Chặt đứt đường dây chất tạo nạc

Thứ tư, 09/12/2015, 11:02
Trưa 8/12, trinh sát của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an phối hợp với Thanh tra Bộ NN-PTNT triệt phá đường dây mua bán chất tạo nạc (salbutamol) tại nhà số 98/15 Vạn Kiếp, P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM do ông Trần Văn Bùi (39 tuổi, ngụ địa chỉ trên) tổ chức.
Lực lượng phối hợp kiểm tra công ty của ông Bùi.
Giấu trong nhà vệ sinh
Theo thông tin ban đầu từ cơ quan công an, cách đây 2 tháng, trinh sát của (C49) phát hiện đường dây mua bán chất cấm salbutamol quy mô lớn nên lên kế hoạch khám phá. Trong thời gian xâm nhập đường dây này, trinh sát gặp nhiều khó khăn bởi cách tổ chức giao dịch khép kín, tinh vi không thua gì ma túy.
Ông Bùi chọn mua căn nhà ở hẻm sâu, ngoằn ngoèo; người mua chất cấm phải quen biết mới bán. Trên đường đi lấy hàng, phân phối cho “đầu mối”, “nài” vận chuyển chất cấm lưu thông với tốc độ cao, vượt đèn đỏ, chạy lòng vòng trước khi đến địa điểm mua hàng nhằm đề phòng cơ quan chức năng theo dõi.
Lợi nhuận “khủng”
Về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành thuộc Thanh tra Bộ NN-PTNT, cho rằng những trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ (100 - 200 heo), chất lượng con giống kém nên đưa chất cấm vào sử dụng trong quá trình chăn nuôi để tăng trọng nhằm thu lợi bất chính.
Từ đó một số cá nhân, thương lái thuê lại các trang trại chăn nuôi rồi tiến hành thu mua heo đã xuất chuồng của các công ty để sử dụng chất cấm nuôi thúc vỗ béo. Heo sau khi được nuôi nhốt và sử dụng chất cấm trong thời gian từ 10 - 30 ngày sẽ đạt tăng trọng 20 - 30 kg (heo sẽ có trọng lượng khoảng 130 - 140 kg/con).
Trừ chi phí, mỗi đầu heo sẽ tăng lợi nhuận từ 500.000 - 1 triệu đồng. Nếu chủ trại có đàn heo từ 100 - 300 heo/đàn thì thu lợi từ 100 - 300 triệu đồng. Trong khi đó mức xử phạt cho hành vi này chỉ từ 5 - 10 triệu đồng đối với chăn nuôi nông hộ và 10 - 20 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại, không đủ sức răn đe.
Khoảng 10 giờ 30 ngày 8/12, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của thiếu tá Nguyễn Xuân Thành, Phó trưởng Phòng 5 (C49), trinh sát tiến hành bắt quả tang Võ Văn Thanh (26 tuổi, ngụ Q.12) mua 2kg salbutamol của ông Bùi, mang xuống Q.5 giao cho khách hàng. Tuy nhiên khi cơ quan chức năng ập vào nhà kiểm tra thì ông Bùi chối cãi, quanh co cho rằng đó là vitamin, bột trắng... chứ không phải chất cấm salbutamol.
Bột trắng nghi là salbutamol nhanh chóng được cơ quan chức năng mang đi xét nghiệm. Trong quá trình chờ kết quả, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, thu giữ nhiều loại bột màu trắng, bột màu vàng, kháng sinh, vitamin... được phân thành nhiều bịch ni lông có trọng lượng khoảng 1kg. Không lâu sau đó, lực lượng chức năng nhận được kết quả xét nghiệm trên mẫu bột màu trắng mà ông Bùi bán cho Thanh có chứa tới 98% thành phần là salbutamol. Lúc này, ông Bùi mới chịu hợp tác và thành khẩn khai báo về việc buôn bán.
Trong lúc cơ quan chức năng đang lấy lời khai của ông Bùi thì trinh sát tiếp tục tìm kiếm và phát hiện phía sau nhà vệ sinh có một thùng nhựa màu xanh (loại 25kg) được đậy kín, nhãn ghi rõ là chất salbutamol, có xuất xứ Ấn Độ, bên trong chứa 16kg salbutamol và 1,5kg salbutamol đựng trong bịch ni lông. Ngoài ra, cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn hóa chất, phụ gia sử dụng để sản xuất thuốc dành cho việc nuôi trồng thủy sản.
Đáng chú ý, tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ hàng chục chai nhựa màu trắng, chứa hóa chất dạng nước, không thời hạn sử dụng, không dán nhãn, không bao bì. Trong khi đó, hàng chục ngàn vỏ hộp làm bằng giấy, in các sản phẩm thuốc dành cho nuôi trồng thủy sản của các công ty khác như VITA.SB (Boganic 3B) - sản phẩm bổ gan, tăng cường chức năng gan, loại bỏ độc tố trong gan, loại 500 ml; VI - AMIN (Super gain Weight) - siêu tăng trọng, bổ sung acid amin tôm lớn nhanh, cứng vỏ, chắc thịt; MBK THẾ HỆ 2 - kích thích tôm lột xác, cứng vỏ tức thì, cả 3 sản phẩm đều của Công ty TNHH XNK thủy sản 27 (TP.Cần Thơ) nhưng ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng để trống; LAC ZYME, kích thích tiêu hóa - nở to đường ruột, Công ty TNHH DV-SX-TM T.C.T (Q.9, TP.HCM), loại 500 gr...
Với tang vật thu giữ được, cơ quan chức năng sẽ làm rõ ông Bùi có sản xuất hàng giả hay không, đặt in số lượng lớn vỏ hộp của các công ty khác làm gì...?
Truy đến tận gốc
Chiều cùng ngày, từ lời khai của ông Bùi và Võ Văn Thanh, nhiều mũi trinh sát của C49 đột kích vào một số địa điểm mua bán khác ở Q.Tân Bình và Q.Bình Thạnh.
Lúc 14 giờ, PV theo chân tổ trinh sát ập vào một phòng trọ nằm trong hẻm 10/10 Cống Lở (P.15, Q.Tân Bình) và phát hiện ông Trần Công Đài (40 tuổi, tạm trú Q.Tân Bình) đang bán cho một thanh niên (khoảng 30 tuổi, chưa rõ danh tính) 1 gói salbutamol với trọng lượng 0,5kg. Ông Đài cũng khai mua chất cấm của ông Bùi về bán lại.

Chất cấm bị phát hiện.
Cùng thời điểm, trinh sát cũng ập vào Công ty TNHH Minh Anh - MIANCO (trụ sở số 272/17 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh) yêu cầu kiểm tra vì có liên quan tới đường dây buôn bán chất cấm với ông Bùi. Lập tức, nhân viên của công ty ra đóng cửa lại; một số người leo lên tầng 1 trốn, cố tình không hợp tác. Đến khi Công an P.26 đến yêu cầu thì những người này mới chịu theo về trụ sở làm việc.
Bước đầu Trần Văn Bùi khai nhận, trước đây ông thành lập Công ty TNHH thủy sản SeaBird (trụ sở tại hẻm 475 Hai Bà Trưng, P.8, Q.3) mua bán hóa chất. Đầu năm 2015, ông ta mua căn nhà ở Q.Bình Thạnh nên di dời về địa chỉ này hoạt động nhưng trụ sở công ty vẫn lấy địa chỉ cũ ở Q.3. Còn bảng hiệu Công ty TNHH thủy sản E - Birds (trụ sở số 98/15 Vạn Kiếp, P.3, Q.Bình Thạnh) cũng do ông thành lập nhưng đã bán lại cho người khác.
Cách đây vài ngày, ông Bùi mua thùng 25kg salbutamol của Công ty Minh Anh với giá 5 triệu đồng/kg, sau đó bán được 7,5kg với giá 6 triệu đồng/kg thì bị phát hiện. Tuy nhiên, kiểm tra tài liệu trong máy tính, cơ quan công an phát hiện Công ty TNHH thủy sản SeaBird giao dịch hơn 200kg salbutamol trong thời gian gần đây.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, từ 18 - 18 giờ 30 hôm qua, trinh sát lần lượt bắt thêm Nguyễn Thế Hậu (37 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) và Lê Minh Tuấn (48 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) khi đang mua 5kg salbutamol (loại được đóng gói trong giấy bạc của Ấn Độ) với giá 15 triệu đồng/kg của một công ty khác trên địa bàn TP.HCM.
“Bước đầu, ông Bùi thừa nhận mua chất cấm của Công ty Minh Anh và một số đơn vị thuộc Bộ Y tế để về phân phối cho các đầu mối, đại lý bán lại cho các chủ trang trại chăn nuôi heo ở nhiều tỉnh, thành. Giá salbutamol cao hay thấp lệ thuộc vào chất lượng của hóa chất này. Hiện C49 tiếp tục mở rộng, truy nguyên đến tận gốc và xử lý nghiêm các đơn vị mua bán chất cấm gây chết người này”, một cán bộ của C49 khẳng định.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn