Truyền hình thực tế cho trẻ: Đừng biến các em thành nạn nhân

Chủ nhật, 31/03/2013, 14:03
Ngay khi chưa lên sóng, chương trình truyền hình thực tế (THTT) Giọng hát Việt nhí - The Voice Kids đã khiến không ít người lo ngại khi mà những gì THTT mang lại vốn không thuộc "phạm trù chịu đựng" của trẻ em, nhất là THTT Việt, với công thức chung là tạo chiêu trò và scandal.

Không phải ngẫu nhiên mà sự băn khoăn lại dấy lên với chương trình Giọng hát Việt nhí, bởi đây là một format mang tính cạnh tranh khá cao, có hẳn một vòng thi mang tên Đối đầu.

Đó là chưa kể ở phiên bản chương trình này dành cho người lớn, cũng cùng đơn vị sản xuất, đã có nhiều nghi vấn về dàn xếp kết quả, dẫn đến việc chương trình bắt buộc phải thay giám đốc âm nhạc.

Ngay cả sân chơi từng được đánh giá là giữ nguyên sự thơ trẻ của các em ở mùa đầu tiên, Đồ Rê Mí, cũng khiến nhiều người tá hỏa trong chương trình gần đây nhất, khi trong đêm hát ca khúc rock, những đứa trẻ chỉ từ năm - mười tuổi quằn quại gào thét, giậm giật như một rocker thật sự, trong bộ cánh hở trên ngắn dưới, hay lả lơi lúng liếng trong đêm nhạc kịch…

Chưa hết, phía sau hậu trường là những câu chuyện còn khiếp đảm hơn nhiều đối với một đứa trẻ, khi các em phải nhịn đói cả ngày vì trường quay không cho mang thức ăn vào, phải tập luyện và chịu đựng lớp trang điểm dày cộp để ghi hình đến nửa đêm nên thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu ngủ.

Vietnam got talent
Đăng Khoa (trái) khuỵu xuống khi công bố kết quả - Ảnh: Ân Nguyễn

Tuy nhiên, sự khắc nghiệt đáng lo ngại nhất dành cho các đối tượng này chính là dư luận. Lê Trần Nhật Tiến của Đồ Rê Mí, chỉ sau phần trình diễn rơi nước mắt ca khúc Gặp mẹ trong mơ  đã trở thành tâm điểm của truyền thông.

Khán giả, người đồng cảm kẻ hoài nghi, đã gửi đi những nhận xét mang tính chỉ trích về “tiết mục giả dối, bị dàn dựng” mà quên mất rằng, người hứng chịu sự cay nghiệt đó chỉ là một đứa trẻ chín tuổi.

Sự cay nghiệt tương tự cũng đến với cặp đôi nhí Đăng Quân - Bảo Ngọc, Quán quân Vietnam’s Got Talent 2012, khi dấy lên tin đồn phụ huynh hai em này mua giải.

Ngay sau đó, nhiều người, nhiều đơn vị truyền thông thậm chí còn đến tận trường học của hai bé để phỏng vấn. Chị Lan Phương - mẹ của bé Bảo Ngọc từng cho biết, chị ước mình có thể trả lại giải thưởng, nếu điều đó mang lại sự bình yên cho gia đình như trước đây.

Một câu chuyện khác về nạn nhân của người lớn là cậu bé Đăng Khoa (11 tuổi) của Vietnam’s Got Talent 2012 đã suýt ngất vì không chịu nổi áp lực tâm lý, khi MC cứ cố tình nhấn nhá trong khoảnh khắc công bố kết quả người được đi tiếp.

“Chúng tôi hiểu những nguy cơ về sang chấn tâm lý của trẻ trong những tình huống sẽ có của THTT, nên sẽ có một đội ngũ chuyên gia, bác sĩ tâm lý ở bên cạnh để giúp đỡ trẻ”, ông Lại Văn Sâm - đại diện Đài Truyền hình Việt Nam - đơn vị phối hợp sản xuất Giọng hát Việt nhí, cho biết.

Theo đó, các bác sĩ tâm lý này sẽ giúp thí sinh tìm lại sự cân bằng tâm lý khi bị loại, giảm áp lực về thắng - thua… Đây là một giải pháp trong khả năng của nhà sản xuất hay thực chất chỉ là cách “nghi binh” trước lo ngại của dư luận, vẫn còn là điều chưa khẳng định được.

Điều có thể chắc chắn là một khi THTT Việt vẫn còn xem scandal là cách để thành công, trẻ em là cỗ máy kiếm tiền, thì dù có một đội ngũ bác sĩ tâm lý giỏi nghề đi theo chương trình vẫn là vô nghĩa.

Thế giới đã từng ghi nhận những trường hợp sang chấn tâm lý của trẻ em từ những chương trình THTT. Đơn cử, trong chương trình THTT về khiêu vũ Dhoom Macha Le Dhoom tại Ấn Độ, thí sinh Shinjini Sengupta (16 tuổi) đã mất khả năng nói chuyện sau khi bị giám khảo nhận xét khá nặng nề.

Các bác sĩ sau đó cho biết, cô bé bị rối loạn thần kinh, ảnh hưởng tới khả năng giao tiếp. Trường hợp này đáng để bất kỳ ai xem trẻ em là cỗ máy kiếm tiền lấy làm bài học.

Theo PhunuOnline

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn