New York Times viết gì về Huawei và câu chuyện 5G ở Việt Nam?

Thứ sáu, 19/07/2019, 13:31
New York Times viết: "Ngày nay, ngay cả các cộng đồng miền núi, ven biển và hải đảo xa xôi cũng có 4G. Chính phủ Việt Nam cho biết họ muốn các kết nối 5G sẵn sàng vào năm tới, hy vọng rằng Internet cực nhanh sẽ tạo ra một cú hích cho sự phát triển kinh tế".

Cuộc chiến giành quyền thống trị khoa học công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang phân cực thế giới.

Các đồng minh của Mỹ như Anh và Đức đã báo hiệu rằng họ khó có thể ủng hộ nỗ lực của Washington để ngăn chặn các quốc gia hợp tác với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei. Úc đã cấm công ty này xây dựng mạng điện thoại di động 5G, mặc dù nền kinh tế của nước này phụ thuộc khá lớn vào Trung Quốc. Hàn Quốc và Philippines thì không cấm, mặc dù có những xích mích trong quá khứ với Trung Quốc.

Thoạt nhìn, nhiều người có thể lầm tưởng rằng Việt Nam sẽ nghiễm nhiên là khách hàng của Huawei. Nền kinh tế Việt Nam gắn liền với Trung Quốc, tuy nhiên, các nhà mạng di động Việt Nam dường như sẽ không điền tên Huawei vào kế hoạch 5G của họ.

Trên toàn thế giới, chính quyền Trump tấn công vào công ty Trung Quốc, biến việc mua thiết bị viễn thông từ một quyết định kinh doanh thành một vấn đề địa chính trị - một phép thử cho lòng trung thành của đồng minh.

Tại Đông Nam Á, Huawei đã được chào đón rộng rãi bởi một số quốc gia. Công ty này đã mở một trạm thử nghiệm 5G tại Thái Lan trong năm nay. Bộ trưởng truyền thông của Indonesia gần đây đã nói với Reuters rằng chính phủ không nên "làm quá" về vấn đề Huawei, trong khi Thủ tướng Malaysia nói rằng đất nước của ông sẽ sử dụng công ty công nghệ này càng nhiều càng tốt.

Trái lại, tại Việt Nam, các nhà mạng di động lớn đã hợp tác 5G với Ericsson và Nokia, thay vì với Huawei. "Viettel không sử dụng thiết bị Huawei trong mạng 4G hiện tại, dù Việt Nam chưa bao giờ cấm các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam sử dụng thiết bị Trung Quốc", ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times.

"Điều đó có nghĩa là Viettel và Huawei vẫn có thể hợp tác vào một ngày nào đó", ông Thắng nói. "Trong tương lai, chúng tôi không biết trước điều gì".

Rất nhiều công ty công nghệ Trung Quốc có sự hiện diện tại Việt Nam. Dọc các con phố Hà Nội, các cửa hàng điện thoại di động vẫn đang quảng cáo các thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Vivo.

Khi Viettel bắt đầu xây dựng mạng 3G cách đây một thập kỷ, họ đã ký thỏa thuận với Huawei và một nhà cung cấp khác của Trung Quốc, ZTE, theo công ty nghiên cứu TeleGeography.

Các nhà quan sát kỳ vọng rằng các nhà mạng Việt Nam sẽ thận trọng khi ký các thỏa thuận 5G thương mại. Toàn thế giới cần phải cẩn thận với Trung Quốc. Nếu một siêu cường như Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh mạng, thì dĩ nhiên các quốc gia khác cũng không nên lơ là.

Vùng phủ sóng Internet di động đã tăng nhanh ở Việt Nam và chính phủ đang nỗ lực phát triển mạng lưới của mình hơn nữa. Ngày nay, ngay cả các cộng đồng miền núi, ven biển và hải đảo xa xôi cũng có 4G. Chính phủ Việt Nam cho biết họ muốn các kết nối 5G sẵn sàng vào năm tới, hy vọng rằng internet cực nhanh sẽ tạo ra một cú hích cho sự phát triển kinh tế.

"Viettel đã phát triển phần mềm và thiết bị của riêng mình trong nhiều năm và sử dụng tới 300 kỹ sư nghiên cứu và phát triển", ông Thắng nói. Viettel đã thiết kế và xây dựng các trạm gốc của riêng mình, nơi trao đổi tín hiệu vô tuyến với điện thoại di động và hệ thống máy tính của riêng họ để thanh toán cho khách hàng.

Hầu hết các nhà mạng sẽ mua những thứ này từ các nhà cung cấp bên ngoài như Ericsson hoặc Huawei. Ông Thắng cho biết Viettel đã triển khai khoảng 1.000 trạm gốc 4G tự sản xuất trên khắp Việt Nam, Campuchia và các quốc gia khác, và lý do quan trọng nhất để Viettel phát triển phần mềm của riêng mình là vì như vậy họ có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích