Những “thảm cảnh” vì quá yêu sao Hàn Ảnh: Tú Anh. |
Một buổi thảo luận tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X do Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh chủ trì, quy tụ các chuyên gia hàng đầu đất nước, cùng đại diện Ban Tuyên giáo T.Ư, đại biểu ưu tú đến từ các tỉnh, thành Đoàn và các cơ quan T.Ư - cùng trao đổi về sống đẹp, sống có ích, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tại diễn đàn này, một số đại biểu đã nêu thực trạng lệch lạc thần tượng trong một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Đại diện Thành Đoàn TP.HCM cho rằng, để cuộc học tập và làm theo lời Bác gần gũi, thiết thực và rộng hơn nên có cách thức tổ chức, giới thiệu về các học trò xuất sắc của Bác.
Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước, chúng ta có rất nhiều tấm gương để lớp trẻ thần tượng, học tập, làm theo.
Đại biểu này cũng cho rằng, hiện nay trong một bộ phận giới trẻ có biểu hiện lệch lạc thần tượng, do thiếu thông tin, do truyền thông chạy theo một số trào lưu nhất thời, khiến giới trẻ thần tượng nhầm một số nhân vật nổi tiếng do công nghệ lăng xê…
Những “thảm cảnh” vì quá yêu sao Hàn Quốc (trong ảnh: khóc, ngất, đổ máu trong chương trình biểu diễn của ban nhạc Hàn Quốc tại Việt Nam) Ảnh: Tú Anh . |
Một đại biểu đại diện khối báo chí cũng thẳng thắn chỉ ra những lệch lạc về thần tượng bằng dẫn chứng cụ thể: một người trẻ hôn lên ghế của một ca sĩ Hàn Quốc vừa ngồi khi người này sang Việt Nam biểu diễn; một số người khóc ngất như “cha chết” khi thấy thần tượng; có người chen lấn ngất xỉu, đổ máu phải cấp cứu…
Đại biểu này cũng đề nghị tổ chức Đoàn cần thể hiện quan điểm rõ ràng, kịp thời trước những vấn đề mới, những trào lưu mới để định hướng bạn trẻ, tránh những lệch lạc, gây hiệu ứng không tốt cho xã hội.
|
Trao đổi bên lề giờ giải lao với Tiền Phong, đại biểu Quân đội dự hội thảo này cho rằng: “Chúng ta hiểu gì về các ca sĩ Hàn Quốc mà “tôn sùng” thái quá vậy? Chỉ có thể nảy sinh tình yêu, ngưỡng mộ khi chúng ta hiểu sâu sắc về một người nào đó.
|
Chúng ta có thể thần tượng bố mẹ, anh em, thầy giáo, những người xả thân, tình nguyện vì người khác, vì cộng đồng... bởi lời nói, việc làm của họ gần gũi, thân thiết và gây cho ta những tình cảm sâu sắc dẫn đến ngưỡng mộ.
|
Đó mới đúng là logic của tình cảm. Mỗi khi đã thần tượng thì hành động việc làm của chúng ta ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng từ người ta ngưỡng mộ. Nhìn ở góc độ đó, thì chúng ta ngưỡng mộ ai cũng sẽ phản ánh một cách sinh động rằng ta là ai…”.
“Hình thức tôn vinh những tấm gương học tập vươn lên thành đạt, những người xả thân vì mọi người, những tấm gương bình dị mà cao quý… – chúng ta làm vẫn chưa lay động, chưa lan tỏa? Trong khi đó truyền thông lại quá chăm chú các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, thể thao...?” – đại biểu này đặt câu hỏi.
Trao đổi với PV, nhiều đại biểu khẳng định: Chúng ta cần có quan điểm rõ ràng trước hiện tượng cuồng, điên… vì thần tượng, nhưng muốn hay không vẫn phải chấp nhận và lý giải thực tế này, trước khi trách mắng họ. Cần phải nghiên cứu, điều tra xã hội để trả lời câu hỏi vì sao, cơ chế nào mà một số người trẻ lại “ra nông nỗi” ấy!
Hiểu thế nào về thần tượng? Theo Đại từ điển Tiếng Việt (tái bản, sửa chữa và bổ sung năm 2008) do tác giả Nguyễn Như Ý chủ biên (NXB Đại học Quốc gia TP.HCM), "thần tượng" được hiểu theo 3 nghĩa:1 - Hình ảnh hoặc người đã chết;2 - Hình một đấng thiêng liêng được tôn sùng, đề cao;3 - Người hay vật được đề cao, tôn sùng. Tuy nhiên, thực tế diễn ra trong giới trẻ đang khác xa khái niệm trong từ điển.
Diễn đàn Lệch lạc thần tượng hy vọng là tiếng chuông cảnh tỉnh về sự tôn sùng, ngưỡng mộ “phát cuồng”, “phát điên”, qua đó cùng với sự chia sẻ, hiến kế của bạn đọc, sự vào cuộc của các chuyên gia, các nhà tâm lý, giáo dục, các cơ quan liên quan, chúng ta sẽ giúp một bộ phận giới trẻ bình tĩnh hơn, hiểu đúng và thần tượng đúng.
Lựa chọn đi: Gia đình hoặc thần tượng! Cư dân mạng đang xôn xao trước cách dạy con là fan cuồng nhạc Hàn Quốc (Kpop) của một ông bố ở TP.HCM dịp tháng 7/2012. Từ một diễn đàn của giới trẻ, câu chuyện lan nhanh trên thế giới ảo, trở thành đề tài bàn luận về chuyện thần tượng thời nay. Vì mê muội nhóm nhạc Hàn Quốc nên khi ban nhạc này tới Việt Nam biểu diễn, cô nằng nặc đòi đi xem. Bố không đồng ý, cô tuyên bố: "Con cần ban nhạc ấy hơn gia đình!". Quá bất ngờ, ông bố lặng lẽ móc tiền triệu đưa cho con. Khi con gái hí hửng chạy đi mua vé, ông bố thay ổ khoá phòng, mang đồ đạc, sách vở của con bỏ ra hiên nhà. Vợ ông khóc lóc, năn nỉ nhưng ông vẫn không thay đổi quyết đinh. Cô gái trở về sau khi mua vé cũng bị bố đuổi ra khỏi nhà. Lúc đó, cô vẫn tuyên bố “sống chết với thần tượng, thề không bao giờ quay lại!”. Ông lạnh lùng với cả vợ, quản chặt tiền nong vì sợ bà tiếp tế cho con. Hai tuần trôi qua, bất ngờ cô gái trở về khu phố. Cô quỳ trước cửa nhà từ sáng đến hơn 15 giờ chờ bố về. Mẹ gọi vào nhà nhưng cô không dám khi chưa gặp được bố. Tan tầm, ông bố về nhà, không nhìn cô và kiên quyết đóng cửa lại. Lúc ấy, cô con gái vừa khóc lóc vừa lạy bố mở cửa. Ông bố thản nhiên ngồi đọc báo, uống cà phê ở sân, sau đó gọi vợ lấy đồ ăn ra dọn trước cửa. Mẹ cô vừa bưng cơm vừa khóc. Chừng 3 tiếng đồng hồ, ông bố cho phép mẹ cô mở cửa, đưa cho con gái bát cơm trắng. Cô ngồi bệt ngoài hiên ăn ngon lành. Sau đó, ông bố yêu cầu cô đi cắt tóc xoăn xù, nhuộm đen lại, mua mấy bộ đồ giản dị cho con mặc. Ông hạn chế cô dùng máy tính, cho mỗi ngày 3 bữa cơm, phải tự đi bộ đến trường và không một xu trong túi. Một ông bạn hàng xóm nói “sao ông ác thế”. Ông bố vốn cứng rắn nhưng vừa nghe đã bật khóc. Ông tâm sự, ông hết cách với con, bất đắc dĩ mới làm vậy. Cứng rắn với con nhưng không ai biết những ngày đuổi con đi, ông xin nghỉ việc để theo dõi con, bảo vệ con từ xa… Ông chia sẻ với người bạn, cũng may con về sớm, nếu không công việc của ông sẽ gặp không ít khó khăn… Câu chuyện lan nhanh và nhận được nhiều sự đồng tình của đông đảo của cư dân mạng. Một số người cho rằng, đối với một bộ phận giới trẻ trở nên “mê muội hết thuốc chữa” trong trào lưu “cuồng thần tượng” hiện nay thì chỉ có những biện pháp thức tỉnh từ cuộc sống như ông bố kể trên mới tỏ ra hữu hiệu? |
Những cơn sóng hâm mộ ca sỹ, diễn viên Hàn Quốc mới đây khiến chúng ta có đôi chút hốt hoảng khi chứng kiến những hình ảnh fan khóc thét, ngất xỉu, đổ máu, cấp cứu… trong một số buổi biểu diễn. Không chủ quan, không bảo thủ khi nói rằng, có một bộ phận người trẻ đang lệch lạc thần tượng và tạo ra những hiệu ứng không tốt. Qua diễn đàn này mong bạn đọc cùng chia sẻ, trao đổi và cùng hướng tới xây dựng một “văn hóa thần tượng” lành mạnh. Hãy chia sẻ câu chuyện, quan điểm, ý kiến, sáng kiến… của bạn với Diễn đàn qua thư điện tử: Thegioitre@tienphong.vn hoặc Ban Thanh niên, Báo Tiền Phong 15 Hồ Xuân Hương, Hai Bà Trưng, Hà Nội. |
Theo Tienphong