NTK Đức Hùng thiết kế trang phục cho Hoa khôi thể thao Trần Thị Quỳnh |
Tiêu chí tôi đưa vào trong các thiết kế để người đẹp dự thi tại các đấu trường nhan sắc quốc tế khác với các cuộc thi trong nước.
Đầu tiên tôi quan tâm đến vấn đề sắc màu, sau đó là chất liệu và cuối cùng là kiểu dáng. Nhưng điều quan trọng nhất là tư tưởng gửi gắm trong mẫu thiết kế đó. Tôi thường bám sát vào những giá trị truyền thống của dân tộc, vì tôi nghĩ tận cùng của dân tộc sẽ chạm tới tận cùng của thế giới.
Riêng quan điểm cá nhân tôi thì tôi không có ý định cách điệu một trang phục truyền thống, vì tôi cho đó là điều tối kị. Vì đôi khi sự cách điệu sẽ lâm vào tình trạng NTK không định hướng được góc nhìn của bạn bè thế giới về trang phục của dân tộc mình.
Tất nhiên sự sáng tạo là có, nhưng nó chỉ là sự sáng tạo ước lệ trên sân khấu, tính ước lệ đó nó sẽ hòa với trang phục để giúp trang phục tỏa sáng.
- Trang phục của người đẹp nào mà anh từng thiết kế khiến anh tâm đắc nhất?
Tôi thích nhất trang phục của Trần Thị Quỳnh. Tôi đã chọn màu đỏ và sắc vàng trên lá quốc kì Việt Nam để đưa vào thiết kế, vì với quan điểm của riêng cá nhân tôi, hai màu này có cái gì đó rất thời trang, không những vậy khi khoác trên người sắc màu đại diện cho dân tộc, chắc chắn nó gây cảm xúc rất lớn cho thí sinh khi đứng trên đấu trường nhan sắc quốc tế như vậy.
- Theo anh lý do nào khiến nhiều người đẹp Việt thời gian gần đây không chọn áo dài làm trang phục dân tộc dự thi?
Tôi nghĩ rằng không nên nói là do các người đẹp không chọn áo dài làm trang phục dự thi, mà quan trọng là do BTC, NTK, công ty quản lý, họ định hướng cho các em nên chọn trang phục nào.
Có thể vì nhiều người nghĩ áo dài đã quen thuộc quá trong các cuộc thi nhan sắc nên họ muốn thay đổi một điều gì đó mới mẻ hơn.
Mỗi nhà thiết kế có quan điểm khác nhau, chúng ta tôn trọng điều đó, nhưng nên dựa trên chất liệu dân gian truyền thống, dựa trên giá trị văn hóa của dân tộc thì tốt hơn. Quan điểm của cá nhân tôi thì tôi vẫn thích trang phục dân tộc là áo dài.
Trang phục dân tộc bị chỉ trích của Hoàng My |
- Trong những cuộc thi nhan sắc quốc tế thời gian gần đây từ: Trúc Diễm, Hoàng My tới Lê Huỳnh Thúy Ngân đều không chọn áo dài và những trang phục dân tộc mang tới dự thi này đều không được đánh giá cao, thậm chí trang phục của Trúc Diễm còn bị nhận xét là ảnh hưởng quá nhiều từ game, theo anh đó là sự sáng tạo hay xuyên tạc?
Chúng ta nên coi đó là sự sáng tạo và tôn trọng sự sáng tạo đó của các NTK. Tất nhiên sự sáng tạo phải có giới hạn và chúng ta không nên làm quá lên, biến tấu, cách điệu quá rườm rà hoặc xa lạ.
- Nhiều người đẹp còn không ngần ngại biến trang phục dân tộc thành bộ đồ khoe thân một cách tối đa, liệu điều đó có phù hợp với một đất nước luôn tôn trọng những giá trị thuần phong mỹ tục?
Có thể nhiều NTK muốn thỏa sức sáng tạo và thử sức sự sáng tạo đó trên các thiết kế mang tính đột phá, nhưng có lẽ khi ra đấu trường quốc tế chúng ta nên giữ lại các giá trị truyền thống, rồi trong nước chúng ta phát triển sự sáng tạo sau cũng không muộn.
Tôi vẫn nói tôi thích áo dài, vì tà áo dài Việt Nam đã được định hình trong mắt bạn bè quốc tế. Nó giống như sườn xám của Trung Quốc, Kimono của Nhật Bản…đã được mặc định là quốc phục của những dân tộc đó, thì chúng ta cũng vậy.
- Nhìn sang nhiều quốc gia, có thể thấy họ luôn đưa giá trị lịch sử cũng như tinh hoa văn hóa dân tộc vào trong mỗi bộ trang phục mang tới dự thi, còn chúng ta đôi khi biến tấu và cách điệu rườm rà quá mức cần thiết, mà ngay cả việc lý giải ý tưởng cho trang phục đôi khi đến chính người Việt còn cảm thấy xa lạ, anh có thấy vậy?
Sự sáng tạo trong mỗi thiết kế là điều cần thiết, nhưng hãy bám sát vào truyền thống để quảng bá được hình ảnh của dân tộc mình, đừng để người dân Việt Nam thấy xa lạ với chính trang phục đại diện cho đất nước mình. Và chỉ cần nhớ, tận cùng của dân tộc sẽ chạm tới tận cùng của thế giới, thì những thiết kế chắc chắn sẽ cho thấy giá trị tinh hoa của dân tộc đó.
Xin cảm ơn anh!
Theo VTC