>>12 cặp đũa mốc – mâm son ở Hollywood
>>Chán thực tại, về cổ tích với Hollywood
>>Mỹ nhân gốc Hoa thành danh tại Hollywood
>>10 ngôi sao Hollywood đột phá trong năm
Tại Hollywood từ lâu người ta đã quen với cách phân chia phim thành hai loại: phim bom tấn (thương mại) và phim độc lập (nghệ thuật).
Phim bom tấn là những phim có vốn đầu tư lớn, diễn viên chủ yếu là các ngôi sao nổi tiếng, sử dụng nhiều kỹ xảo, thiên về tính giải trí hấp dẫn nhằm đáp ứng yêu cầu thương mại của nhà sản xuất.Còn phim độc lập, kinh phí thực hiện thấp, chú trọng đầu tư nhiều vào nội dung chất lượng. Chủ yếu sản xuất với mục tiêu tham dự các giải thưởng, liên hoan phim và khẳng định tài năng của người đạo diễn…
Nghịch lý đã và đang tồn tại trên chính quê hương của dòng phim bom tấn là những bộ phim độc lập, dán mác nghệ thuật luôn chiến thắng áp đảo trong cuộc đua giành tượng vàng Oscar trước những “siêu anh hùng” hoành tráng vốn được số đông chiều chuộng, kỳ vọng.
Bom tấn được kỳ vọng như Avatar cũng thất bại trước bức tường Oscar
Ngược về quá khứ, lật giở danh sách phim đã từng đoạt giải Oscar sẽ thấy thiếu vắng tên của nhiều sản phẩm bom tấn. Những Titanic (James Cameron), Gladiator (Ridley Scott) hay Chúa tể của những chiếc nhẫn 3 (Peter Jackson)…là trường hợp hiếm hoi đạt đủ hai điều kiện: gặt hái được thành công cả về doanh thu khổng lồ đồng thời được ban giám khảo khó tính của Oscar gật đầu ưng thuận về chất lượng nghệ thuật.
Sau 11 giải Oscar Chúa tể của những chiếc nhẫn năm 2004, rất lâu rồi người ta không còn được thấy lại bóng dáng mạnh mẽ của bất cứ siêu phẩm nào may mắn bước lên bục cao nhất ở nhà hát Kodak.
Ngay cả hai sự tin tưởng vững chắc nhất của giới truyền thông, hai tượng đài khổng lồ tượng trưng cho công nghệ thế kỷ và tiền bạc là Avatar (2009) và Harry Potter – bảo bối tử thần (2012) cũng không vượt qua được lời nguyền thất bại và nhận những lời chê “phũ phàng” từ các nhà phê bình điện ảnh uy tín.
Thất bại của hai siêu phẩm phải chăng là sự dự báo về mức độ xuống cấp của tư duy sáng tạo và chất lượng nghệ thuật trong cách thức làm phim của một số đạo diễn Hollywood? Đồng thời cũng là đòn đau giáng vào đầu những người chỉ muốn đuổi theo công nghệ mà lãng quên giá trị thực sự quan trọng của điện ảnh đó là nội dung.
Và nguyên nhân cuối cùng phải nhắc tới bắt nguồn từ nội hàm của giải thưởng Oscar. Oscar luôn luôn thích chống lại và thách thức ham muốn của đám đông. Tự cho mình quyền phán xét “sự mù quáng” của đám đông nâng cao giá trị của thiểu số?
Dễ hiểu khi tới thời điểm này bộ phim nào có độ phủ sóng càng cao thì càng vô nghĩa khi đứng trước bức tường Oscar lừng lẫy. Hiện thực vẫn chưa được thay đổi dù đã gần một thập kỷ đi qua: Bom tấn luôn trắng tay hoặc chỉ may mắn vớt vát với một số giải thưởng phụ an ủi.
Được kỳ vọng nhiều nhưng Harry Porter và bảo bối tử thần cũng thất bại tại Oscar 2012
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự “phụ bạc” của hội đồng giám khảo với những người hùng nặng ký trước hết ở lý do công nghệ. Có thể nói sự phát triển vượt bậc của máy móc đã đẩy điện ảnh Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về chất lượng.
Mở đầu cho làn sóng làm phim 3D, Avatar của bậc thầy James Cameron ngoài khả năng phô diễn công nghệ và mang đến cho người xem những cảm nhận mới mẻ, sống động thì điều còn lại là nội dung một câu chuyện na ná bất cứ tác phẩm viễn tưởng nào trước đó như: Star war... Vì vậy, khi Avatar “mất mùa” ở Oscar, người ta đặt hoài nghi về sự nhầm lẫn giữa các giá trị điện ảnh hiện đại của ban giám khảo.
Thậm chí bản thân đạo diễn và nhà sản xuất cũng đã bật khóc ngay sau sân khấu, gay gắt chỉ trích hội đồng giám khảo với giới truyền thông. Một làn sóng dữ dội phản đối chiến thắng của The hurt locker (Katheryn Bigelow) từ các fan của Avatar đã diễn ra trước cửa trung tâm viện hàn lâm điện ảnh Mỹ.
Nếu nhìn nhận ở khía cạnh đơn giản Oscar chỉ là cuộc chơi tôn vinh sự giàu có, thành thục khi áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào phim ảnh thì chắc chắn không có bất cứ một tác phẩm nào xứng đáng hơn Avatar.
Tuy nhiên triết lý “nghệ thuật vị nhân sinh” vẫn là tôn chỉ sống còn vinh danh các tác phẩm của giải thưởng này. Không ngoa khi nói rằng xem Avatar chỉ là cách để tiếp cận với tư duy làm phim mới, hiểu biết rõ hơn về cơ chế hoạt động của máy móc, kỹ thuật làm phim tại Hollyowood. Sự xâm lấn mạnh mẽ và can thiệp thô bạo của công nghệ dường như đã đưa điện ảnh trở về cõi “vô cảm”.
Ngoài việc đã mắt theo dõi các kỹ xảo, nghẹt thở với các trường đoạn được xử lý đầy khoa học…thì mỏi mắt cũng không thể tìm ra dấu vết sáng tạo của người đạo diễn. Khả năng diễn xuất, hóa thân vào vai diễn của người diễn viên dường như cũng không có cơ hội được phô diễn.
Những thông điệp giản đơn nằm ngay ngắn trên các khuôn hình được tính toán kỹ lưởng, tỉ mỉ đến từng cm. Sự suy tư hay chiêm nghiệm của nhà làm phim biến hóa theo chu trình vận hành của máy móc vậy hiệu quả cảm xúc của khán giả sẽ rơi vào điểm nào trong tổng thể của phim?
Sau Avatar, cả thế giới nghiêng mình trước tài năng James Cameron, đổ xô làm phim 3D. James được vinh danh như một biểu tượng cho văn hóa làm phim mới tại kinh đô điện ảnh và ông cũng tự phá vỡ mọi kỷ lục doanh thu trước đây của mình. Tuy nhiên, nhờ có ông mà một kỷ nguyên điện ảnh thiếu cảm xúc hay nói cách khác giết chết sự nên thơ, thi vị và đánh vào tâm lý người xem cũng đã chết theo cùng chiếc kính 3D.
Giá trị thật của The hurt locker - Người đánh bại công nghệ trong Avatar để bước lên bục cao nhất của Oscar |
Đời sống của các bom tấn Hollywood ngày càng bị giảm thọ. Những chiến dịch quảng cáo rầm rộ, dàn ngôi sao nổi tiếng…cũng không cứu nó thoát khỏi “cái chết” đã được dự báo trước. Doanh thu càng cao thì sự tỏa sáng ở các giải thưởng điện ảnh lại càng trở nên mong manh hơn bao giờ.
Phần cuối của loạt phim về cậu bé phù thủy Harry Potter đã ra mắt, trở thành phần phim “vĩ đại” nhất trong hệ thống sê –ri của tác phẩm này. Với doanh thu trên toàn thế giới đạt gần 2 tỷ và được dự đoán sẽ thu hoạch hoành tráng tại Oscar. Thế nhưng, nó lại chỉ nhận 12 đề cử khá phụ như: hiệu ứng hình ảnh, hóa trang, kỹ xảo…và hoàn toàn biệt tăm trong đêm vinh danh trao giải.
“Tôi nghĩ rằng tất cả chúng tôi cảm thấy thật mỉa mai với chính sách của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ, nơi mà tôi cũng là một thành viên. Câu hỏi: “Vì sao Harry Potter không bao giờ được ghi nhận” là câu hỏi luôn hiện hữu”, John Richardson, người giám sát quá trình thực hiện hiệu ứng đặc biệt của phim Harry Potter đã nói như vậy.
Sự thất bại này một lần nữa khẳng định dù điện ảnh hiện đại tiệm cận đến mức độ nào, ghi nhận sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ra sao…thì nó vẫn cần tiếng nói xuất phát từ trái tim của người làm phim. Khi so sánh Harry Potter với The Artist, tất nhiên The Artist sẽ chiến thắng.
Đơn giản vì đạo diễn đã kể một câu chuyện rất hay, cảm động, hoàn toàn được xây dựng trên nền tảng giá trị nhân văn và các yếu tố nghệ thuật kinh điển: diễn viên, âm nhạc…mà không hề để máy móc chi phối đến hiệu quả thẩm mỹ.
Oscar ngày càng vắng bóng những bộ phim đạt cả doanh thu lẫn nghệ thuật như Titanic
Kịch bản chủ yếu được chuyển thể từ các video game hay truyện tranh…đã khiến phim bom tấn thiếu sự sâu sắc. Vì muốn che lấp sự hời hợt ấy của phần nội dung nên các nhà làm phim cố gắng tận dụng đối đa giá trị của kỹ xảo, hình ảnh.
Những pha hành động nghẹt thở, những chuỗi va đập mạnh mẽ khiến người xem chỉ có cảm giác thỏa thuê ảo, tức thời. Sẽ ra sao nếu giải thưởng điện ảnh dành cho cho sự nông cạn, thiếu tính triết lý thực sự về đời sống như thế?
Sự lên ngôi của The Artist như lời khẳng định về giá trị bền vững của viện hàn lâm Oscar
Yếu tố cuối cùng chính là con người. Có thể khẳng định sự khai thác quá mạnh vào kỹ thuật đã biến người nghệ sĩ và người làm phim vô tình trở ngược thành người phục tùng máy móc. Nghệ thuật phải trải qua một quá trình chưng cất, chắt lọc cầu kỳ từ những hạt sáng tạo cơ bản trong bản thân người nghệ sĩ. Nhưng khi làm phim bom tấn họ tự đánh mất dần giá trị thực sự của mình.
Đói khát những kịch bản đạt được cả hai yếu tố: nghệ thuật và thương mại…khiến nhiều nhà làm phim ở vào tình thế hỗn mang. Ở Hollywood, đến thời điểm này chỉ có Martin Scorsese là khiến người ta ngưỡng mộ thực sự bởi khả năng biến một tác phẩm nghệ thuật trở thành một thương hiệu văn hóa ăn khách ngoài rạp chiếu. Nhưng những đạo diễn như ông thực sự là rất ít tại kinh đô điện ảnh. |
Theo Thegioidienanh