Yếu tố nào sẽ định hình hướng phát triển của ngành công nghệ thế giới trong năm 2020?

Thứ hai, 30/12/2019, 10:08
Việc Mỹ chặn không cho các công ty Trung Quốc như Huawei hay công ty trí tuệ nhân tạo SenseTime, Megvii và Yitu tiếp cận với công nghệ Mỹ đồng nghĩa với việc tương lai của ngành công nghệ sẽ gặp khó.

Thuật ngữ được nhớ nhất và quan trọng nhất trong năm 2019 sẽ là “danh sách đen”, bản danh sách mà Bộ Thương mại Mỹ đã xếp hàng chục công ty Trung Quốc vào nhóm này, cấm họ không được mua hàng hóa có xuất xứ Mỹ. Công nghệ chịu tác động nặng nề trong chiến tranh thương mại.

Việc Mỹ chặn không cho các công ty Trung Quốc như Huawei hay công ty trí tuệ nhân tạo SenseTime, Megvii và Yitu tiếp cận với công nghệ Mỹ đồng nghĩa với việc tương lai của ngành công nghệ sẽ gặp khó với đối đầu trong địa chính trị và thương mại. Trong năm 2020 và sau đó nữa, sự phát triển của ngành công nghệ sẽ rối ren và bất ổn hơn, người tiêu dùng cũng như các công ty công nghệ sẽ phải chịu tác động tiêu cực.

Hoạt động triển khai công nghệ mạng thế hệ thứ 5 hay còn gọi là 5G hiện đang được rất nhiều nước quan tâm. Chính phủ Mỹ, Nhật, Australia và New Zealand đã cấm sử dụng sản phẩm 5G của Huawei dựa trên quan điểm bảo vệ an ninh quốc gia. Trong khi đó Anh, Pháp và Đức hoặc đã cấm Huawei không tham gia vào hệ thống 5G của họ hoặc tăng cường các chuẩn mực an ninh.

Để hạn chế ảnh hưởng của Huawei trên toàn cầu, Mỹ được cho là đã bơm tiền cho một số đối thủ của Huawei tại châu Âu. Công ty Trung Quốc này mặt khác đã hai lần kiện Mỹ trong năm nay, đồng thời mở rộng số hợp đồng thương mại 5G lên 60 hợp đồng trong toàn cầu, chủ yếu tại những nước mà Mỹ có ít ảnh hưởng.

Trí tuệ nhân tạo hiện cũng là một trọng tâm khác của sự đối đầu này. Vào đầu tháng 12/2019, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự thảo luật buộc tội Trung Quốc đối xử tệ với người Duy Ngô Nhĩ với sự trợ giúp của hệ thống camera được vận hành bởi trí tuệ nhân tạo (AI) với công nghệ nhận diện khuôn mặt. Dự thảo này tạo tiền đề để Mỹ có động thái về chính trị trong năm 2020 và sau đó nữa.

Mỹ nhiều khả năng sẽ tấn công các công ty AI của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự mở rộng của nhóm các công ty này trên phạm vi toàn cầu. Sự tăng trưởng quá nhanh của nhóm các công ty kể trên tiềm ẩn khả năng làm giảm tự do trên toàn cầu bởi việc áp dụng quá nhiều các biện pháp giám sát thông qua hệ thống camera. Cũng giống như Huawei, các công ty AI của Trung Quốc sẽ không ngừng mở rộng ra toàn cầu và khiến cho sự chia rẽ trong ngành công nghệ ngày một tồi tệ hơn.

Kỹ thuật tổng hợp hình ảnh con người dựa trên trí tuệ nhân tạo (deepfake) nhiều khả năng sẽ khiến cho nhà chức trách nhiều nước đưa ra thêm biện pháp kiểm soát do lo ngại về chính trị. Trung Quốc đã công bố lệnh cấm đưa tin video có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Về phần mình, phía Mỹ sẽ mất nhiều thời gian hơn để đưa ra chính sách quốc gia về vấn đề này, chính sách sẽ tập trung vào nghiên cứu tác động của deekfake lên quá trình dân chủ của nước Mỹ. Dù rằng người ta cần đến một khung chính sách quản lý toàn cầu, nhiều khả năng sẽ không có đủ sự kết hợp.

Bên cạnh 5G và Ai, gần như mọi lĩnh vực của ngành công nghệ trong tương lai, ví như Internet vạn vật, thành phố thông minh và xe ô tô tự lái cũng sẽ chịu tác động của công nghệ và địa chính trị cũng như sự đối đầu về đạo đức và giá trị, xu thế này dự kiến sẽ trở nên thịnh hành trong năm 2020.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn