TikTok bỏ mác “ứng dụng Trung Quốc” bằng cách nào?

Thứ năm, 26/12/2019, 17:08
Theo Bloomberg, ByteDance đang cân nhắc việc bán cổ phần TikTok cho các đối tác tại Mỹ.

Mạng xã hội TikTok đang là một trong số ít những hiện tượng công nghệ của Trung Quốc tạo ra được ảnh hưởng trên toàn cầu. Nhưng ngược lại, chính phủ Mỹ lại đang coi đây là một mối đe doạ an ninh.

Và cứ khi nào Mỹ cảm thấy đây là mối đe doạ, đó trở thành vấn đề. Mạng xã hội có trụ sở tại Bắc Kinh đang phải đưa ra một loạt giải pháp để giải quyết tình trạng này. Một cách được đưa ra đó là tách hoạt động của TikTok ra khỏi công ty mẹ ở Trung Quốc.

Và để làm được điều này, cần phải bán cổ phần của TikTok cho các đối tác bên ngoài. Số lượng cổ phần cần bán vào khoảng trên 50% ước tính có giá trị hơn 10 tỷ USD.

Sau khi bán bớt cổ phần của TikTok, ByteDance vẫn có quyền kiểm soát doanh nghiệp và vẫn thu được lợi nhuận vì mạng xã hội này đang có số lượng người dùng rất lớn và lợi nhuận vẫn trên đà tăng. Khi đó chính phủ Mỹ cũng không thể coi TikTok là mối đe doạ an ninh vì mạng xã hội không còn liên quan đến công ty Trung Quốc về mặt pháp lý.

Tới nay, TikTok đã có 4 nhà đầu tư lớn là SoftBank, Group Corp, Sequoia Capital và Susquehanna International Group.

Nhờ TikTok, ByteDance đã trở thành một startup có giá trị nhất thế giới. Họ có tới hon 1 tỷ người dùng, phần lớn là người trẻ. Tới khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, các chính trị gia Mỹ đã lên tiếng cảnh báo ứng dụng này là một mối đe doạ an ninh và kêu gọi thực hiện điều tra.

Các nghị sỹ cho rằng, các ứng dụng có liên quan đến Trung Quốc đều được sử dụng như một công cụ tích luỹ dữ liệu người dùng.

Ở Mỹ, trước đây TikTok có tên Musical.ly. Tới năm 2017 mới đổi tên thành TikTok vì ByteDance mua lại với giá 800 triệu USD. ByteDance là một công ty Trung Quốc đã mua lại một dịch vụ ở Mỹ nhưng lại không xin ý kiến của Uỷ ban Đầu tư nước ngoài, trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ.

ByteDance khi đó coi việc xin ý kiến là không cần thiết vì bản thân Musical.ly khi đó cũng là một sản phẩm Trung Quốc, đây chỉ là thoả thuận giữa 2 công ty Trung Quốc với nhau.

Uỷ ban Đầu tư nước ngoài là một đơn vị thật sự có vai trò lớn trong các thương vụ liên quan đến nước ngoài của các công ty Mỹ. Vào tháng 1/2018, công ty công nghệ Kunlun của Trung Quốc đã mua lại ứng dụng hẹn hò đồng tính Grindr. Ứng dụng này được phát triển tại Mỹ, của công ty Mỹ nên đến tháng 5/2018, Uỷ ban Đầu tư nước ngoài đã buộc Kunlun phải thoái hết vốn muộn nhất vào tháng 6/2020 vì thoả thuận này sẽ cho phép người nước ngoài có thể truy cập vào các dữ liệu nhạy cảm.

Trường hợp của TikTok, họ có thể lập luận rằng dữ liệu người dùng ít nhạy cảm hơn và những dữ liệu này chỉ nằm trong công ty con là TikTok, không ở ByteDance.

Nhưng từ góc độ kinh doanh, bán cổ phần vẫn là lựa chọn tốt. Vừa tranh thủ được thời điểm TikTok đang phát triển tốt, vừa tránh được nguy cơ chính quyền Tổng thống Trump áp lệnh cấm vận lên mạng xã hội này.

ByteDance chỉ muốn các nhà đầu tư của mình mua cổ phần, không cần họ trở thành đối tác hay nhà đầu tư chiến lược. Điều này giống với cách các công ty truyền thông hay công ty âm nhạc huy động vốn và tác dụng của nó là tránh các xung đột nội bộ trong tương lai.

Dù mọi người đều biết đến TikTok là ByteDance, nhưng công ty mẹ này còn nhiều mảng kinh doanh khác, không chỉ có mạng xã hội TikTok. Công ty này được thành lập từ năm 2012 với nhận lực chính là các kỹ sư trí tuệ nhân tạo. Đây cũng là công ty có sản phẩm lớn ở Trung Quốc mà không phụ thuộc vào Alibaba và Tencent. Năm ngoái lợi nhuận của công ty mẹ đã đạt 75 tỷ USD.

Các quan chức Mỹ thì đều không yên tâm vì việc mạng xã hội này được dùng bởi rất nhiều trẻ em Mỹ, TikTok hoàn toàn có thể biết các thành viên của mạng xã hội này đang ở đâu, nghe trộm các cuộc nói chuyện, thậm chí lén chụp ảnh, quay phim gửi về máy chủ.

TikTok phản biện rằng toàn bộ dữ liệu người dùng của họ chỉ được lưu tại Mỹ và có một bản sao tại Singapore. Mọi dữ liệu của mạng xã hội này đều nằm ngoài Trung Quốc và không chịu sự quản lý của pháp luật Trung Quốc.

Nhưng dù có bán cổ phần, thực hiện mọi biện pháp kỹ thuật, quản lý để cách ly khỏi Trung Quốc, vẫn chưa chắc điều này sẽ thuyết phục được Mỹ không coi TikTok là một sản phẩm liên quan trực tiếp đến Trung Quốc.

Bloomberg dự đoán nếu bán cổ phần, TikTok sẽ tiến hành IPO tại Mỹ hoặc Hồng Kông. Ngoài ra công ty này vẫn cần tăng cường hoạt động quốc tế. Bù lại họ sẽ có nhiều tiền mặt hơn và trì hoãn được việc kêu gọi vốn thêm.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích