Kỳ vọng bước "nhảy vọt” cho cá ngừ xuất khẩu

Thứ tư, 09/12/2015, 13:03
Phần lớn các nước trong TPP đều là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam trong những năm qua.

Trong bối cảnh xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang nhiều nước đang giảm mạnh, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) lại tăng so với cùng kỳ năm 2014. TPP đang được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước nhảy vọt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu cá ngừ và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan,10 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các nước trong TPP đạt hơn 205 triệu USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ.

Theo Hiệp hội Thủy sản Việt Nam(VASEP), hiện phần lớn các nước trong TPP đều là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam trong những năm qua. Tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang 11 nước này chiếm gần 53% tổng giá xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường trên thế giới. Trong đó, Mỹ, Nhật Bản và Mexico đang là những thị trường NK cá ngừ chính của Việt Nam.

Theo lộ trình, các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế bằng 0% ngay trong năm đầu tiên hoặc lộ trình các năm tiếp theo. Đây là tín hiệu tích cực cho các DN xuất khẩu cá ngừ, đặc biệt là tại thị trường Nhật Bản - thị trường đối tác lớn thứ hai (sau Mỹ) trong 11 nước tham gia TPP bởi trong những năm qua thuế suất của Việt Nam đang cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN.

Theo nhận định của các DN, nguồn nguyên liệu cá ngừ trong nước đang thiếu, thuế NK giảm sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các DN nhập khẩu từ các nước lớn như Malaysia, Mexico, New Zealand…Hơn thế nữa, theo đánh giá của các chuyên gia, chi phí tiền lương cho nhân công sơ chế làm việc trong nhà máy sản xuất cá ngừ của Việt Nam đang chỉ bằng 1/8 so với các nước sản xuất cá ngừ đóng hộp khác sẽ là một lợi thế cạnh tranh cho các DN cá ngừ đóng hộp của Việt Nam.

Có thể nói, ngành cá ngừ Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ TPP, tuy nhiên đó chỉ là một mặt của vấn đề. Bởi bên cạnh những vấn đề về thuế quan, các nước TPP còn quan tâm rất lớn đến các nội dung liên quan đến trợ cấp đánh bắt tự nhiên, chống trao đổi hải sản đánh bắt từ tự nhiên trái phép… mà vấn đề này hiện tại việc thực hiện và quản lý của ta còn rất nhiều bất cập. Đây sẽ là thách thức lớn đối với ngành cá ngừ.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích