Nhiều người đã rất phẫn nộ về cuốn sách của Olga Dror. |
Việc một tác giả nước ngoài có những nghiên cứu chưa chính xác, mang tính xúc phạm đến Mẫu Liễu Hạnh đã khiến nhiều người vô cùng phẫn nộ.
Nhận định không thuyết phục
TS Nguyễn Nam (Viện Harvard Yenching – Mỹ) đã có một buổi thuyết trình về cuốn “Cult, Culture and Authority princess Lieu Hanh in Vietnamese History” (Tín ngưỡng, Văn hóa và Quyền Uy - Liễu Hạnh trong Lịch sử Việt Nam) của nhà nghiên cứu Olga Dror.
Cuốn sách được giới nghiên cứu nước ngoài xem là tập sách lấp đầy khoảng trống về các nghiên cứu, khảo sát tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu qua văn bản và nghiên cứu thực địa của các tác giả nước ngoài.
Cuốn sách gồm có một phần mở đầu và năm chương với bố cục chặt chẽ, nhằm xem xét tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu ở các phương diện tôn giáo, văn học, xã hội học và chính trị.
Trong đó, ngay ở bìa cuốn sách, để lôi cuốn người đọc tác giả đã đặt những câu hỏi như sau: “Người đàn bà này là ai? Là một người phụ nữ đức hạnh hay là một cô gái điếm? Vì sao bà ấy lại được phụng thờ cho đến tận ngày nay?”.
Dưới góc độ khoa học, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cuốn sách của Dror được giới nghiên cứu tiếp nhận bởi tầm nghiên cứu sâu rộng và những biện giải mới mẻ của nó.Đáng kể hơn là nhiều tư liệu, đang được lưu giữ các viện lưu trữ và thư viện ở Pháp cũng như Việt Nam, thường bị bỏ quên trước đây, nay đã được tác giả đưa vào công trình nghiên cứu.
Tác giả cũng kỳ công đưa ra ánh sáng nhiều văn bản Hán Nôm đang được cất giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội) và một số bảo tàng địa phương ở Việt Nam.
Phân tích của Dror về tiểu sử Liễu Hạnh qua bản Kiều Oánh Mậu (1854-1911) trong chương 4, cũng như lý giải sự phát triển của tín ngưỡng này qua hai thế kỷ XIX và XX trong chương 5 khá sáng tạo và lý thú.
Tuy nhiên, không phải mọi nhận định của Dror đều thuyết phục. Không ít chỗ, những tư liệu mới chẳng hề hỗ trợ lập luận mà tác giả đưa ra, chưa kể rất nhiều đoạn quan trọng trong các văn bản Hán Nôm cũng bị dịch nhầm.
Theo TS Nguyễn Nam, tất cả các bản chép tay và truyền miệng còn lại về bà đều là những trùng tác, tức là những văn bản cổ hơn về Liễu Hạnh đã bị tẩy xoá toàn bộ hoặc một phần để người sau viết chồng lên.
Chính vì vậy, dù rằng phát hiện của Dror về hai bản ghi chép ngắn của hai nhà truyền giáo châu Âu, Adriano di St. Thecla (1750) và Francoise-Louis Lebreton (1782) chỉ là gợi mở, chúng không đủ cơ sở để đưa ra kết luận về nguồn gốc xuất thân của Mẫu Liễu Hạnh.
Triệu người phẫn nộ
Cũng theo TS Nguyễn Nam thì điểm cốt yếu nhất cần phải xem xét đó là kết luận của tác giả Olga Dror về nguồn gốc xuất thân của mẫu Liễu Hạnh.
Chứng cứ để Olga Dror dựa vào chỉ là một đoạn văn mơ hồ trong công trình nghiên cứu về các giáo phái ở Trung Quốc và Bắc Bộ - Việt Nam của giáo sĩ người Ý St.Thecla và qua ghi chép của Francois- Louis Léberton về lời của một người lên đồng phán rằng mẫu Liễu Hạnh vốn là một cô gái làng chơi…
“Chúng ta khó có thể chấp nhận một kết luận thiếu căn cứ và quá mơ hồ, một kết luận không có tính khoa học, áp đặt và thiên kiến nếu không muốn nói đó là một sự xúc phạm đến tâm linh của người Việt. Điều nguy hiểm hơn là những cuốn sách dạng này thường sẽ trở thành giáo trình cho sinh viên ở nước ngoài, vì vậy nó sẽ tạo nên cái nhìn sai lệch về tôn giáo và văn hóa Việt Nam” – TS Nguyễn Nam nói.
GS Ngô Văn Thịnh cũng đồng quan điểm với TS Nguyễn Nam khi cho rằng, Olga Dror đã dựa vào những tư liệu chưa được kiểm chứng về độ chính xác nên đã có những kết luận mang tính phiến diện. Điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến Văn hóa đạo Mẫu đã tồn tại hàng trăm năm ở Việt Nam.
Và các nhà khoa học Việt Nam có đủ bằng chứng thuyết phục để chứng minh nguồn gốc, thân thế và quyền linh tối thượng của mẫu Liễu Hạnh – một vị mẫu đóng vai trò hết sức quan trọng trong văn hóa tâm linh của người Việt.
Điều đáng nói là cuốn sách này sau khi xuất hiện đã gây “bão” trong cộng đồng người Việt cả trên các diễn đàn mạng xã hội lẫn ngoài đời thực.
Đại đa số khi hay biết thông tin đều tỏ ra phẫn nộ và phản ứng một cách gay gắt. Nhiều bạn trẻ thậm chí còn lập nên nhiều diễn đàn trên Facebook để bày tỏ sự phẫn nộ tột cùng của mình. Họ cho đây là một sự xúc phạm khó có thể chấp nhận đối với một đấng linh thiêng mà cả một dân tộc tôn thờ qua hàng trăm năm lịch sử.
Một số nặng lời hơn còn cho rằng, đây không chỉ là một kết luận có tính bịa đặt phi khoa học mà còn là sự xúc phạm một dân tộc với bề dày văn hóa không thể phủ nhận.
“Dù chưa được đọc hết quyển sách của Dror nhưng tôi cũng không chấp nhận được kết luận: Thánh mẫu Liễu Hạnh lại xuất thân từ gái làng chơi. Bởi lẽ, xét về yếu tố tâm linh thì Liễu Hạnh thánh mẫu là một vị thần của người Việt - vị thần mà có đầy đủ thần tích, thần phả, lăng mộ.
Thứ hai, theo như tác giả trình bày thì ông đã dựa vào tư liệu của người nước ngoài khi đi truyền giáo vào Việt Nam sưu tầm hoặc ghi chép lại. Nếu đó là sự thật thì quả là một điều đáng tiếc của người làm khoa học bởi tài liệu đó chưa hẳn đủ độ chính xác 100%. Đấy là chưa nói, không có một đạo nào nói tốt cho đạo nào.
Vì thế, những kết luận của Dror đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đức tin, tín ngưỡng bản địa đã ăn sâu vào máu của người Việt. Tôi không những không chấp nhận quan điểm này mà còn cực lực phản đối” – thành viên Hoàng Bảo trên diễn đàn “Đạo mẫu Việt Nam” bày tỏ.
Theo Giadinh