Xiaomi đến Việt Nam trong hoài nghi về bảo mật

Thứ sáu, 17/03/2017, 09:23
Hãng công nghệ được ví là "Apple Trung Quốc" cho rằng điện thoại của mình từng bị cài mã độc qua kênh trung gian. Người dùng mua hàng chính hãng sẽ không bị dính phần mềm độc.    

Tại sự kiện "Mi is here" vừa diễn ra tại TP.HCM, Xiaomi đã chính thức đặt chân vào Việt Nam. Thông qua nhà phân phối, họ mang đến ba smartphone mới gồm Mi Mix, Redmi Note 4, Redmi 4A và hai thiết bị phát sóng Wi-Fi Mi Router HD, Mi Router Pro. Các sản phẩm này sẽ lên kệ tại Việt Nam vào cuối tháng 3, đầu tháng 4.

Việc Xiaomi không mang đến các thiết bị gia dụng thông minh là tin buồn đối với các "Mi Fan" ở Việt Nam. Người dùng vẫn phải mua robot hút bụi, máy lọc không khí, máy lọc nước... thông qua các nguồn "xách tay". Đại diện hãng cho biết cần thời gian để các thiết bị này đáp ứng điều kiện pháp lý, tiêu chuẩn nhập khẩu vào Việt Nam.

Xiaomi chính thức đặt chân đến Việt Nam với loạt sản phẩm di động, thiết bị mạng, nhưng thiếu vắng mặt hàng gia dụng thông minh.

Mua hàng chính hãng an toàn hơn xách tay?

Nhắc đến những rào cản này, Xiaomi gợi nhớ đến những bê bối trước đây của hãng trong vấn đề bảo mật thông tin người dùng.

Năm 2014, Xiaomi từng bị công ty Phần Lan F-Secure tố lén thu thập thông tin người dùng. Những dữ liệu nhạy cảm này bao gồm số điện thoại, nhà mạng, số IMEI cũng như các số điện thoại lưu trong danh bạ và các tin nhắn nhận được... được gửi về máy chủ ở Trung Quốc.

Tháng 3/2015, công ty Bluebox (Mỹ) phát hiện một số ứng dụng độc hại trên chiếc Xiaomi Mi 4, gồm một phần mềm quảng cáo giả mạo ứng dụng của Google và một con Trojan tiếp tay cho hacker thao túng máy từ xa. Đáp lại các cáo buộc này, Xiaomi cho rằng đó là một tính năng trong hệ thống, không phải Trojan.

Khi được hỏi về vấn đề bảo mật trên các thiết bị bán ra ở Việt Nam, ông Wang Xiang, Phó chủ tịch cấp cao của Xiaomi, cho rằng Xiaomi không theo dõi người dùng và đã tìm đến những giải pháp tốt nhất.

"Chúng tôi sử dụng các tiêu chuẩn rất cao để bảo mật cho người dùng. Chúng tôi đã hợp tác với rất nhiều công ty, dịch vụ lưu trữ hàng đầu trên thế giới như của Amazon để lưu dữ liệu của người dùng. Công ty cũng tìm đến những chuyên gia toàn cầu để được cấp chứng nhận bảo mật, đảm bảo an toàn cho thông tin người dùng", ông Wang Xiang chia sẻ.

Xiaomi mang đến những sản phẩm khác biệt và giá tốt, nhưng vấp phải những nghi ngại về bảo mật.

Phó chủ tịch cấp cao của Xiaomi cũng cho rằng điện thoại của hãng khi được nhập qua các nguồn không chính thống có thể bị các bên khác cài sẵn các phần mềm độc hại.

Câu trả lời của ông Wang bị cho là không thoả đáng với câu hỏi từ báo chí trong buổi ra mắt. Nhiều phóng viên cho rằng cách Xiaomi theo dõi người dùng là ở cấp độ Firmware (theo những báo cáo gần đây), chứ không đơn giản chỉ bằng một ứng dụng độc hại. Việc "lưu trữ ở một nơi an toàn" và "có thu thập dữ liệu hay không" cũng là hai vấn đề khác nhau.

Phát ngôn của Xiaomi cũng vô tình "tấn công" vào hàng xách tay của hãng, vốn đã có đôi chút thị phần ở Việt Nam, góp phần tạo ra một cộng đồng người dùng nhỏ trước khi Xiaomi chính thức đặt chân đến thị trường.

Phả hơi nóng vào Samsung, Oppo

Trước khi "vua giá rẻ" Xiaomi có mặt tại Việt Nam, thị trường đã định hình với hai tên tuổi lớn nhất là Samsung và Oppo. Theo số liệu từ GfK, Samsung và Oppo tiếp tục nắm giữ một nửa thị phần smartphone tại Việt Nam trong năm 2016.

Đến Việt Nam, Xiaomi mang đến mẫu điện thoại concept Mi Mix không viền màn hình với giá 16,9 triệu đồng. Nhưng theo các nhà bán lẻ, sản phẩm chủ lực của hãng tại thị trường mới sẽ là Redmi Note 4 (giá 4,69 triệu) và Redmi 4A (giá 2,9 triệu).

Với cấu hình mạnh so với mức giá, hai model tầm trung và phổ thông của Xiaomi có thể khiến nhiều "kẻ đến trước" như Lenovo, Huawei, Meizu mệt mỏi. Những thương hiệu Trung Quốc này vẫn đang tìm thị phần ở nhóm smartphone dưới 5 triệu, nơi có thể tiếp cận với số đông người dùng Việt Nam.

Tuy đã "tiến quân" lên phân khúc cận cao cấp với những sản phẩm tầm giá 8-10 triệu đồng, Oppo và Samsung có thể vẫn phải dè chừng với "Apple Trung Quốc", bởi những model như J5 hay J7 Prime, lẫn Oppo F1s đều có thể bị ảnh hưởng doanh số.

Nói với báo chí, ông Wang Xiang cho biết Việt Nam đang phát triển mạng 4G chính là lý do khiến Xiaomi cảm thấy đây là thời điểm thích hợp để xâm nhập thị trường. "Xiaomi không mang sản phẩm chỉ hỗ trợ 3G ra bên ngoài Trung Quốc", ông Wang tuyến bố.

Tuy nhiên, lý do này cũng bị cho là thiếu thuyết phục, bởi trước đó rất nhiều thương hiệu đã mang smartphone hỗ trợ mạng 4G đến Việt Nam trước khi các nhà mạng triển khai hạ tầng mới.

Theo Zing

Các tin cũ hơn