App tránh thai, tin hết không?

Thứ năm, 01/08/2019, 13:17
Từ lâu, phụ nữ đã biết theo dõi kinh nguyệt để tính ngày tránh thai, song với sự phát triển của công nghệ, kinh nghiệm này được khai thác theo góc độ khoa học và “hiện đại” hơn bằng ứng dụng (app).

App tránh thai (Ảnh: Natural Cycles)

Các phương pháp nhận biết khả năng sinh sản (Fertility awareness methods - FAM) và các app đang trở nên "hot". Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đang có nhiều khuyến cáo khi dùng.

Mỹ và EU cùng phê chuẩn

Tháng 8 năm ngoái, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ phê chuẩn app Natural Cycles do công ty Thụy Điển phát triển.

Nhà sản xuất tuyên bố hiệu quả tránh thai của ứng dụng này đạt tới 93%. Liên minh châu Âu (EU) cũng đã phê chuẩn Natural Cycles là biện pháp tránh thai từ một năm trước đó.

Số lượng app giống như Natural Cycles đang nở rộ như nấm sau mưa.

Dĩ nhiên ứng dụng nào cũng khẳng định ưu thế về hiệu quả và sự tiện dụng. Hiện có khoảng 100 ứng dụng theo dõi sinh sản trên thị trường, như Ovia, Glow, Kindara...

Tuy nhiên ngay tại Thụy Điển vẫn còn những tranh cãi liên quan tới app này.

Trong tháng 1-2018, Bệnh viện đa khoa Nam Stockholm xác minh được 37 trường hợp mang thai ngoài ý muốn đang sử dụng app Natural Cycles.

Số này chiếm 5,5% những người muốn phá thai trong 4 tháng cuối cùng của năm 2017. Sự việc đã buộc Cơ quan Vật phẩm y tế Thụy Điển phải điều tra về app tránh thai Natural Cycles.

Sau đó, tới tháng 8-2018, một lần nữa ứng dụng tránh thai này lại vướng rắc rối khi cơ quan thẩm định tiêu chuẩn quảng cáo Anh tuyên bố điều tra về hoạt động tiếp thị của công ty Thụy Điển phát triển ứng dụng Natural Cycles sau khi nhận 3 đơn khiếu nại về các nội dung quảng cáo được trả tiền trên Facebook.

Các đơn kiện phản ứng việc quảng cáo nói app Natural Cycles là "lựa chọn thay thế cho các phương pháp tránh thai đã được thử nghiệm lâm sàng", trong khi thực tế không phải.

Nguyên lý hoạt động của "app sinh sản"

Theo trang The Conversasion (Úc), mặc dù sau khi rụng khỏi buồng trứng mỗi tháng, trứng chỉ tồn tại trong 24 giờ, nhưng tinh trùng lại có thể sống được trong 5 ngày hoặc hơn trong tử cung và ống dẫn trứng.

Theo đó, về lý thuyết mỗi tháng phụ nữ có khoảng 6 ngày có khả năng "dính bầu" cao nhất.

Thời điểm "cửa sổ dính bầu" này có thể mở rộng hơn tới 5 ngày trước lúc rụng trứng và 1 ngày sau khi rụng. Thách thức ở đây là việc dự đoán chính xác khi nào việc rụng trứng xảy ra.

Các phương pháp tính thời điểm trứng rụng theo lịch phụ thuộc hoàn toàn vào độ dài vòng kinh của mỗi người và quan niệm mặc định cho rằng thời điểm rụng trứng xảy ra trước chu kỳ tiếp theo 14 ngày.

Tuy nhiên vì độ dài chu kỳ cũng như thời điểm rụng trứng khá linh hoạt và khác nhau ở mỗi người, nên cách tránh thai chỉ dựa vào ngày rụng trứng tỏ ra kém hiệu quả so với các phương pháp khác có bổ sung những thông tin khác. Đây là chỗ để các app "nhảy vào".

Để có thông tin cho các app, người dùng sẽ phải sử dụng chiếc nhiệt kế chuyên dụng đo thân nhiệt cơ bản trong âm đạo mỗi sáng.

Nhiệt kế sẽ theo dõi mức nhiệt tăng nhẹ sau thời điểm rụng trứng. Tuy nhiên, tình trạng đau ốm hay uống rượu khuya cũng có thể ảnh hưởng tới chỉ số này.

Tùy theo mỗi app, số ngày được cảnh báo nên kiêng chuyện ấy có thể khác nhau. Chẳng hạn, app Natural Cycles đề nghị khoảng 10 ngày trong mỗi chu kỳ nhưng app "Dot" lại đề xuất 11-13 ngày.

Hiệu quả đến đâu?

Các nghiên cứu của nhà phát triển app Natural Cycles khẳng định hiệu quả tránh thai của ứng dụng này là 93%, tương đương thuốc tránh thai.

Song các nghiên cứu của họ còn đang gây tranh cãi. Bản thân các tác giả nghiên cứu cũng thừa nhận những hạn chế trong việc thu thập dữ liệu chính xác về số trường hợp mang thai ngoài ý muốn khi sử dụng app.

Ngoài ra, việc học cách sử dụng app tránh thai khá phức tạp và không dễ duy trì đều đặn trong thời gian dài.

Đó là chưa kể việc điều chỉnh hành vi tình dục trong đời sống hằng ngày cho phù hợp với những chỉ dẫn của các app là chuyện không đơn giản. Dù thế nào, tình dục còn là cảm xúc, một thứ rất khó và cũng không nên được "lập trình".

Có lẽ vì thế mà theo kết quả một nghiên cứu đăng trên trang NCBI, tỉ lệ bỏ dùng ứng dụng Natural Cycles rất cao. Khoảng 54% phụ nữ đã thôi nó sau một năm.

Chưa có công ty đăng ký ứng dụng app tránh thai tại Việt Nam

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 31-7, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế Nguyễn Đức Vinh cho biết hiện chưa có công ty nào đăng ký ứng dụng "app tránh thai" tại VN.

Các bác sĩ hiện đang tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ các biện pháp tránh thai truyền thống, tùy vào cơ địa của bệnh nhân như vòng tránh thai, uống thuốc tránh thai, dùng bao cao su, thuốc tiêm hay cấy tránh thai, miếng dán tránh thai...

"Về cơ chế tôi cho rằng việc theo dõi tránh thai qua app tương tự như các app theo dõi huyết áp hay tim mạch, nếu có công ty nào đăng ký lưu hành app tránh thai tại VN, chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng về hiệu quả sử dụng và xem xét có cho phép lưu hành hay không"- ông Vinh cho biết.

Không biện pháp nào hiệu quả hoàn toàn

BS CKII Phạm Thị Hải Châu - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) - cho hay trên thực tế, thông qua kết quả mức tăng thân nhiệt của người phụ nữ trong thời điểm rụng trứng, app tránh thai không những được các phụ nữ không muốn có con áp dụng mà còn có các phụ nữ mong muốn có con.

Trong lĩnh vực sản khoa, các bác sĩ cũng hướng dẫn những khách hàng mong muốn có con tham khảo kết quả app tránh thai, app tính chu kỳ kinh nguyệt nhằm giúp họ biết được những ngày rụng trứng, mang lại tỉ lệ thụ thai cao hơn.

Tuy nhiên, đối với những cặp vợ chồng lên kế hoạch tránh thai thì không nên tin tuyệt đối vào những app này vì tỉ lệ thất bại rất cao, độ tin cậy lại thấp... do không thể đưa ra kết quả chính xác thời điểm rụng trứng của chu kỳ kinh nguyệt.

Tương tự, ThS.BS Nguyễn Thị Tình (chuyên gia sản khoa) cũng cho rằng không có biện pháp tránh thai nào hiệu quả 100% và đã có nhiều trường hợp mang thai ngoài ý muốn xảy ra mặc dù họ cho biết đã sử dụng biện pháp tránh thai.

Riêng đối với phương pháp tránh thai bằng app tránh thai, dù sau khi cung cấp các thông tin cần thiết để cho ra kết quả thì kết quả này cũng chỉ mang tính chất tham khảo, không nên tin tưởng hoàn toàn.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích