Làm sao tránh vàng nhái SJC?

Thứ tư, 22/05/2013, 08:53
Trong giao dịch mua bán vàng miếng người dân nên yêu cầu đơn vị bán, trả xuất hóa đơn, chứng từ có ghi số lượng, số sê-ri trên miếng vàng để tránh trường hợp nhận phải vàng miếng giả thương hiệu.

Ngày 21/5, bà PTVY (quận 5, TP.HCM) phản ánh hôm trước (20/5) có đem 24 lượng vàng thương hiệu SJC đến Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) bán. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ mua vào 14 lượng, còn lại từ chối không mua 10 lượng và cho đây là vàng giả thương hiệu SJC (vàng này không phải do SJC sản xuất từ bao bì bên ngoài đến ký hiệu dập nổi bên trong - PV).

Vàng nhái khá nhiều

Bà Y. cho biết số vàng SJC này nằm trong số gần 100 cây mà bà rút ra từ chi nhánh ở chợ An Đông và tại hội sở Ngân hàng ACB. Tất cả đều có hóa đơn, chứng từ, thời điểm rút ra là tháng 9/2012.

Ngay sau khi Công ty SJC từ chối mua, bà đã quay về Ngân hàng ACB để xin xác nhận lại số sê-ri vàng ngân hàng đã trả. Tuy nhiên, theo bà Y. phản ánh thì phía ACB thông báo số vàng đã mang ra khỏi quầy giao dịch thì ngân hàng không chịu trách nhiệm.

Chiều 21/5, phóng viên cùng bà Y. đến Công ty SJC tìm hiểu thông tin về vàng giả thương hiệu. Tại đây nhân viên quầy giao dịch nói công ty không có chủ trương thu mua vàng giả thương hiệu SJC bởi nếu thu mua là tiếp tay cho nạn làm hàng nhái, giả.

Tiếp và trao đổi với phóng viên tại công ty, tổ giám định của SJC cho biết 10 lượng vàng của bà Y. mang theo là vàng miếng giả thương hiệu SJC và có bao bì cũ. Một nhân viên trong tổ cho biết thời gian qua số lượng vàng giả thương hiệu SJC mang tới bán cho Công ty SJC khá nhiều, nhất là ở các chi nhánh SJC miền Bắc.

vàng nhái SJC
Công ty SJC tiếp nhận và ghi số sê-ri 10 lượng vàng nghi giả thương hiệu vàng miếng SJC.
 vàng nhái SJC
 Số vàng miếng nghi giả thương hiệu SJC.

Thật - giả khó phân

Trên thực tế dùng mắt thường quan sát rất khó phân biệt đâu là vàng miếng giả thương hiệu SJC và đâu vàng miếng chính hiệu SJC. Chưa nói về hàm lượng, chỉ riêng bao bì, logo, đường nét bên trong miếng vàng cũng đã khó nhận biết.

Nếu lấy số lượng 10 miếng vàng SJC giả thương hiệu này đem bán ngoài thị trường thì người dân sẽ chỉ bán được với giá vàng nguyên liệu và chịu mất gần 60 triệu đồng, tính theo chênh lệch giá 6 triệu đồng/lượng như hiện nay.

Trao đổi với phóng viên, tổ giám định của SJC chia sẻ phải là người trong nghề mới biết phân biệt vàng nhái thương hiệu SJC chứ người dân thì khó mà phân biệt được. Mới đây, Công ty SJC có thay đổi bao bì mới bằng công nghệ Hologram để chống vàng giả thương hiệu nhưng cũng theo tổ này, việc thay đổi bao bì cũng chỉ nhằm hạn chế phần nào chứ không tránh được hết chuyện vàng giả thương hiệu.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, cho biết từ tháng 10/2012, ACB đã áp dụng tại tất cả chi nhánh, phòng giao dịch khi trả vàng cho khách hàng đều ghi lại số sê-ri trên miếng vàng. Mục đích là khi gặp vấn đề như vàng nhái thương hiệu SJC thì ngân hàng và người dân có cơ sở đối chứng để giải quyết. Ông cũng thừa nhận trước thời điểm đó (tức trước tháng 10/2012), không một ai, từ ngân hàng đến người dân, quan tâm như thế nào là vàng miếng giả thương hiệu SJC.

Liên quan đến việc bà Y. nêu trên, ông Toại nói vấn đề người dân rút vàng trước đây mà không có hóa đơn, chứng từ ghi lại số sê-ri lượng vàng đã rút thì theo nguyên tắc, đã ra khỏi quầy giao dịch là ngân hàng không chịu trách nhiệm.

Tích cực hợp tác điều tra

Sau khi nghe bà Y. phản ánh về trường hợp của mình, phóng viên đã động viên bà nên hợp tác với Công ty SJC và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) để niêm phong số vàng giả thương hiệu nêu trên. Việc hợp tác để điều tra cũng là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà. Số vàng này sẽ do Công ty SJC niêm phong và bảo quản cẩn thận tại công ty.

Trong biên bản tạm giữ vàng giả thương hiệu SJC, đại diện PC46 cho biết khi có kết quả điều tra sẽ trao trả lại số vàng này cho bà Y. trong thời gian sớm nhất. Phía SJC cũng cho biết khi có kết quả điều tra rõ ràng, nếu bà Y. bán số vàng này thì công ty sẽ mua bằng với giá thị trường.

Phải yêu cầu xuất hóa đơn ghi rõ số sê-ri của miếng vàng

Chiều 21/5, khi phóng viên thông tin về hiện tượng vàng miếng giả thương hiệu SJC đang xuất hiện, có khả năng gây thiệt hại cho người dân đang giữ vàng hợp pháp thì ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết người dân nên chú ý khi mua bán vàng miếng với tiệm vàng hay ngân hàng thì nên yêu cầu đơn vị giao dịch phải xuất hóa đơn, chứng từ mua bán, trong đó ghi rõ số sê-ri của miếng vàng. Làm như vậy người dân sẽ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Về thông tin các ngân hàng đồng loạt trả lại vàng huy động cho dân từ ngày 30/6/2013 tới, ông Minh cho biết không cần chỉ đạo, các ngân hàng thương mại hiện đã đưa ra quy trình nghiệp vụ khi trả vàng cho dân, trong đó đều có chứng từ và ghi lại số sê-ri vàng miếng được trả ra.

Theo PLTP

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn