|
Viễn cảnh 5G vẫn nằm ở tương lai hơn là hiện tại |
Vào đầu năm 2019, các hãng công nghệ đua nhau vẽ ra viễn cảnh 5G. Nhà mạng Verizon nói về các ứng dụng khác nhau của 5G tại CES. Một số nhà mạng khác nâng cấp lên 5G ngay từ cuối năm 2018 với nhiều hứa hẹn và dự đoán to lớn. Nhưng năm 2019 đã trôi qua, dù có thêm nhiều nhà mạng nâng cấp lên 5G nhưng hầu hết người tiêu dùng vẫn chưa thể sử dụng nó. Một số khách hàng may mắn có dịp dùng thử 5G nhưng thật ra họ chỉ là “chuột bạch” để các nhà mạng và nhà sản xuất điện thoại thử nghiệm.
Giữa năm nay, chỉ một số ít nhà mạng ở Mỹ đưa 5G đi vào hoạt động với phạm vi cực kỳ hạn chế. Ở các nước khác, dù có nhiều hứa hẹn nhưng tình trạng cũng không khá hơn, trừ Hàn Quốc. Thực tế, phạm vi phủ sóng 5G đã mở rộng với tốc độ truy cập tốt hơn so với nền tảng 4G, nhưng các mẫu smartphone 5G hầu hết đều có mức giá cao, thời lượng pin hạn chế và bị giới hạn ở một số băng tần 5G nhất định đã cản trở các nỗ lực “phổ cập 5G” mà nhiều nhà mạng đang nghĩ tới.
Theo CNET, việc coi 5G là yếu tố “thay đổi cuộc chơi” trong năm 2019 là một sai lầm, bởi nó đã không xảy ra như dự báo. Sự ra mắt mạnh mẽ nhưng có dấu hiệu nửa vời của 5G trong năm nay cho thấy, ngành công nghiệp không dây vẫn đang ở chế độ thử nghiệm và người dùng là những con chuột bạch không hơn không kém. Do nôn nóng trở thành những kẻ dẫn đầu, các nhà mạng đã làm người dùng tổn thương với nhiều hứa hẹn không trở thành sự thật.
Đúng, tốc độ mạng 5G có thể nhanh gấp 100 lần mạng 4G, nhưng thực tế cách xa cam kết đó vì giới hạn băng thông. Maribel Lopez, nhà phân tích của Lopez Research cho rằng: "Các nhà mạng từng vẽ ra viễn cảnh 5G sẽ thống trị thế giới vào năm 2019 hoặc 2020, nhưng thực tế chỉ mới một vài mẫu điện thoại hỗ trợ kết nối này và nó cũng chỉ mới được thử nghiệm giới hạn ở vài thành phố”.
Do vậy, vào năm tới, chúng ta sẽ cùng hy vọng các nhà mạng không còn chạy đua để trở thành nhà cung cấp đầu tiên mạng 5G, thay vào đó chỉ đơn giản là nỗ lực cung cấp dịch vụ tương xứng với các cam kết mà họ đã đưa ra trong vài năm qua, bao gồm giá cả phải chăng, tốc độ kết nối cao và các gói tùy chọn linh hoạt.
Dĩ nhiên, chúng ta có lý do để kỳ vọng, khi mà công nghệ 5G đang dần trưởng thành và tiếp tục được nhiều nhà mạng triển khai và nâng cấp, bên cạnh các hãng sản xuất smartphone đang nỗ lực đưa 5G xuống các phân khúc tầm trung.
|
5GE là chuẩn mới?
Việc sớm cung cấp 5G cho người dùng có ý nghĩa rất lớn với nhà mạng AT&T, đến nỗi họ thay đổi cả định nghĩa về mạng 4G. Hồi đầu năm, nhà mạng này đã thay đổi thương hiệu LTE Advanced của mình thành 5GE, với tuyên bố rằng họ đang trên đường chuyển hóa lên 5G. Biểu tượng 5GE xuất hiện trên các điện thoại vốn có biểu tượng 4G trước đây khi sử dụng thuê bao của nhà mạng này.
AT&T nhấn mạnh định hướng 5G theo cách này đã gây ra hiểu nhầm và khiến nhiều người dùng tưởng rằng họ đang được dùng… 5G. Điều này vấp phải sự phản ứng của người dùng và đối thủ Sprint đã khởi kiện khiến AT&T phải giảm bớt các hoạt động tiếp thị về 5GE, trong đó có ghi rõ rằng chữ E đại diện cho “Cuộc cách mạng” (Evolution), nhưng vẫn không tránh khỏi việc gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Năm 2018, Verizon nhanh chóng ăn theo xu hướng 5G bằng tuyên bố ra mắt dịch vụ băng rộng đầu tiên dành cho gia đình. Trên thực tế, công ty đã sử dụng một công nghệ độc quyền “rất giống” 5G, khiến các đối thủ của họ mất ăn mất ngủ. Nhưng kể từ khi tuyên bố chuyển sang chuẩn công nghiệp mới cho dịch vụ gia đình, nhà mạng này đã không có động thái nào mở rộng nó.
Năm 2019, Verizon lại chuyển sang nói về 5G UWB, hay 5G siêu băng rộng, một thuật ngữ ám chỉ 5G của họ thực sự rất nhanh. Nhưng thực tế, khi dịch vụ 5G UWB ra mắt lần đầu ở Chicago, những người thử nghiệm phải sử dụng một bản đồ phủ sóng để tiếp cận và truy cập.
Nhà phân tích Jason Leigh của IDC cho biết, Hàn Quốc đã thành công nhưng "sẽ có một sự thất vọng không thể tránh khỏi. Sẽ luôn có những thách thức hậu cần nghiêm trọng trong việc triển khai 5G tại Mỹ và nhiều quốc gia khác”.
Về phần mình, Verizon thừa nhận rằng vẫn còn quá sớm để triển khai ở phạm vi rộng, nhưng người tiêu dùng, giới doanh nghiệp và chính phủ rất phấn khích trước viễn cảnh 5G. Các ứng dụng của 5G như trải nghiệm Disney Star Wars (qua mạng 5G) đã phần nào tiếp nguồn cho những viễn cảnh mơ mộng đó.
Trong tháng này, hai nhà mạng lớn của Mỹ là T-Mobile và AT&T đều ra mắt mạng 5G sử dụng phổ tần thấp, có nghĩa là có thể phủ sóng 5G ở phạm vi rộng hơn. Tuy nhiên, nhược điểm là tốc độ của 5G ở phổ tần này không thực sự cao, không khác biệt đáng kể so với 4G.
T-Mobile cho biết tốc độ truy cập 5G ở phổ tần này chỉ tăng 20% so với 4G, nhưng phủ sóng ở một phạm vi rộng hơn. Còn AT&T đã ra mắt một mạng sóng ngắn một năm trước với tốc độ truy cập cao, nhưng vẫn giới hạn trong một nhóm khách hàng doanh nghiệp khép kín. Theo nhà mạng này cho biết sóng 5G băng tần thấp của họ cung cấp tốc độ tương tự 5GE, một tốc độ lai giữa 5G và 4G chứ không phải là 5G thực sự.
Trớ trêu thay, Sprint - nhà mạng nổi tiếng với dịch vụ kém ở Mỹ lại đang có mạng lưới phủ sóng 5G mạnh nhất ở một số thành phố của Mỹ. Mạng 5G của nhà mạng này sử dụng phổ tần trung, một sự thỏa hiệp kết hợp giữa tốc độ và vùng phủ sóng. Đây cũng là phổ tần mà hầu hết các quốc gia ngoài Mỹ đang sử dụng. Nhưng với tình hình khó khăn về tài chính và thực tế là họ đang bị T-Mobile sắp bắt kịp, thật khó để coi Sprint là tương lai của 5G ở Mỹ.
Ở phạm vi toàn cầu, chúng ta đã thấy một vài động thái tương tự. Ở Anh và Úc, vùng phủ sóng cũng bị giới hạn dù có những bước nhảy lớn về tốc độ truy cập 5G. Còn ở Hàn Quốc, nơi duy nhất có sự nhất quán về tốc độ lẫn phạm vi phủ sóng, quốc gia này đang đi đầu về phổ cập 5G nhưng đã trở thành ngoại lệ hiếm hoi được coi là thành công bước đầu về triển khai công nghệ mạng mới này.
Kết luận chung của chúng ta cho đến lúc này: 5G đã có một quãng thời gian dài được kỳ vọng nhưng phía trước vẫn còn là một chặng đường gian nan để trưởng thành.
Không nên vội mua điện thoại 5G trong năm nay |
Năm 2020 có thể là thời điểm mạng 5G được mở rộng hơn |