002), những chiến binh Taegeuk luôn vào đến bán kết, nhưng thành tích cao nhất mà họ giành được chỉ là hai chiếc HCĐ (2002 và 2010). Nếu tính cả ĐTQG, người Hàn Quốc cũng chưa một lần nếm vị ngọt vinh quang, kể từ sau HCV Asian Games 1986 mà họ là chủ nhà (trên sân chơi AFC Cup, chiến thắng gần nhất của Hàn Quốc là các năm 1956 và 1960).
Thế nên, ngoài tương lai của từng cá nhân, các cầu thủ Hàn Quốc, với không ít người từng là thành phần tham dự ASIAD hai năm trước, đang mơ về khoảnh khắc viết nên trang sử mới đầy huy hoàng cho bóng đá nước mình.
Theo Thethaovanhoa