Cả nước ta hiện nay có khoảng 13.000 cửa hàng kinh doanh xăng dầu với trên 9.000 điểm bán lẻ. Trong một cuộc kiểm tra năm 2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ, khoảng 28% số cơ sở kinh doanh sai phạm về đo lường, tại nhiều điểm bán xăng dầu, sai số đo lường bình quân khoảng 5%; 17% vi phạm về chất lượng.
Với mức tiêu thụ xăng dầu thời điểm đó, khoảng 15 triệu tấn/năm, thì số tiền mà người tiêu dùng bị thiệt hại lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Từ đó cho đến nay chưa có một cuộc điều tra tổng thể nào trên quy mô cả nước. Tuy nhiên, tại các địa phương, các cơ quan chức năng vẫn liên tục phát hiện các cây xăng gian lận cả về chất lượng, cả về đo lường.
Trên thực tế, tình trạng ăn cắp tiền của người tiêu dùng qua gian lận chất lượng và đo lường của các điểm kinh doanh xăng dầu vẫn diễn ra ngày càng tinh vi. Thậm chí những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại cũng được áp dụng để gian lận cùng những thủ đoạn thủ công.
Gian lận làm giảm chất lượng xăng dầu
Những ngày cuối năm 2012, đầu năm 2013 hàng loạt các vụ cháy bất thường xe máy và ô tô đã làm dư luận xôn xao. Có thể xăng dầu chất lượng xấu đã gây thủng các ống dẫn xăng trong động cơ, làm chảy xăng gây cháy xe. Việc gian lận bằng cách trộn các loại xăng dầu chất lượng thấp và các hóa chất khác để kiếm lợi nhuận không phải mới xảy ra.
Đầu năm 2012, Chi cục Đo lường chất lượng TP.HCM có một cuộc kiểm tra đột xuất 55 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố. Kết quả cho thấy có 16/32 mẫu xăng không đạt chất lượng so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trong đó có 11/16 mẫu xăng A92 và 5/10 mẫu xăng A95 không đạt chất lượng. Vậy tại sao xăng dầu từ các đầu mối nhập khẩu có chất lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mà về tới các điểm bán lẻ lại thành xăng “dởm”?
Câu trả lời là vì lợi nhuận. Trước năm 2010, khi xăng A82 còn được lưu hành trên thị trường, do giá xăng A82 thấp hơn xăng A92 nên các cây xăng thường trộn A82 vào A92, cho thêm ít chất tạo màu vào là có lãi ngay từ 1.000-2.000 đồng/lít. Sau khi xăng A82 không được lưu thông trên thị trường, những kẻ gian lận bắt đầu trộn methanol, một loại xăng sinh học giá rẻ và không an toàn vào xăng A92. Việc sử dụng methanol có thể đem lại lãi suất 3000 đồng/lít.
Dư luận nghi ngờ chính loại xăng có trộn methanol đã gây cháy xe do tính ăn mòn cao của methanol. Hiện nay việc quản lý xăng trắng chuyên dùng cho máy bay chưa tốt, nhiều xăng trắng bị thẩm lậu ra thị trường và nó cũng được pha trộn vào xăng A92 để kiếm lợi. Giá xăng trắng trên thị trường khoảng 20.000 đồng/lít, khi pha vào xăng A92 nó sẽ đem lại cho các cây xăng lợi nhuận trên 3.000 đồng/lít. Chỉ khổ cho những người tiêu dùng khi phải dùng xăng kém chất lượng, vừa hỏng xe vừa nguy hiểm.
Nguyên nhân của tệ nạn đưa xăng rởm vào tiêu thụ tại các cây xăng là do công tác quản lý kém của các cơ quan chức năng. Theo Nghị định 84/2009/CP, mỗi điểm bán lẻ xăng dầu chỉ có thể làm đại lý cho một trong 13 đầu mối nhập khẩu, sản xuất xăng dầu, nhưng tình trạng các điểm bán lẻ nhập xăng dầu từ nhiều đầu mối, thậm chí từ xăng nhập lậu, xăng bẩn giá rẻ để kiếm lợi vẫn xảy ra.
Mặc dù đã có chế tài phạt nặng những cây xăng vi phạm, nhưng việc quản lý lượng xăng xuất, nhập tại cây xăng rất khó khăn, nên chỉ trừ trường hợp khách hàng phát hiện, lúc đó các cơ quan chức năng mới biết.
Gian lận đo lường
Các thủ đoạn gian lận đong thiếu xăng cho khách hàng được chia thành hai loại, loại sử dụng các công cụ điện tử và loại sử dụng các thủ đoạn thủ công, lợi dụng sự mất cảnh giác của khách hàng.
Khi tìm hiểu các công cụ điện tử dùng để gian lận xăng dầu, nhiều nhà khoa học đã ngạc nhiên về trình độ khá cao của những kẻ đã can thiệp để làm sai lệch kết quả hiện trên màn hình cây xăng. Lợi dụng đa số các cây xăng đang vận hành sử dụng mạch đo SPCAY 2000, có 2 nút khởi động, các cây xăng đã cho người cải tạo thành hai mạch đo, một mạch đo quy chuẩn với sai lệch dưới 0,5%, một mạch đo có lượng xăng thấp hơn chỉ số từ 5-7%. Chỉ cần lắp thêm 2 tụ điện 25v10, và một số linh kiện dễ kiếm, các cây xăng đã thực hiện được việc này.
Vậy là khi các cơ quan chức năng kiểm tra, họ bật công tắc để mạch đo quy chuẩn hoạt động, khi bán hàng cho khách, họ bật sang chế độ ăn gian. Thậm chí nhiều cây xăng còn tạo ra một mạch đo phụ bên ngoài, nối với cây xăng cũng bằng công tắc hoặc một phím trên bàn phím, khi bị kiểm tra họ tháo mạch phụ ra, khi bán hàng họ lại lắp vào và lúc đó họ muốn sai lệch bao nhiêu % cũng được.
Đây chính là thủ đoạn cây xăng 64 Kim Giang (Thanh Xuân - Hà Nội) thực hiện và đã bị khách hàng bắt quả tang. Một thủ đoạn khác là các cây xăng tháo kẹp chì niêm phong bộ phận điện tử, thay thế linh kiện, chủ yếu là một số IC để con số hiện trên màn hình cao hơn lượng xăng chảy qua bộ phận đo. Sau khi tháo niêm, họ dùng đèn khò nối lại giây chì như cũ, mắt thường khó phân biệt. Loại ăn gian kiểu dùng các công cụ điện tử người tiêu dùng rất khó phát hiện, trừ khi có chuyên môn.
Nhưng phải nói, loại gian lận trắng trợn nhất và gây khó chịu nhất là loại lợi dụng sơ hở của khách hàng để ăn gian. Đó là những thủ đoạn bơm nối số, thủ đoạn bấm số ảo, thủ đoạn chưa bơm đủ đã xóa số. Nối số là thủ đoạn các cây xăng thường sử dụng những lúc đông khách mua xăng. Khi các xe máy chen chúc nhau, người bán xăng kéo ống ra xa cột cây xăng và vừa đổ xăng cho người trước, người bán hàng không xóa số mà đổ tiếp cho người sau. Nếu khách hàng không chú ý sẽ không biết được đồng hồ chỉ số nào sau khi bơm cho người trước và tệ hơn thì có khi phải trả cả số tiền theo đồng hồ.
Bấm số ảo là thủ đoạn ăn bớt của khách rất trắng trợn. Khi áp dụng thủ đoạn này, cây xăng bố trí hai người, một người mang vòi đổ xăng, một người bấm máy. Khi chưa đủ lượng xăng khách mua chỉ cần khách rời mắt khỏi đồng hồ, người ở bàn phím nhanh tay bấm lên đủ số khách yêu cầu. Thường khách chỉ quan tâm đến việc trả tiền, xem xăng chảy vào bình… đó là thời gian để những kẻ ăn gian bấm số ảo. Đây là thủ đoạn bị khách hàng phát hiện mới đây tại cây xăng 342 Phạm Văn Đồng (Hà Nội).
Cũng có khi trắng trợn hơn, trong khi bơm xăng cho người trước, người trực ở bàn phím đã hỏi người sau mua bao nhiêu rồi lợi dụng khách mất cảnh giác, người đó nhanh tay xóa số đang bơm để bấm sang số mới mặc dù lượng xăng bơm chưa đủ. Còn một chiêu nữa là người bơm xăng liên tục bấm ngắt vòi bơm xăng để tạo ra áp lực khí đẩy chỉ số đồng hồ cao hơn lượng xăng thật chảy vào bình. Thủ đoạn này được đặt tên là “bấm cò”. Tất cả những thủ đoạn này chỉ có thể gian lận được khi khách hàng mất cảnh giác.
Lời khuyên với khách mua xăng
Khi vào cây xăng để mua xăng, sau khi cho biết số tiền hoặc số lượng xăng muốn đổ, khách hàng đừng vội mở nắp bình xăng mà hãy chú ý thật kỹ xem nhân viên có trả đồng hồ trụ bơm về số 0 và có nhập đúng con số mình yêu cầu hay không. Cũng cần chú ý quan sát đường ống xăng của vòi bơm mà nhân viên trạm xăng chuẩn bị bơm cho mình xuất phát từ trụ bơm nào. Khi xăng ngừng chảy, đồng hồ chỉ đúng số tiền mình định mua, đóng nắp bình xăng rồi hãy trả tiền. Kiểm tra xem số tiền và số lít xăng trên màn hình có tương đương hay không. Nhưng quan trọng hơn cả, hãy chọn đổ xăng ở các cây xăng có uy tín, cây xăng thuộc sở hữu hay đại lý cho những doanh nghiệp lớn, đầu mối sản xuất kinh doanh xăng dầu.
Nếu nghi ngờ cây xăng dùng thiết bị điện tử để gian lận trên cơ sở thấy phương tiện của mình tiêu thụ nhiều xăng hơn bình thường hoặc hơn khi đổ xăng ở những cây xăng khác cần sớm báo cho các cơ quan chức năng để kiểm tra. Với trình độ hiện nay, các cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện việc gian lận bằng các thiết bị điện tử.
Đối với các cơ quan quản lý kinh doanh xăng dầu cần sớm có biện pháp quản lý lượng xăng dầu xuất nhập tại điểm bán lẻ để chống thẩm lậu xăng “dởm” vào thị trường. Cần niêm yết số điện thoại nóng tại các cây xăng để khách hàng có thể báo cáo các nghi vấn gian lận. Tăng cường kiểm tra kiểm soát, chống gian lận thương mại tại các điểm bán xăng lẻ.
Theo ANTĐ