Trong khi đó, với hơn 93 triệu dân như Việt Nam, lượng tiêu thụ bột mì sẽ rất lớn. Hơn nữa dù bánh mì, bánh ngọt của Pháp rất nổi tiếng và được nhiều thế hệ người Việt Nam biết đến, nhưng người dân Việt Nam vẫn chưa được thưởng thức những dòng bánh được làm bằng công nghệ, nguyên vật liệu cao cấp. Đó là một trong những lý do để 10 tập đoàn lớn nhất của Pháp trong lĩnh vực này đến Việt Nam tìm kiếm đối tác phân phối độc quyền và mở cơ sở sản xuất bánh cao cấp.
Một trong số đó là Tập đoàn Guyon thuộc gia đình Guyon, với 150 năm kinh nghiệm chuyên sản xuất sản phẩm lò nướng bánh. Hiện Guyon có hơn 300 nhà phân phối tại Pháp, nhà phân phối độc quyền tại 60 nước, nhưng vẫn muốn tuyển thêm các nhà phân phối khác để mở rộng thêm thị phần. Và Việt Nam là thị trường mà Guyon đang muốn hướng đến.
Sau vài lần đến Việt Nam tìm hiểu đối tác và nghiên cứu thị trường, Guyon đang nhắm vào phân khúc siêu thị và những cơ sở sản xuất bánh thủ công. Tại Pháp, Guyon chuyên cung cấp lò nướng bánh cho nhà bán lẻ Carrefour (đối thủ của Big C).
“Chúng tôi muốn mở rộng thị phần qua kênh siêu thị như LotteMart, AEON Nhật, Vinmart… Lần này, chúng tôi đến để hiện thực hóa sự hợp tác đó”, ông David Morel, phụ trách xuất khẩu của Guyon cho biết.
Trong khi đó, Tập đoàn Lactalis, chuyên sản xuất bơ, sữa, pho mai lại có chiến lược mở rộng thị phần qua kênh nhà hàng, khách sạn cao cấp. Lactalis thành lập năm 1933, với 240 nhà máy hoạt động tại 76 quốc gia và sản phẩm hiện diện tại 160 quốc gia. Hiện tập đoàn này sở hữu 3 nhãn hiệu quốc tế, 7 nhãn hiệu đa quốc gia, 44 nhãn hiệu quốc gia tại Pháp. Trong đó, nhãn hiệu bơ Président không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam.
Ý định thâm nhập thị trường Việt Nam đến với Lactalis vào năm 2014, sau khi chứng kiến thị trường này có tốc độ tăng trưởng mạnh. Riêng trong năm nay, thị trường Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng 6% về sản lượng và 14% về doanh thu so với năm 2014.
Sau 1 năm thành lập văn phòng đại diện tại TP.HCM, năm 2014, Lactalis đã chọn Annam Fine Food là nhà nhập khẩu và phân phối bơ, kem, sữa tươi và phô mai thương hiệu Président ở phân khúc nhà hàng, khách sạn. Không dừng lại ở đó, Lactalis muốn phủ sóng thương hiệu của mình mạnh hơn tại Việt Nam, với các dòng sản phẩm từ sữa tới người tiêu dùng cá nhân.
“Người Việt Nam rất thích bánh ngọt cao cấp, nhưng chưa có nhiều cơ sở có thể đem đến những sản phẩm, nguyên liệu, công nghệ tốt, vì các nguyên liệu không sẵn ở Việt Nam. Đây là cơ hội cho Lactalis”, bà Florence Oliveira, quản lý kinh doanh thương hiệu quốc tế của Annam Fine Food cho biết.
Sau hơn 1 năm phân phối, sản lượng bơ, sữa, pho mai nhập khẩu đã tăng gấp đôi, nhưng tỷ lệ doanh thu ở Việt Nam đóng góp cho Lactalis còn rất thấp. Tuy nhiên, Lactalis tin tưởng rằng, con số này sẽ tăng mạnh trong những năm tới, nhờ đẩy mạnh thị trường và mở rộng đối tác.
“Rào cản lớn nhất đối với chúng tôi trong việc thâm nhập thị trường là các sản phẩm của Lactalis đa số được thiết kế cho thị trường làm bánh chuyên nghiệp. Có những sản phẩm chỉ có thợ kỹ thuật làm bánh điêu luyện mới có thể sử dụng một cách hợp lý, đem lại hương vị bánh thơm ngon. Để sản phẩm được sử dụng rộng rãi hơn ở các cơ sở sản xuất bánh ở Việt Nam, chúng tôi cần có thời gian tìm hiểu thêm và phải dành nhiều thời gian hơn để hướng dẫn các kỹ thuật sử dụng cho khách hàng”, bà Florence Oliveira cho hay.
Trước mắt, theo bà Florence Oliveira, Annam Fine Food chỉ tập trung vào các phân khúc nhà hàng, khách sạn cao cấp, vì những nơi này luôn quan tâm đến sản phẩm chất lượng cao.
Theo Báo Đầu Tư