- Nếu như ở cuộc thi "Siêu mẫu châu Á" chị “ầm ĩ” thông báo tin vui thì ngược lại, tại "Miss Model of the World" thông tin chị chia sẻ rất nhỏ giọt. Vì sao lại như vậy?
- Vấn đề nằm ở chỗ trong thời gian diễn ra cuộc thi, khách sạn nơi tôi ở online rất khó khăn nên việc gửi thông tin hàng ngày cũng không được như ý muốn.
Sau khi cuộc thi kết thúc một ngày tôi có liên lạc về cho chị Thúy Hạnh thông báo kết quả, tuy nhiên, lúc đó chị lại đang rất bận rộn cho một cuộc thi khác diễn ra tại Nha Trang, vả lại, thông tin tôi chia sẻ cũng quá muộn nên chị cũng nói thôi, không cần thiết vì cũng không còn "nóng" nữa. Đi thi ai cũng mong may mắn, đạt được thành tích tốt nhưng kết quả không như ý muốn thì buồn là chuyện bình thường thôi.
- Chứ không phải vì kết quả hơi tệ nên chị và đơn vị đưa chị đi thi "Miss Model of the World" muốn ém?
- Tại sao lại dùng từ "ém" thông tin nhỉ? Nghe buồn cười lắm. Có gì đâu mà phải ém. Chẳng qua là khi tôi liên lạc về thì cũng đã qua ngày nên tin không còn nóng nữa. Tôi cũng không may mắn nên việc đưa tin kết quả chung kết tôi thấy là không cần thiết nữa.
- Tại "Miss Model of the World", chị thấy ban tổ chức đối đãi với thí sinh thế nào? Có chuyện họ ưu ái hoặc o ép thí sinh nào không?
- Tôi thấy ban tổ chức cuộc thi rất chuyên nghiệp. Tôi không phải là người Việt Nam đầu tiên tham gia cuộc thi này vì trước tôi đã có những thí sinh khác tham dự rồi. Tôi không thể trả lời việc ban tổ chức có ưu ái thí sinh nào vì bản thân tôi không chứng kiến, còn chuyện o ép là không có.
- Sau 2 lần "chinh chiến" ở môi trường sắc đẹp quốc tế, chị rút ra được điều gì?
- Cả 2 lần tôi "chinh chiến" đều là những cuộc thi về kỹ năng người mẫu. Đặc biệt, ở Siêu mẫu châu Á, những hoạt động hàng ngày của tôi cũng gói gọn trong 2 kỹ năng quan trọng nhất của người mẫu là catwalk và shooting.
Sinh hoạt trong một môi trường quốc tế và chuyên nghiệp, đặc biệt trong một cuộc thi, tôi nhận ra có rất nhiều điều để nói về sự khác biệt cùng khoảng cách giữa Việt Nam và quốc tế.
Những buổi chụp hình quốc tế diễn ra rất nhanh chóng và chuyên nghiệp vì họ có đầy đủ những trang thiết bị hiện đại hỗ trợ. Nếu đòi hỏi những điều tương tự như thế trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay là rất khó. Đó là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, điều làm tôi thích thú chính là sự khác biệt gần như lệch hẳn trong tiêu chí đánh giá của quốc tế và Việt Nam.
Quốc tế chuộng những người mẫu mình hạc xương mai với dáng đi tự nhiên. Họ cũng quan tâm sự tôn trọng của người mẫu đối với thiết kế cũng như việc các model có biết lắng nghe chỉ dẫn của nhà thiết kế và đạo diễn runway hay không. Họ cũng không chấp nhận bất cứ sự “biến tướng, phá cách” nào trên sân khấu, kể cả đối với vedette.
Trong khi đó, ở Việt Nam mọi người vẫn còn chuộng những siêu vòng 1, vòng 3 khủng, những dáng đi chặt chém và dễ dàng bỏ qua những chiêu trò trên sân khấu. Dung dưỡng những điều này sẽ trở thành thói quen khó bỏ của người mẫu Việt khi ra quốc tế.
- Nếu được chọn đại diện cho nhan sắc Việt một lần nữa, chị nghĩ mình có đủ hào hứng và tâm huyết để thi tiếp không? Vì sao?
- Khi người khác đặt niềm tin và trao cho cơ hội, không có gì đáng thất vọng hơn khi mình đi ngược lại niềm tin và chối bỏ cơ hội đó. Chính vì thế tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận những thử thách và trải nghiệm mới.
- Cái được nhất của chị sau khi thi quốc tế là gì?
- Đó là để lại ấn tượng về một đất nước Việt Nam với ngành thời trang đang phát triển một cách đầy hứa hẹn trong mắt bạn bè quốc tế. Sau cuộc thi có rất nhiều model nước ngoài ngỏ ý muốn sang hoạt động người mẫu tại Việt Nam, thậm chí một số nhà thiết kế quốc tế còn tỏ ý thích thú trước các mẫu trang phục mà tôi đem đến cuộc thi.
Đối với tôi, điều quan trọng nhất sau mỗi cuộc thi mang tầm quốc tế không phải là tôi nhận được gì mà là bản thân đã để lại được điều gì. Vì khi đi thi tôi không còn là một Lan Khuê đơn thuần nữa mà đã mang tên khác: Việt Nam.
- Nhìn chị trên sàn catwalk, người ta thấy chị lạnh, thậm chí là quá lạnh. Đó có phải là chiếc mặt nạ chị muốn gắn cho mình khi bước chân vào lĩnh vực người mẫu?
- Có nhiều người nói rằng họ luôn cố gắng dung hòa giữa công việc và cuộc sống. Còn tôi muốn luôn tách bạch giữa công việc và cuộc sống riêng. Công việc đòi hỏi và yêu cầu tôi phải có một bộ mặt như thế này, một phong thái như thế kia để truyền tải đúng nhất ý tưởng của nhà thiết kế đến với khách hàng, và nhiệm vụ của tôi là thể hiện nó một cách tốt nhất.
Mọi người gọi đó là chiếc mặt nạ cũng đúng, vì tôi cần những chiếc mặt nạ để đáp ứng các yêu cầu khác nhau của công việc, không riêng gì chiếc mặt nạ lạnh lùng. Còn với cuộc sống thường ngày, tôi trở về là chính mình, sống đúng với lứa tuổi.
- Mới đây, Hoa hậu Ngọc Hân bị chỉ trích vì rải gạo trong một show trình diễn. Chị nghĩ sao về trường hợp đó?
- Đối với hành động rải gạo trong show thời trang mới đây, theo tôi nghĩ, một hành động mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Có thể suy nghĩ của một mình chị lại trái với suy nghĩ của hàng nghìn người khác. Trái ngược với số đông chưa chắc là chị sai. Có khác chăng là chị chưa truyền tải đúng và đủ.
Tôi hiểu, có thể đó là hành động mô phỏng việc gieo hạt lúa của người nông dân nhưng có lẽ vì không tìm được hạt thóc nên đành mượn tạm hạt gạo và chính điều này vô tình gây tranh cãi. Thay vì vội vàng chỉ trích, đánh giá, lên án người khác, sao ta không kiên nhẫn và bình tĩnh chờ người trong cuộc lên tiếng?
- Cái khó nhất của người mẫu khi bước chân lên sàn diễn là gì?
- Đó là giữ vững được sự kiên định, lập trường. Những người mẫu mới vào nghề như tôi thường mang theo rất nhiều hoài bão và nhiệt huyết. Thế nhưng những va vấp trong nghề dễ làm họ bị dao động, lập trường, quan điểm ban đầu bị lung lay, ngã đổ và dẫn đến những cú trượt dài.
- Vì sao Lan Khuê chưa bao giờ chụp nude như nhiều người mẫu khác?
- Vì chưa ai đề nghị chụp ảnh nude hay quá gợi cảm nên tôi chưa bao giờ có cơ hội để né tránh (cười lớn).
- Nhưng người mẫu không gây sốc, không chụp ảnh gợi cảm dễ bị cho là mờ nhạt. Nếu để hot và gây chú ý hơn, chị sẽ ứng xử sao trước một lời đề nghị chụp ảnh nude hoặc bikini nóng bỏng?
- Có một chuyên gia trong ngàng thời trang từng hỏi tôi rằng “muốn trở thành một người nổi tiếng hay một người mẫu?”. Muốn nổi tiếng thì rất đơn giản, chỉ cần chị gây sốc, chụp ảnh gợi cảm. Nhưng làm sao chị có thể hạnh phúc với sự nổi tiếng đó, khi người khác nhắc đến chị với cái bĩu môi cùng những lời bình luận thiếu văn hóa?
Đồng ý rằng con đường để trở thành người mẫu nổi tiếng bằng tài năng thực thụ sẽ dài và mất nhiều thời gian hơn nhưng tôi chắc chắn rằng không gì hạnh phúc hơn khi mọi người nhớ và nhắc đến với tất cả sự tôn trọng.
- Lan Khuê nghĩ gì về thu nhập của nghề người mẫu?
- Gia đình tôi sống và làm việc ở Sài Gòn nên gánh nặng cuộc sống không phải là điều tôi bận tâm. Ngoài ra, tôi vẫn còn đang đi học nên làm người mẫu giống như một công việc làm thêm giúp tôi thoải mái hơn khi không phải xin trợ cấp từ bố mẹ. Quả thật, nếu chỉ sống dựa vào nghề người mẫu và xem nó như kế sinh nhai thì cũng hơi căng thẳng.
Theo Infonet