Nokia tái xuất sau 3 năm "quy ẩn giang hồ"

Thứ ba, 14/03/2017, 15:01
Thật khó tưởng tượng một thương hiệu điện thoại nổi tiếng lại ra mắt dòng máy được sản xuất từ năm 2000 trong một cuộc triển lãm công nghệ vào năm 2017.

Mẫu điện thoại Nokia 3310 thậm chí được nhắc đến còn nhiều hơn cả những thương hiệu có tiếng khác. Sau Microsoft, đã có một đối tác khác nhận trách nhiệm khôi phục vị thế cho “cựu vương” trên thị trường với nền tảng sản phẩm và ứng dụng hoàn toàn khác trước. Nhưng lời giải cho bài toán này là không dễ khi đối thủ của nó đã chiếm lĩnh thị trường từ rất lâu.

Bước rút lui của Nokia trên thị trường điện thoại được thực hiện sau khi hãng này bán thương hiệu Nokia cho Microsoft vào năm 2014. Trong 2 năm qua, Microsoft cố gắng đẩy mạnh sản xuất và quảng bá bằng thương hiệu của chính mình là Lumia. Đã có lúc thị phần dòng Lumia ở Việt Nam lên đến 20%, nhưng đến tháng 8.2016 đã giảm chỉ còn gần 5%, theo GfK.

Cùng với đà trượt dài về doanh số, cuối năm ngoái, Microsoft đã quyết định chuyển mảng sản xuất điện thoại thương hiệu Nokia cho HMD Global và đơn vị sản xuất là Foxconn (bao gồm cả nhà máy của Microsoft ở Việt Nam).

Với những thỏa thuận mới, HMD Global nay có thể thoải mái sáng tạo thế hệ điện thoại và máy tính bảng mới mang thương hiệu Nokia, do Foxconn sản xuất trong vòng 10 năm tới.

Sau câu chuyện “sang tay” thương hiệu, cả ba bên đều có vẻ như được lợi. Thương hiệu của Lumia đã có chỗ đứng và không hề bị ảnh hưởng, Nokia vẫn sẽ nhận được khoản phí từ doanh số và thương hiệu tiếp tục phát triển, còn hãng HMD có cơ hội trổ tài trên thị trường điện thoại di động, vốn đang cạnh tranh khốc liệt.

HMD là một công ty Phần Lan, được điều hành bởi những cựu lãnh đạo của Nokia trước đây. Chẳng hạn như Florian Seiche hiện giữ chức vị Chủ tịch HMD, đồng thời là cựu Phó Chủ tịch của Nokia và Microsoft, đồng sáng lập thương hiệu HTC. Còn Tổng Giám đốc Arto Nummela trước đó gia nhập Nokia từ năm 1994, kinh qua nhiều vị trí từ phát triển sản phẩm, quản trị, kinh doanh cho đến marketing trên thị trường toàn cầu. Chính yếu tố nhân sự này phần nào giúp giới mộ điệu Nokia kỳ vọng vào sự trở lại của “cựu vương” một thời. Tuy nhiên, thị trường ngày nay đã khác trước rất nhiều.

Hãy trở lại với sản phẩm mới được giới thiệu lần này. Có vẻ như HMD Global vẫn tập trung vào dòng điện thoại cơ bản, được định nghĩa là những điện thoại có chức năng thoại, nhắn tin là chủ yếu. Dòng điện thoại này có ưu điểm là pin lâu, kết cấu bền và nghe gọi tốt. Ở Việt Nam, không ít người chọn Nokia “cục gạch” là điện thoại thứ hai của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh khác, theo khảo sát cuối năm 2016 của Gartner, dòng điện thoại cơ bản trên thế giới đang thu hẹp mạnh trong thời gian gần đây.

Ra mắt điện thoại “cổ” 3310 có lẽ thuộc chiến lược “hoài niệm” của HMD. Gần đây, HMD Global đã đệ đơn xin cấp bản quyền thương hiệu “N-Series” huyền thoại (ra mắt lần đầu vào năm 2005) ở thị trường Trung Quốc với công thức hoàn toàn mới. Dù vậy, ngoài chiếc điện thoại cơ bản trên, Nokia vẫn mang đến các dòng điện thoại được đặt tên theo số hiệu: Nokia 3, 5 và 6 theo kích cỡ màn hình. Nokia 6 hiện đã phát hành tại thị trường Trung Quốc, nơi các nhà sản xuất tin rằng số 6 là cách gọi may mắn của dân bản địa.

Sự thay đổi tích cực nhất trong các dòng sản phẩm của Nokia phải kể đến việc chuyển đổi sang hệ điều hành Android, là hệ sinh thái mạnh ngang ngửa và đủ sức cạnh tranh với IOS của Apple. Theo Gartner, có đến 80% thiết bị di động bán ra được cài hệ điều hành Android.

Nokia trước khi về với Microsoft từng gây tiếng vang với hệ điều hành Meego - một sự cách tân cho “ông già” Symbian. Dù vậy, Meego cũng nhanh chóng đi vào dĩ vãng. Sau đó, Nokia đặt cược vào hệ điều hành Windows Phone của Microsoft, nhưng kết quả cũng không khá khẩm hơn.

Thực tế cho thấy kết quả chung của những hệ điều hành khác biệt là dần đi vào suy thoái. Giống Nokia, BlackBerry là một thương hiệu rất nổi tiếng với thiết kế bàn phím cổ điển và hệ điều hành riêng biệt. Dù vậy, thị phần của BlackBerry trong quý IV/2016 đã về mức gần bằng 0%, chỉ bán được hơn 0,2 triệu thiết bị (giảm 75% so với cùng kỳ), theo số liệu của Gartner. BlackBerry nay đã bán thương hiệu cho TCL (Trung Quốc). Ngay sau đó, hãng này cũng giới thiệu điện thoại mang thương hiệu BlackBerry nhưng lại chạy hệ điều hành Android.

Giới hâm mộ BlackBerry cho rằng việc chuyển đổi sang hệ điều hành Android đã làm mất đi chất riêng vốn có của hãng điện thoại này. Ngược lại, những người ủng hộ Nokia tin rằng sự kết hợp giữa thương hiệu điện thoại tốt bền và hệ điều hành nhiều người dùng là lựa chọn đúng đắn. Dù vậy, nên nhớ rằng hệ điều hành Android cũng không thể đảm bảo cho sự thành công của một hãng điện thoại nếu cấu hình và thiết kế chẳng có gì khác biệt lắm so với những cái tên đã có. HTC là một ví dụ khi sau bao nhiêu năm cố gắng vẫn cứ trầy trật.

Một điểm đáng lưu ý khác là các dòng sản phẩm của Nokia lần này hướng đến phân khúc tầm trung, cũng là phân khúc cạnh tranh sôi động nhất hiện nay. Ở thị trường Việt Nam, trong năm 2016 điện thoại có giá dưới 7 triệu đồng chiếm 83%, theo GfK. Sự cạnh tranh không chỉ đến từ những thương hiệu toàn cầu như Asus, HTC mà còn từ rất nhiều thương hiệu Trung Quốc như Oppo, Huawei, Xiaomi và các thương hiệu nhỏ khác đang cố vươn lên.

Ngay cả 2 ông lớn chi tiền quảng cáo mạnh tay là Oppo và Samsung cũng tập trung quảng cáo những mẫu điện thoại tầm trung nhiều hơn. Sự trở lại lần này của Nokia sẽ gặp khó khăn hơn ở phân khúc điện thoại tầm trung; còn ở phân khúc điện thoại cơ bản, Nokia có vẻ như vẫn là một lựa chọn đáng suy nghĩ.

Theo ICTnews

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn