Bộ Tài chính cho hay, những tháng cuối năm và đầu năm Dương lịch, sức mua có khả năng thanh toán tăng do đẩy mạnh giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản, lượng kiều hối, tiền thưởng cuối năm tăng nhu cầu sản xuất, chế biến và dự trữ thực phẩm và hàng hoá phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2013 tăng có thể tác động tăng giá hàng hóa.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho giá cả những tháng cuối và đầu năm tăng lên |
Tuy nhiên, dự báo diễn biến giá cả một số hàng hoá thiết yếu trên thị trường thế giới không có nhiều biến động, đồng thời với việc triển khai quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, bình ổn giá sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, góp phần làm giảm áp lực tăng giá thị trường.
Bộ Tài chính cũng cho hay, với các giải pháp đã triển khai từ đầu năm 2012 tới nay, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2012 so với tháng 12/2011 chỉ tăng 6,52%, tạo điều kiện cho việc hoàn thành mục tiêu kiềm chế CPI cả năm ở mức 8%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2012 tăng 0,47% so với tháng 10/2012, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2012 đã giảm mạnh so với tháng 9/2012 (tăng 2,2%) và tháng 10/2012 (tăng 0,85%).
Nếu so với một số năm gần đây thì chỉ số giá tháng 11/2012 tuy có mức tăng cao hơn cùng kỳ năm 2011 (tăng 0,39%) nhưng vẫn thấp hơn mức tăng tháng 11 năm 2010 (tăng 1,86%) và năm 2009 (tăng 0,55%).
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2012 tăng 6,52% so với tháng 12/2011, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2011 (+17,50%) và năm 2010 (+9,58%). So với cùng kỳ năm 2011, chỉ số giá tháng 11/2012 tăng 7,08%, bình quân 11 tháng năm 2012 tăng 9,43%.
Theo NDHMoney