Sự đố kỵ của người Việt đã giết Flappy Bird?

Thứ ba, 11/02/2014, 14:27
Nintendo khẳng định không muốn chú chim chết, báo nước ngoài tung hô Nguyễn Hà Đông lên mây. Nhưng chú chim có tên Flappy Bird đã bị hạ bởi tính đố kỵ của một bộ phận người Việt.

Những tin đồn về việc hãng game khổng lồ, sở hữu trò chơi Mario – Nintendo kiện Nguyễn Hà Đông (tác giả của Flappy Bird) cuối cùng đã rõ ràng: Họ chưa liên lạc và cũng không muốn “chú chim” bị gỡ khỏi các kho ứng dụng như App Store hay Google Play. Nói cách khác, việc cha đẻ của “chú chim” gỡ ứng dụng của mình xuống không có liên quan gì đến hãng game Nhật Bản.

Bên cạnh đó, nhiều tờ báo lớn của nước ngoài cũng lên tiếng ca ngợi hiện tượng Flappy Bird mà Nguyễn Hà Đông tạo ra. Cây viết công nghệ Rory Cellan Jones của BBC đã ví “chú chim Việt” như chàng David, lần lượt hạ gục những gã khổng lồ của làng game để leo lên vị trí cao nhất của bảng xếp hạng và gây sốt toàn cầu.

Flappy Bird bị gỡ xuống phải chăng do tính ghen ghét, đố kỵ của một bộ phận người Việt ?

Trong khi đó, trên nhiều diễn đàn mạng tại Việt Nam, tác giả của Flappy Bird lại nhận không ít “gạch đá”. Dù không có bằng chứng cụ thể và thông tin về vi phạm bản quyền trò chơi Mario (Nintendo), khá nhiều người vẫn lên diễn đàn công kích tác giả của “chú chim” rất kịch liệt.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là một tựa game nhàm chán, không có gì thú vị. Một số cá nhân còn khẳng định, tác giả Flappy Bird "đạo ý tưởng", "ăn cắp" các chi tiết từ Mario hoặc có cách chơi giống với những game trước đây. Không chỉ "ném đá" nội dung game, một số người còn bình luận rằng tác giả đã may mắn khi được nhiều kênh Youtube và truyền thông quảng bá. Thậm chí có người nghi ngờ Nguyễn Hà Đông đã dùng thủ thuật để qua mặt Google và Apple nhằm đưa "chú chim mặt ngu" lên đỉnh cao nhất của bảng xếp hạng.

Từ chỗ công kích sản phẩm, những người phản đối quay sang tập trung vào cá nhân Nguyễn Hà Đông, với mô tả như một kẻ ăn may, vi phạm bản quyền và dùng thủ thuật mới có được thành công như vậy. Từ chỗ được truyền thông mô tả như một người hùng của làng game Việt, cha đẻ của Flappy Bird bỗng dưng bị bôi đen ở nhiều nơi trên mạng và giống như kẻ tội đồ.

Phó tổng giám đốc một công ty lớn chuyên kinh doanh các dịch vụ trên Internet cho biết, anh thấy Đông là một người khiêm tốn và cư xử rất đúng mực ngay cả khi nổi tiếng. “Đông không hề có phát ngôn nào thái quá cũng như không có ảo tưởng. Đó là một người đúng mực và đàng hoàng, nhưng lại bị ném đá hơi nhiều”, vị lãnh đạo từng có kinh nghiệm về sản phẩm bị chỉ trích với những tin đồn thất thiệt chia sẻ.

Trước khi gỡ “chú chim” vì quá nhiều chuyện không đâu, trong một dòng tweet đăng tải hôm 8/2, Hà Đông viết: “Flappy Bird là một thành công, nhưng nó đang phá tan cuộc sống vốn đơn giản của tôi. Và giờ, tôi ghét nó”. Đông cũng khẳng định, việc anh gỡ bỏ Flappy Bird không liên quan gì đến các vấn đề về pháp lý. Anh cũng sẽ không bán đứa con tinh thần của mình và sẽ tiếp tục làm game.

Nguyễn Hà Đông không than phiền ai chỉ trích mình, anh đơn giản chỉ thấy chú chim Flappy Bird làm cho cuộc sống của mình bị đảo lộn và cần gỡ nó xuống để được bình an.

Ngay khi Đông gỡ bỏ Flappy Bird, ngoài việc Nintendo lên tiếng, trang web uy tín bậc nhất đối với giới phát triển game là kotaku.com cũng đăng bài viết như một lời xin lỗi với Nguyễn Hà Đông.

Website danh tiếng thế giới xin lỗi cha đẻ Flappy Bird

Tác giả Stephen Totilo vừa có bài viết trên Kotaku.com, trang web uy tín bậc nhất đối với giới phát triển game, về hiện tượng Flappy Bird và tác giả của nó, Nguyễn Hà Đông.

Trong khi đó, nhiều cư dân mạng Việt lại sôi sục vì những lý do mà có thể Đông không nói ra khi gỡ “chú chim” nổi tiếng. Lê Quang Tự Do, một lãnh đạo của Trung ương Đoàn viết trên trang cá nhân: “Khó khăn lắm mới có một sản phẩm công nghệ được tạo ra từ trí tuệ Việt khiến cả thế giới hâm mộ, bàn tán, thích thú sử dụng; khiến hai tiếng "Việt Nam" được nhắc đến liên tục trên truyền thông quốc tế những ngày gần đây.

Nhưng cũng dễ dàng lắm để thấy sản phẩm công nghệ Việt đó bị chết yểu trước những thứ gọi là "ý kiến trái chiều" đầy đố kỵ, bới lông tìm vết nhưng được che giấu bằng những mỹ từ cao đẹp như: bảo vệ uy tín Việt, phản đối đạo ý tưởng, nên thành công bằng thực lực chứ đừng ăn may nhất thời..., từ chính những đồng bào của người đã làm ra sản phẩm nổi tiếng này. Phải chăng chúng ta đang ra sức chứng minh cho thế giới thấy câu chuyện vui ‘bỏ ba người VN xuống giếng nước sẽ chẳng có ai trèo lên được vì bị 2 người còn lại kéo xuống’ là đúng?”.

Còn Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty ePi Technologies, người có những bài phỏng vấn gây sốt trên mạng về vụ Flappy Bird, viết trên trang cá nhân: “Nintendo cam kết không làm gì, trang game uy tín nhất thế giới xin lỗi tác giả Flappy Bird. Còn chúng ta làm gì, những đồng hương của Đông?”.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích