Trang The Guardian đưa tin, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã phát minh ra một loại kính mới có thể tự gắn liền với nhau sau khi bị rạn nứt.
Tên của loại kính này là polyether-thioureas, nó được làm từ chất liệu polymer, trọng lượng của nó rất nhẹ. Với loại kính này có thể dùng tay ép vào với nhau thì mặt kính sẽ tự liền mà không cần dùng đến nhiệt độ cao.
Loại kính làm từ polymer có thể sẽ dùng làm màn hình điện thoại. |
Nghiên cứu này được công bố trên trang Science, đứng đầu nhóm nghiên cứu là giáo sư Takuzo Aida của Đại học Tokyo cho rằng loại kính này có thể sử dụng làm màn hình điện thoại và các thiết bị điện tử khác tương tự.
Trong khi màn hình bằng cao su và nhựa đã được phát triển, các nhà nghiên cứu cho rằng loại kính này là vật liệu đầu tiên có thể tự lành lại ở môi trường bình thường.
Trong báo cáo nghiên cứu các nhà khoa học viết: "Tính chất cứng và khả năng tự gắn liền có khuynh hướng loại bỏ nhau, nhưng một số chất liệu cứng có khả năng tự liền đã được phát triển trước kia. Phải ở nhiệt độ cao từ 120°C trở lên thì những vật liệu này mới có thể gắn liền được với nhau".
Tuy nhiên loại vật liệu bằng polymer mới này lại khác, chỉ cần dùng tay nén bề mặt bị vỡ vào nhau chúng có thể liền được.
Theo Đất Việt