|
Ông Phan Văn Miền (trái) kiểm tra sức khỏe đàn lợn giống tại trang trại của gia đình ở huyện Yên Mô (Ninh Bình). |
Nhằm tiếp tục giải cứu lượng lợn đang còn tồn đọng tại các trang trại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã mở 13 điểm bán thịt lợn bình ổn, với giá bán thịt lợn trung bình từ 40.000-70.000 đồng/kg tùy loại.
TP.Hồ Chí Minh, thị trường tiêu thụ thực phẩm lớn nhất nước, cũng hỗ trợ nông dân tiêu thụ hết lứa lợn tồn bằng cách lùi thời gian bắt buộc đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt thêm 3 tháng, thay vì áp dụng rộng rãi từ tháng 6.2017.
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, những ngày đầu khi mở điểm bán thịt lợn bình ổn giá, Hiệp hội thu mua giá lợn hơi của bà con trong khoảng 30.000 đồng/kg. Nhưng 3 tuần nay, giá lợn hơi thu mua đã giảm xuống còn 25.000-27.000 đồng/kg.
Theo ông Đoán, hiện nay lợn đến tuổi xuất chuồng ở Đồng Nai còn khoảng 500.000 con, chủ yếu là của các công ty lớn. Do các công ty đẩy mạnh cung ứng nguồn thịt lợn ra thị trường nên đã khiến giá lợn hơi bị xuống thấp.
Cập nhật giá lợn hơi những ngày gần đây tại một số địa phương. |
Theo Báo cáo tháng 5 của Bộ NNPTNT, ước tính số đầu lợn cả nước đã giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân do giá lợn xuất chuồng thấp suốt thời gian dài nên người chăn nuôi đã phải giảm đàn, thậm chí nhiều hộ không dám tiếp tục chăn nuôi lợn nữa.
“Đến thời điểm hiện nay, cơ bản lượng lợn quá lứa tồn kho không nhiều, theo dự báo một thời gian nữa, lợn sẽ đủ tiêu chuẩn xuất chuồng ở mức bình thường” - ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, một số chủ trang trại cho biết trên thực tế, lượng lợn hơi tồn đọng lớn hơn báo cáo của cơ quan chức năng. Đó chính là lý do vì sao các bộ, ngành, hiệp hội, địa phương vào cuộc rất tích cực mà giá lợn hơi vẫn chậm được cải thiện. Nhiều nơi giá lợn hơi xuất chuồng vẫn quanh mức 25.000 - 26.000 đồng/kg, chỉ bằng khoảng 70% giá thành.
Hiện, lượng lợn tồn đọng không chỉ tập trung ở "vựa" chăn nuôi Đông Nam Bộ mà còn từ nhiều vùng, miền khác của cả nước bởi ở đâu nông dân cũng nuôi. Anh Nguyễn Quốc Túy, chủ một trại lợn ở huyện Ba Vì (Hà Nội) nói mà như khóc: "Dù việc tiêu thụ hiện đã "dễ thở" hơn so với cách đây 2 tháng, song người nuôi vẫn lỗ nặng do lượng lợn thừa còn quá lớn so với sức tiêu thụ từ các cuộc giải cứu. Thời tiết nắng nóng kỷ lục như mấy ngày vừa qua càng làm nông dân khốn khổ, nhiều hộ muốn mặc kệ đàn lợn, nhưng thương chúng chết đói, chết nóng nên lại cố gượng dậy cho lợn ăn".
Cũng theo anh Túy, vì con lợn mà gia đình anh đã lỗ hàng trăm triệu đồng từ sau Tết Nguyên đán đến nay. "Bỏ thì thương, vương thì tội, trời nắng nóng thế này tôi vẫn phải cố cho lợn ăn đủ 2 bữa/ngày, cho chúng tắm mát liên tục, khiến chi phí chăn nuôi tăng thêm. Chỉ hi vọng tới khi lứa lợn này đủ cân nặng, giá tăng lên 30.000 đồng/kg cũng đã là may rồi" - anh Túy nói.
Theo Dân Việt