|
Google hiện nắm giữ 94,27% thị phần tìm kiếm tại Việt Nam, theo thống kê tháng 6/2019 của StatCounter. (Ảnh: inquirer.com) |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi gặp gỡ với cộng đồng công nghệ thông tin - truyền thông phía Nam. Tại đây, ông khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng một mạng xã hội mới, công cụ tìm kiếm mới. “Các doanh nghiệp công nghệ thông tin, startup Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển một hệ sinh thái, triết lý và mô hình kinh doanh mới không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả thế giới”, ông Hùng định hướng.
Đây là một quyết tâm đòi hỏi nhiều nỗ lực. Bởi vì rất nhiều công cụ tìm kiếm Việt từng một thời tuyên chiến với Google nhưng cho đến nay vẫn chưa có một công cụ tìm kiếm nào đủ sức theo đuổi cuộc cạnh tranh không cân sức này.
Nhiều năm trước, hàng loạt công cụ tìm kiếm của Việt Nam ra đời như một phong trào “tìm kiếm Việt”, trong đó có những cái tên như Socbay, Xa Lộ, Tìm Nhanh... Điểm chung của các công cụ tìm kiếm Việt Nam này là nhắm vào các thị trường ngách mà Google chưa tham gia. Chẳng hạn, Socbay đi vào mảng tìm kiếm nhạc, phim, ảnh, rao vặt... Xa Lộ có các tìm kiếm về tin tức, blog, diễn đàn, nội dung về y tế, tài chính, bất động sản, thể thao, du lịch. Trong khi đó, Tìm Nhanh lại có thế mạnh về tìm kiếm tin tức... Ngoài ra còn có các công cụ như Zing Search, Bamboo, 7sac...
Mặc dù rất tâm huyết và nỗ lực nhưng tất cả các công cụ này cho đến nay đều biến mất vì không đủ nguồn lực tài chính để mở rộng hoạt động và bị bóp chẹt dưới sức ép của Google. Trong khi đó, Google ngày càng bành trướng và mở rộng hệ sinh thái khổng lồ với Google Maps, Google Translate, Google Docs...
Alphabet, công ty mẹ của Google, công bố tăng trưởng doanh thu trong quý I/2019 lên tới 36,3 tỉ USD, trong đó, doanh thu từ mảng quảng cáo trực tiếp trên Google tăng thêm 30,7 tỉ USD, khoảng 15%. Theo số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2019, doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam ước khoảng 648 triệu USD, trong đó Facebook chiếm 275 triệu USD, Google 174,9 triệu USD, các đơn vị trong nước chiếm chỉ 180,9 triệu USD.
Doanh thu quảng cáo trực tuyến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh lên 760 triệu USD vào năm 2020 nhưng riêng Facebook và Google dự báo vẫn sẽ chiếm thị phần lớn với hơn 512 triệu USD. Đây là một thách thức thực sự với các công cụ tìm kiếm tiếp theo của người Việt nếu có ý định cạnh tranh giành thị phần tìm kiếm với những người khổng lồ như Google.
Có lẽ động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển các công cụ tìm kiếm của người Việt khi thế giới công nghệ chứng kiến sự thất bại của Google ở một số thị trường như Nga, Trung Quốc... Chẳng hạn, trước thời điểm bị đánh bật khỏi Trung Quốc năm 2010, dù đã rất cố gắng, Google chưa bao giờ chiếm được quá 30% thị phần tìm kiếm tại đất nước tỉ dân này. Tại Nga, dù Google không bị cấm chặn như Trung Quốc nhưng công cụ tìm kiếm nội địa Yandex vẫn chiếm thị phần cao hơn Google.
Hiện nay, tại Việt Nam, chỉ còn lại một vài sản phẩm tìm kiếm tương đối đặc thù như Websosanh và Sosanhgia. Theo thống kê tháng 6.2019 trên StatCounter, Google hiện vẫn giữ vị trí số 1 với 94,27% thị phần tìm kiếm. Đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng về thị phần tìm kiếm là Cốc Cốc với chỉ 3,53%. Đại diện của Google từng cho biết đang tìm hiểu các bước để mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Các con số cho thấy, Google vẫn là sức hút đối với doanh nghiệp và cả người dùng Việt Nam.
Vì vậy, Google vẫn sẽ thống trị thị phần tìm kiếm Việt Nam nhưng cơ hội cho các công cụ tìm kiếm do người Việt phát triển vẫn có. Đặc biệt khi các doanh nghiệp như Google và Facebook, đang có doanh thu rất lớn tại Việt Nam, phải hoạt động tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, có nghĩa vụ đóng thuế bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước.
Trong số các công cụ tìm kiếm Việt đang hoạt động đáng chú ý có Cốc Cốc với kết quả tìm kiếm giống kết quả Google. Công ty này cũng huy động vốn đầu tư từ Tập đoàn Hubert Burda Media (HBM), Yandex, Mail.ru Group hay Digital Sky Technologies.
Cốc Cốc mới đây còn ra mắt giao diện Newtab 4.0 với sự hợp tác cùng Yandex, tích hợp trí tuệ nhân tạo giúp cá nhân hóa nội dung người dùng. Bên cạnh đó là định dạng quảng cáo cao cấp mới mang tên Magnetic Masthead. Bà Đào Thu Phương, Giám đốc Điều hành của Cốc Cốc, nói rằng: “Việc ra mắt một tính năng đề xuất tin tức phù hợp theo sở thích người dùng là bước đi chiến lược của Cốc Cốc, phục vụ mục đích trở thành trình duyệt tiện lợi nhất dành cho người dùng Việt”.
Hướng đi của Cốc Cốc cho thấy, các công cụ tìm kiếm mới của Việt Nam vẫn sẽ đi vào thị trường ngách, nếu thành công thì phần nào cũng cạnh tranh với Google Việt Nam. Đồng thời cho thấy quyết tâm phát triển một công cụ tìm kiếm của Việt Nam là khả thi, chứ không chỉ là một hoài bão viển vông.
Theo NCĐT