Huawei tự tin thắng thầu mạng 5G tại Việt Nam: Chuyên gia công nghệ lên tiếng cảnh báo

Thứ tư, 20/02/2019, 11:11
Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định để Huawei xây dựng mạng lưới 5G.

Mới đây, Tập đoàn Huawei Technologies (Trung Quốc), nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, tự tin về khả năng thắng các gói thầu cung cấp thiết bị xây dựng mạng lưới 5G cho các nhà mạng Việt Nam. Trong khi đó, các thiết bị của hãng này đang khiến các nước phương Tây lo ngại về các rủi ro an ninh.

Được biết, vào tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua dự luật cấm chính phủ Mỹ và các nhà thầu chính phủ sử dụng công nghệ Huawei vì lo ngại về các vấn đề an ninh.

Giám đốc điều hành, ông Fine Fan khẳng định Huawei không thể bị đánh bại về chất lượng và chi phí khi đấu thầu tại Việt Nam. Đây là điều đã được biết trước khi Huawei luôn có lợi thế về chi phí có giá hợp lý so với các doanh nghiệp công nghệ viễn thông 5G khác trên thế giới.

Nhận định về khả năng thắng thầu của Huawei trong vực xây dựng mạng lưới 5G tại Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế, công nghệ - thông tin trong nước đều cho rằng, doanh nghiệp Trung Quốc này có quá nhiều lợi thế và ưu điểm, đặc biệt là trong vấn đề chi phí giá rẻ.

Bốt quảng cáo công nghệ 5G của Huawei tại một hội chợ ở Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 9/2018. (Ảnh: Reuters)

Theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, các giải pháp của Trung Quốc thường tận dụng lợi thế về giá cả nên khả năng cạnh tranh rất cao khi tham gia đấu thầu.

Tuy nhiên, ông Liên nhận định, bên cạnh giá cả thì các tiêu chí khác cũng cần được xem xét như tiêu chuẩn, chất lượng, hỗ trợ, an toàn thông tin. “Chúng ta phải bao quát hết các yêu cầu đó, phải nghiên cứu, suy xét thật kỹ trước khi quyết định. Nếu chúng ta lựa chọn một cách vội vàng hoặc vì giá rẻ mà lựa chọn sẽ có nhiều thiệt hại", ông Liên nói.

Giá cả chỉ là một trong các yếu tố để đánh giá tổng hòa mục tiêu đạt được làm cơ sở cho quyết định lựa chọn. Việt Nam có thể phải có sự đánh đổi giữa cái được và cái mất. Tất nhiên lựa chọn nào thì cũng có cái lợi thế, cái bất lợi cho ngắn hạn, cho dài hạn. Vì vậy, lựa chọn đã tối ưu hóa mục tiêu rồi cũng vẫn phải có biện pháp phát huy cái lợi và hạn chế bất lợi.

Trong thời gian gần đây, Tập đoàn công nghệ Huawei vướng phải rất nhiều thông tin tiêu cực liên quan tới vấn đề an ninh, cài đặt thêm phần mềm gián điệp hoặc đánh cắp thông tin người dùng. Nhiều thông tin lo ngại, các sản phẩm của Huawei khi áp dụng công nghệ 5G tại Việt Nam sẽ không an toàn.

Nhận định về ý kiến trên, Chủ tịch Hiệp hội Internet cho rằng, chúng ta cần có biện pháp để chủ động đánh giá. Các thông tin đưa ra đều phải được quan tâm nhưng cũng không để ý đồ riêng của mỗi bên chi phối. Mọi nhận định nào đó đều phải có kiểm chứng và trải nghiệm.

“Các quốc gia đều có cách đánh giá dựa vào các tiêu chí khác nhau, các nước phương Tây có tiêu chí, đánh giá riêng của mình. Việt Nam cũng vậy, có một số điều kiện, và tiêu chí khác nhau. Nên mọi thông tin phải được kiểm chứng và trải nghiệm. Chúng ta cần chủ động đánh giá. Các thông tin đưa ra đều phải được quan tâm nhưng cũng không để ý đồ riêng của mỗi bên chi phối”, ông Liên nói.

Ông Liên nói, khi trao quyền lợi cho Huawei, cơ quan quản lý của Việt Nam phải tính được cái được và cái mất. Trong đó tính được liệu cái mất có lớn không thì mới quyết định chọn Huawei.

Vị chuyên gia này mong là các chuyên gia nhà nghề, các công ty chuyên ngành, các cơ quan hữu trách của Việt Nam có nghiên cứu, đánh giá và hỗ trợ cho chuyển giao công nghệ để đảm bảo an ninh, an toàn.

Ngoài ra, ông Liên cho hay, về các dự án về 5G nói riêng và ICT nói chung, lâu nay Việt Nam chỉ nhìn đến nhập khẩu công nghệ. Vì vậy chúng ta cần tính đến sản xuất trong nước và nền công nghiệp ICT của Việt Nam.

"Đấu thầu và lựa chọn công nghệ lúc này phải lường đến học hỏi, trải nghiệm, R&D, lường trước cơ hội thị trường cho sản phẩm Việt Nam", ông Liên lưu ý.

Một số chuyên gia khác cũng cho rằng Việt Nam khi lựa chọn công nghệ hay thiết bị viễn thông nước ngoài vào thị trường trong nước cần tính toán kỹ lưỡng.

Trước đó, Huawei từng là nhà cung cấp thiết bị mạng lưới 2G và 3G lớn nhất ở Việt Nam dù công ty này tụt lại đằng sau khi Việt Nam chuyển sang mạng 4G. Giám đốc điều hành, ông Fine Fan nói: “Chúng tôi sẽ tập trung trao đổi thông tin tốt hơn với các nhà mạng và Chính phủ Việt Nam về phát triển mạng 5G”.

Theo VTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích