Apple đã có dấu hiệu cho thấy việc kinh doanh không mấy khả quan tại quốc gia đông dân nhất thế giới khi sụt giảm tới 19,9% trong quý IV/2018, theo báo cáo từ IDC. Mức giảm này khá cao dù hãng đã chiều lòng người dùng tại đây, như hạ giá bán iPhone đời mới hay trước đó là ra mắt phiên bản hai sim vật lý.
Doanh thu iPhone ngày càng đi xuống tại Trung Quốc. Ảnh: Chinadaily. |
Tháng trước, CEO Apple Tim Cook cho biết một trong những nguyên nhân khiến doanh số iPhone trong quý cuối 2018 không như mong đợi là nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc thấp. Số liệu về doanh số - niềm tự hào của hãng trước đây - cũng không còn được công bố mỗi quý nữa.
Theo 9to5mac, có nhiều lý do dẫn đến việc Apple ngày càng sụt giảm thị phần tại Trung Quốc, trong đó chủ yếu là sự cạnh tranh khốc liệt từ sản phẩm nội địa. Bảng xếp hạng những hãng smartphone dẫn đầu tại đây đều là của Trung Quốc, đứng đầu là Huawei, tiếp đến là Oppo và Vivo. Xiaomi cũng xếp thứ 5 chỉ ngay sau Apple (thứ tư). Ngay cả Samsung, công ty có thị phần smartphone đứng đầu thế giới, cũng chỉ còn 0,1% tại thị trường này.
Smartphone Trung Quốc hấp dẫn bởi cấu hình mạnh so với giá bán. Người dùng tại đây cũng dần thay đổi thói quen, từ chuộng hàng hiệu chuyển sang ưu tiên tính năng và mục đích sử dụng, cân nhắc một sản phẩm giá tốt thay vì chạy theo iPhone đắt đỏ được tính đến. Đó cũng là lý do thiết bị nội địa ngày càng có chỗ đứng vững chắc hơn. Tất nhiên, giới nhà giàu không ngại chi tiền cho Apple, nhưng xu hướng đang giảm dần.
Cách đây 5-7 năm, nhiều người Trung Quốc coi iPhone là món đồ hạng sang mà ai cũng muốn sở hữu. Nhưng hiện suy nghĩ đó không còn bởi smartphone của Apple mất đi tính đột phá, chỉ còn vài nâng cấp nhỏ giọt. Màn hình lớn hơn, "tai thỏ", cảm biến 3D... chưa đủ và cũng không phải thứ "to tát" để khoe khoang, nhất là khi sản phẩm từ các doanh nghiệp trong nước cũng có.
Người dùng Trung Quốc ngày càng ủng hộ thương hiệu nội địa thay vì nước ngoài. Ảnh: QQ. |
Thiết bị di động từ Trung Quốc cũng nổi trội với camera chất lượng cao như Huawei Mate 20 Pro, P20 Pro, có màn hình tràn viền như Vivo NEX, Oppo Find X hay màn hình gập đầu tiên như Royole FlexPai.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra góp phần tạo thành xu hướng bài trừ hàng Mỹ. Theo Nikkei, nhiều công ty Trung Quốc đã trợ cấp nhân viên nếu chọn điện thoại thông minh của nhà sản xuất trong nước, thậm chí cấm dùng iPhone và sa thải nếu không tuân thủ.
Hệ sinh thái ứng dụng của Trung Quốc cũng tỏ ra vượt trội so với Apple, điển hình là WeChat. Không đơn thuần là một phần mềm, nó là "siêu phần mềm" bởi khả năng tích hợp tất cả trong một, như thanh toán di động, trò chuyện, gọi video, nhắn tin..., khiến hệ điều hành iOS - vốn là điểm hấp dẫn của iPhone - trở nên ít quan trọng hơn.
9to5mac nhận định, khó khăn đang bủa vây Apple tại Trung Quốc, bất chấp là công ty nước ngoài duy nhất nằm trong số 5 nhà sản xuất điện thoại hàng đầu tại nước này. Nếu muốn duy trì vị thế, Tim Cook cần phải làm nhiều hơn để chiều lòng người dùng, trong đó có việc nâng cấp những tính năng đột phá cũng như hạ giá bán.
Theo VNE