Fanclub “điều hành giải”
Điểm danh những giải thưởng được trao vào dịp cuối năm có thể kể ra: Làn sóng xanh, Zing Music Awards, Bài hát yêu thích, Yan Vpop, Cống hiến và một phần giải Mai Vàng.
Có thể thấy, sự khác biệt trong các tiêu chí trao của các giải thưởng là không nhiều, chủ yếu vẫn trao chung cho các gương mặt ca sĩ, nhạc sĩ, ca khúc nên cuối cùng người đến nhận giải vẫn quanh đi quẩn lại chừng ấy gương mặt.
Hồ Ngọc Hà, một trong hai gương mặt “càn quét” rất nhiều giải thưởng âm nhạc
|
Riêng giải thưởng Làn sóng xanh, 15 năm nay, tiêu chí đổi mới vẫn chưa rõ nét, các gương mặt như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Tuấn Hưng, Đàm Vĩnh Hưng, Hiền Thục, Thu Minh… có thể nói là những cái tên cũ mèm, gần như năm nào cũng xuất hiện. Dạo qua các giải khác như Zing Music Awards (ZMA) hay Mai Vàng cũng vẫn chừng ấy ca sĩ góp mặt.
Ở giải tốp 3 hạng mục nữ ca sĩ được yêu thích nhất của ZMA, có lẽ nét mới nhất năm nay là cuộc đảo ngược dòng ngoạn mục của 3 gương mặt khá quen thuộc trong làng nhạc trực tuyến: Đông Nhi, Bảo Thy và Minh Hằng.
Tuy nhiên, cái mới này lại không hứa hẹn sẽ có điều gì hay đi kèm, bởi vì hai đàn chị là ca sĩ Mỹ Tâm và Cẩm Ly, xét về mọi phương diện đều hơn hẳn 3 đại diện còn lại thì đã rớt khỏi tốp ba năm nay.
“Tôi thất vọng khi nhìn vào top 3 ca sĩ nữ được yêu thích nhất năm nay của giải thưởng Zing gồm Đông Nhi, Bảo Thy và Minh Hằng. Chất giọng quá yếu của các nữ ca sĩ này thì ai cũng biết qua những lần trình diễn live, vậy mà không hiểu sao họ vẫn được bình chọn nhiều nhất?” Khán giả Minh Tuyền (TP.HCM) |
Nếu một giải thưởng âm nhạc trao cho ca sĩ mà lộ rõ sự “điều hành giải” của các fanclub (câu lạc bộ người hâm mộ) như vậy thì có thể thấy chất lượng của giải không thể khẳng định sẽ là thước đo của bất cứ tiêu chí chuyên môn nào.
Giải của Yan Vpop và giải Bài hát yêu thích cùng chọn đối tượng là ca khúc để trao giải, nét khác biệt đáng kể nhất là Yan Vpop trao giải cho các MV, còn Bài hát yêu thích thì trao cho các ca khúc biểu diễn live trên sân khấu.
Tuy nhiên, vì cùng dựa vào tiêu chí ca khúc nào được khán giả bình chọn nhiều nhất để trao giải nên có thể thấy lại thêm 2 giải thưởng nữa được mở ra để làm sân chơi cho các fanclub, thiếu vắng hẳn sự tham gia của giới chuyên môn.
Và đã dựa vào tin nhắn nên suốt quá trình Bài hát yêu thích mở ra, ban tổ chức giải này mất khá nhiều thời gian đi dẹp loạn “tin nhắn rác”. Mới đây, ban tổ chức cho biết đã hủy 4.430 tin nhắn cho bài “Cơn mưa ngang qua”, 1.680 tin nhắn của “Nhan sắc” và 522 tin của “Chiếc khăn piêu”.
Giới chuyên môn lép vế
Có thể thấy một thực tế khá… hài hước là ở giải nào, có sự tham gia của các nhà chuyên môn thì giải đó không được các ca sĩ hàng “sao” mặn mà. Thực tế chỉ riêng có ở VN này cho thấy độ vênh nhau giữa sự thẩm định của khán giả và giới chuyên môn.
Đơn cử một ví dụ cụ thể, khi ban tổ chức giải Cống hiến 2011 cho biết họ không đưa ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vào giải vì cho rằng các dự án của ca sĩ này đều không có sự đột phá, dù rất thành công về mặt doanh thu nhưng các nhà chuyên môn không đánh giá cao.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã phản ứng tức thì theo kiểu “xù lông nhím”, anh cho biết: “Các nhà chuyên môn là ai thế? Tôi đâu đủ tư cách mời các vị "hàn lâm" đó đến xem chương trình của tôi? Tôi không làm chương trình để các người làm ra các giải thưởng "xét duyệt"! Tôi thực hiện cho tôi và cho công chúng của tôi mà thôi.
Theo thăm dò của cá nhân tôi thì cũng có khá nhiều những sản phẩm "đột phá" và góp phần "phát triển đời sống âm nhạc" của công chúng nhưng kết quả là "sản phẩm" đó có số lượng được bán ra không đủ lấy lại tiền in bìa chứ đừng nói làm master hay thu lãi”.
Trong tất cả các giải thưởng âm nhạc, chỉ có duy nhất giải Cống hiến là đề cao quyết định của giới chuyên môn, còn lại tất cả các giải còn lại chỉ dựa vào sự bỏ phiếu của người hâm mộ.
Chính vì thế, các ca sĩ hàng sao có cát- xê cao nhất trên thị trường vẫn tỏ ra không xem trọng giải này, nếu không được Cống hiến ghi nhận, họ vẫn có 5, 7 các giải thưởng khác tung hô và tôn vinh, thiếu gì cơ hội để đánh bóng tên tuổi.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho biết: “Trong một thị trường âm nhạc vốn quá nhiều vàng thau lẫn lộn, thật giả khó lường, có những giá trị thật nhưng con đường đi đến khán giả của nó lại quá gian nan, ngọn lửa của nó quá yếu ớt, không thể bùng lên trước những trận cuồng phong của những tuyên ngôn, lộng ngôn, ảo tưởng, phù phiếm của thế giới giải trí hỗn tạp.
Nghệ sĩ rất cần những giải của các nhà chuyên môn, bởi vì đó là sự tiếp sức cho những nghệ sĩ cô độc trên con đường sáng tạo của họ. Họ không nhiều tiền, họ không có fan, không tuyên ngôn. Họ chỉ có tình yêu nghệ thuật thật sự và lòng can đảm. Tuy nhiên, ở VN hiện nay, giải thưởng của giới chuyên môn hoàn toàn lép vế”.
Theo DanViet