Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn gần đây có nhiều đơn vị phân phối sản phẩm heo VietGAP tung ra thị trường, dù trước đây, con heo VietGAP từng bị hắt hủi.
Tại các điểm bán, trung bình mỗi ngày Vissan cung ứng khoảng 35 tấn thịt heo, tương đương khoảng 400 con heo VietGAP. Số heo này, được thu mua từ 70 – 100 trang trại ở Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh việc công bố bán heo VietGAP, Vissan cũng cho hay tại các điểm bán, công ty vẫn cung ứng thịt heo có kiểm soát và tách bạch với heo VietGAP. Cả hai nguồn hàng này đều đáp ứng tiêu chí sạch, an toàn, giá cả ổn định.
Trước Vissan, hồi đầu tháng 10, công ty TNHH dịch vụ An Hạ được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và dự án Cạnh tranh nông nghiệp và an toàn thực phẩm (Lifsap) kết nối tiêu thụ sản phẩm heo VietGAP của 646 hộ chăn nuôi ở Củ Chi, Hóc Môn với tổng đàn khoảng 41.000 con. Lô heo VietGAP đầu tiên được công ty An Hạ bán lẻ tại chợ Hoà Bình, đã tạo ra làn sóng tích cực, được người tiêu dùng hồ hởi đón nhận.
Đến thời heo VietGAP
Thực tế, dự án Lifsap triển khai ở TP.HCM từ năm 2010, theo ông Nguyễn Phước Trung, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM, sau ba năm thành phố đã triển khai xong chương trình cấp chứng nhận chăn nuôi heo VietGAP, nâng cấp khu kinh doanh thịt tươi sống của hàng chục chợ ở nhiều quận huyện, hỗ trợ trang thiết bị cho các cơ sở giết mổ; nhưng đến năm 2013 thịt heo có chứng nhận VietGAP vẫn vắng bóng trên thị trường do… thiếu một đơn vị đứng ra kết nối. Nuôi được heo VietGAP nhưng không có đơn vị nào dám đứng ra tổ chức phân phối từng là thực tế có thật.
Nhìn lùi về năm 2013, tại hội nghị “Kết nối sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản VietGAP trên địa bàn TP.HCM” tổ chức ngày 29-11-2013, bà Nguyễn Thị Hồng, phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhiều lần ngắt lời ông Nguyễn Ngọc An, phó tổng giám đốc Vissan và yêu cầu giải thích vì sao đơn vị này đưa xe đi khắp miền Đông, miền Tây gom mua heo nhưng lại không mua heo của nông dân thành phố sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Không hài lòng với cách giải thích của Vissan, bà Hồng từng yêu cầu Vissan và hợp tác xã Tiên Phong, đơn vị nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAP, ngồi lại với nhau tìm cách tiêu thụ sản phẩm heo VietGAP cho nông dân.
Nói như vậy để thấy nuôi heo VietGAP đã khó và giá thành lại cao hơn heo thường nên nếu doanh nghiệp mua giá cao về giết mổ bán lẻ như giá heo thường sẽ bị lỗ, do thị trường chưa phân biệt được heo VietgGAP và heo thường.
Sau nhiều năm bị ruồng bỏ, con heo VietGAP chỉ thật sự “có giá” khi thông tin heo bệnh với heo ăn chất tạo nạc tràn lan, người dân mong muốn tìm mua heo sạch lại không có. Và lúc đó, chính xác hơn là đầu tháng 10 vừa qua, công ty An Hạ mới đứng ra nhận trách nhiệm tiêu thụ heo VietGAP cho nông dân. An Hạ tung heo VietGAP ra thị trường rất đúng thời điểm, người tiêu dùng đang cần heo sạch, an toàn.
Có thể vì An Hạ bán chạy heo VietGAP nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp muốn tham gia, mà mới nhất là Vissan.
Tranh mua
Trưa ngày 7-12, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, giám đốc công ty An Hạ, cho biết vài ngày nay xuất hiện đội quân thương lái vào các trang trại có giấy chứng nhận heo VietGAP tranh giành thu mua heo. Điều này làm cho bà rất buồn lòng.
Và theo bà Thắm, công ty An Hạ là đơn vị được Sở Nông nghiệp và dự án Lifsap chọn để đứng ra thu mua heo VietGAP cho nông dân với giá cao hơn thị trường 1.000 đồng. An Hạ có lò mổ hiện đại, heo từ các trại chở về lò mổ được niêm phong chì và lấy mẫu xét nghiệm lại, nếu đạt thì cơ quan thú y mới đóng dấu chứng nhận tiêu thụ. Sau vài tháng triển khai, kết quả thu được khá tốt. Người tiêu dùng bắt đầu quan tâm đến thịt heo VietGAP nên sản lượng bán ra tăng đều ở mức 200 – 300 con/ngày.
“Nay bỗng dưng xuất hiện một đội quân thương lái lùng sục vào tất cả các trang trại để giành giật. Họ trả giá cao hơn 1.000 đồng/kg so với công ty” - bà Thắm lo lắng tâm sự.
So với hồi đầu tháng 10-2015, số trại heo được cấp giấy chứng nhận VietGAP ở TP.HCM đã tăng thêm 95 trại vào đầu tháng 12, với tổng đàn khoảng 45.000 con heo. Đa số trại heo có chứng nhận VietGAP ở TP.HCM đều có quy mô chăn nuôi nhỏ, từ vài chục con trở lên nên mỗi ngày chỉ có thể đưa ra thị trường tối đa 200 – 300 con heo, cá biệt có ngày chỉ được dưới 100 con.
Trước khi có “đội quân thương lái” giành giật mua heo VietGAP, công ty An Hạ là doanh nghiệp duy nhất mua hết số heo này cho bà con nông dân. Theo bà Thắm, chương trình heo VietGAP của thành phố có thể sẽ bị… bể bởi tình trạng tranh giành mua heo.
Trao đổi với TGTT, ông Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng chi cục Thú y TP.HCM, nói ngoài quy trình chăn nuôi phải tuân thủ các tiêu chí, nguyên tắc vận chuyển heo VietGAP là một xe chỉ được vận chuyển một địa điểm bắt heo. Sau đó xe được niêm phong để tiện việc theo dõi, truy xuất nguồn gốc.
Hơn nữa, khi xuất chuồng, con heo VietGAP phải có người của công ty, người của cơ quan thú y và người của dự án Lifsap theo dõi. Trong khi đó, theo phản ánh của bà Thắm, bên cạnh việc tranh giành, đẩy giá, các thương lái mua gom heo ở tất cả trang trại, sau đó dùng một xe hoặc nhiều xe để chở.
Ông Thảo khẳng định làm như vậy là sai quy định, thịt heo ra thị trường không thể truy xuất được nguồn gốc. Trong quá trình vận chuyển, thương lái có thể bỏ thêm heo thường vào dẫn đến tình trạng “treo đầu dê bán thịt chó”.
Trước thông tin có tình trạng thương lái gom heo VietGAP, ông Thảo khẳng định cơ quan này sẽ yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp danh sách các trại heo VietGAP mà họ thu mua, sau đó giám sát, đối chiếu kỹ càng với lượng thịt bán ra trên thị trường nhằm tránh tình trạng lợi dụng, trục lợi.
Cơ quan thú y thành phố cũng cho biết nguồn heo VietGAP mà doanh nghiệp đăng ký, công bố sẽ có mã nhận diện riêng, có dấu thú y kiểm soát giết mổ riêng biệt để người tiêu dùng dễ dàng phân biệt.