Quản lý, sử dụng tên miền thế nào cho đúng?

Thứ năm, 02/02/2012, 00:40
SaigonNews - Mặc dù Internet đã xuất hiện tại Việt Nam từ 19/11/1997 và tốc độ phát triển Internet trong gần 15 năm qua rất nhanh nhưng số lượng doanh nghiệp nhận thức được sức mạnh, biết cách ứng dụng Internet nói chung và tên miền nói riêng vào việc xây dựng thương hiệu, phát triển kinh doanh sản phẩm, dịch vụ thật sự còn rất ít.  

Tên miền là gì? Giữa tên miền và thương hiệu có liên quan như thế nào?

Tên miền internet - theo TT09/2008/TT-BTTTT: là tên được sử dụng để định danh địa chỉ Internet của máy chủ gồm các dãy ký tự cách nhau bằng dấu chấm “.”. 

Còn thương hiệu - theo định nghĩa của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO: là một dấu hiệu đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay được cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức.
 
Như vậy, tên miền và thương hiệu là hai khái niệm hoàn toàn độc lập với nhau. Tên miền không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ. Nhưng, trên thực tế, thương hiệu bảo vệ công việc kinh doanh trong xã hội thực còn tên miền bảo vệ thương hiệu trong xã hội ảo trên mạng internet. Điều đó có nghĩa đăng ký tên miền có thương hiệu thực chất cũng là bảo vệ công việc kinh doanh của mỗi chủ thể.  
 
Luật Công nghệ Thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội đã quy định về các hình thức giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” như sau:
 
1.     Thông qua thương lượng, hòa giải
2.     Thông qua Trọng tài
3.     Khởi kiện tại Tòa án
 
Các căn cứ, hình thức giải quyết tranh chấp tên miền cũng được quy định chi tiết tại Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam ".vn". Theo quy định, VNNIC không có thẩm quyền giải quyết các trường hợp phát sinh tranh chấp tên miền. Các bên liên quan phải thống nhất để lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp tên miền.

 
Thông tư số 37 về xử phạt vi phạm hành chính liên quan tới sở hữu côngnghiệp do Bộ Khoa học & Công nghệ ban hành, chính thức có hiệu lực từ 9/2/2012, đã quy định khá cụ thể về hành vi vi phạm tên miền:
 
Theo Thông tư 37 chỉ rõ, việc đăng ký chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền là 1 trong 2 hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (hành vi còn lại là sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn).
 
Có 2 trường hợp được xác định là hành vi đăng ký chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền.
 
Thứ nhất, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” có chứa phần chữ trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ và được sử dụng để quảng cáo, giới  thiệu sản phẩm, chào hàng,  bán  hàng  hóa,  dịch  vụ  trùng,  tương  tự  hoặc  có  liên  quan  trên  trang thông  tin điện  tử mà địa chỉ  tên miền đó dẫn  tới; gây nhầm  lẫn và  làm  thiệt hại  đến  uy  tín  hoặc  vật  chất  đối  với  chủ  sở  hữu  nhãn  hiệu,  tên  thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đó.
 
Thứ hai, đăng  ký  chiếm  giữ  quyền  sử  dụng  tên miền  quốc  gia Việt Nam “.vn” có chứa phần chữ trùng với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý có uy  tín, danh  tiếng  tại Việt Nam nhưng  trên một năm  tên miền đó chưa đưa vào sử dụng cho hoạt động cụ  thể và có căn cứ chứng minh  tổ chức, cá nhân chỉ đăng ký chiếm giữ quyền sử dụng tên miền nhằm bán lại để kiếm lời hoặc cản  trở chủ sở hữu nhãn hiệu,  tên  thương mại, chỉ dẫn địa  lý được bảo hộ đó đăng ký tên miền.
 
Theo thông lệ chung cả quốc tế và Việt Nam vẫn đang áp dụng và có hiệu lực: việc đăng ký sử dụng tên miền được thực hiện theo nguyên tắc "Bình đẳng, không phân biệt đối xử" và "Đăng ký trước được quyền sử dụng trước". Như vậy, Thông tư số 37 trên đây được “ra đời” cũng chỉ mang tính chất đối phó việc đầu cơ tên miền “.vn” chứ không giải quyết triệt để tính căn cơ của vấn đề đầu cơ. Sắp tới đây, khi Thông tư số 37 chính thức có hiệu lực chắc chắn sẽ phát sinh những vụ tranh chấp, khởi kiện liên quan đến tên miền “.vn” trùng tên thương hiệu của người khởi kiện. Khi đó sẽ phát sinh nhiều vấn đề khó xử.
 
Đối chiếu với những quy định hiện hành liên quan đến quyền tự do đăng ký, sở hữu tên miền đang có hiệu lực đối với cả Việt Nam và khắp thế giới thì Thông tư số 37 “dẫm lên” quyền tự do, bình đẳng đã được pháp luật công nhận và vẫn đang còn giá trị. Khi xảy ra những những tình huống tranh tụng này, các cơ quan chức năng có trách nhiệm liên đới và những “người cầm cân nảy mực” sẽ rất đau đầu, khó xử trong việc ra quyết định phân xử một cách khách quan, hợp lý nhất.

Mặc dù Internet đã xuất hiện tại Việt Nam từ 19/11/1997 và tốc độ phát triển Internet trong gần 15 năm qua rất nhanh nhưng số lượng doanh nghiệp, hiệp hội nhận thức được sức mạnh, biết cách ứng dụng Internet, tên miền và website vào việc xây dựng thương hiệu, phát triển kinh doanh sản phẩm, dịch vụ thật sự còn rất ít. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có tên tuổi tại Việt Nam hiểu rất rõ được tầm quan trọng của tên miền, cũng đã mua ngay từ trước khi công ty thành lập và trước khi tung sản phẩm ra thị trường nhưng về sau vẫn phải bỏ ra số tiền không nhỏ để đi mua lại tên miền thương hiệu quốc tế .com để chuẩn bị “hành trang thương hiệu” và yên tâm tiến ra sân chơi toàn cầu hóa.

 
Trường hợp điển hình gần đây nhất là Công ty an ninh mạng BKAV đã phải bỏ ra 2,3 tỉ đồng để mua lại tên miền bkav.com từ một cá nhân sở hữu sống ở nước ngoài. Ông Nguyễn Tử Quảng - Tổng giám đốc BKAV - cho biết cách đây hơn 10 năm, do không nghĩ đến việc có thể đưa thương hiệu ra toàn cầu nên công ty đã không mua tên miền quốc tế mà chỉ mua tên miền trong nước bkav.com.vn.

Trên thế giới đã hình thành nên thị trường đầu tư tên miền và phát triển rất mạnh mẽ. Điều đó đã được phản ảnh một cách rõ rệt nhất khi có nhiều thương hiệu nổi tiếng của các doanh nghiệp, hiệp hội Việt Nam đã bị mất và người sở hữu là những cá nhân, tổ chức sống và làm việc ở nước ngoài. Công nghệ số không ngừng phát triển đã và đang làm thay đổi môi trường kinh doanh, tạo sức ép lớn lên các doanh nghiệp, đòi hỏi thay đổi cách thức kinh doanh. Các bộ phận tiếp thị và kinh doanh phải thích ứng để có cách tiếp cận và tương tác với khách hàng phù hợp cũng như ứng phó với sự phức tạp về bùng nổ thông tin gắn liền với thế giới Internet.
 
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam giờ đây không còn chỉ kinh doanh quanh quẩn “sân nhà” mà đã và đang mở rộng phạm vi hoạt động ra nước ngoài, điều này không thể tránh khỏi sự cạnh tranh khốc liệt đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới. Do vậy, đăng ký bảo hộ thương hiệu và đăng ký sở hữu tên miền thương hiệu là điều mà các doanh nghiệp cần phải làm ngay để xây dựng tuyến phòng thủ của mình trước khi chính thức bước ra sân chơi quốc tế luôn gắn liền với sự hiện diện của Internet.
 
Tên miền tuy chỉ là những kí tự vô tri vô giác. Các tên miền thì đều có ý nghĩa giống nhau nhưng chỉ khác nhau ở sự hiểu biết và nhận thức của doanh nghiệp về nó và sự tư vấn một cách khách quan từ những đơn vị, dịch vụ hỗ trợ, tư vấn và bán tên miền cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam nên sáng suốt và nâng giới hạn tầm nhìn của mình để tránh khỏi cảnh “trâu chậm uống nước đục” đã diễn ra ngay tại Việt Nam.

Anh Vũ

 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn