Apple đền 3 USD cho người dùng iPhone 4, 4s

Thứ hai, 04/05/2020, 11:36
Mỗi người dùng iPhone 4, 4s đủ điều kiện sẽ được Apple bồi thường 3 USD vì sự cố phá hỏng tính năng FaceTime năm 2012.

Kết quả này đến từ một vụ kiện tập thể của người dùng iPhone 4, 4s tại Mỹ từ năm 2017, cáo buộc Apple làm thay đổi cơ chế hoạt động của tính năng FaceTime từ năm 2012, khiến những mẫu máy cũ không thể sử dụng tính năng này.

Theo 9to5Mac, hiện có khoảng 3,6 triệu máy iPhone liên quan đến vụ kiện, trong đó, 90% sẽ được đền bù nếu đạt các điều kiện của Apple, như chưa jailbreak, chạy iOS 6 trở xuống và chủ sở hữu máy ở California. Tổng số tiền mà Apple đồng ý chi trả là 18 triệu USD. Sau khi trừ các chi phí của quá trình kiện tụng, mỗi chủ thiết bị sẽ nhận được khoảng 3 USD.

Việc thay đổi tính năng FaceTime khiến Apple phải đền hàng triệu USD cho người dùng.

Sự việc bắt nguồn khi Apple phải thay đổi cơ chế hoạt động của tính năng FaceTime năm 2012 để giảm chi phí. Ban đầu, FaceTime có hai cơ chế hoạt động là ngang hàng và chuyển tiếp. Tuy nhiên, cơ chế "ngang hàng" sau đó bị cáo buộc vi phạm bằng sáng chế của của một công ty có tên VirnetX, buộc Apple phải chuyển toàn bộ sang cơ chế chuyển tiếp, sử dụng máy chủ của bên thứ ba là Akami.

Khi lượng người dùng FaceTime ngày càng tăng, số tiền mà Apple phải trả cho Akami cũng tăng theo, lên đến hàng triệu USD. Để giảm chi phí, hãng này quyết định tự phát triển một cơ chế hoạt động khác, vừa không dùng đến máy chủ Akami, vừa không vi phạm bằng sáng chế của VirnetX. Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu người dùng phải nâng cấp lên iOS 7.

Nhiều người dùng iPhone 4/4s không chấp nhận lên iOS 7 vì cho rằng hệ điều hành này làm chậm máy. "Thay đổi của Apple khiến họ ‘mắc kẹt’ giữa hai lựa chọn: không sử dụng FaceTime, hoặc sử dụng trên một thiết bị chậm chạp", 9to5Mac viết.

Chiến thắng của người dùng iPhone 4, 4s tại California là kết quả của một quá trình kiện tụng kéo dài. Vụ kiện được khởi xướng từ năm 2017, dành cho một sự cố xảy ra vào năm 2012, nhưng đến năm 2020 mới có kết quả. Trước đó, một vụ kiện tương tự cũng diễn ra tại bang Florida (Mỹ), tuy nhiên "chiến thắng" khi đó thuộc về Apple do tòa án bang này quyết định hủy vụ kiện.

Theo VNE

Các tin cũ hơn