"Cha đẻ" của iPod: Thất vọng là nguồn gốc của sự sáng tạo

Thứ năm, 10/05/2012, 17:46
...Sự  thất vọng ngày hôm nay của tôi đến từ khả năng nhìn nhận thế giới. Tôi luôn đặt ra câu hỏi: “Tại sao vật này không thể làm khác đi?” hoặc “Tại sao nó không thể làm tốt hơn”...
Tony Fadell, người từng phụ trách phát triển 3 thế hệ iPhone đầu tiên và 18 thế hệ iPod trước khi rời khỏi Apple để thành lập Nest kể về quá trình sáng tạo của mình.

Tony Fadell

 
* Nguồn gốc sự sáng tạo của ông là gì?
 
- Đó là sự thất vọng. Tôi chăm chú nhìn thế giới, quan sát các sản phẩm và liên tục bị thất vọng. Khi lên 4 tuổi, ông nội tôi đã chỉ cho tôi một nguyên tắc để phát triển mọi thứ. Ông dạy tôi cách tiếp xúc với vật chất.
 
Khi tôi đã ngấm nguyên lý ông truyền đạt, tôi bắt đầu ham thích học cách thức mà mọi thứ hoạt động, từ âm nhạc, hội họa, kiến trúc đến các sản phẩm khác.
 
Qua đây, tôi có thể nhìn vào một sản phẩm và nói rằng: “Tôi nghĩ tôi biết cách làm ra nó”. Sự thất vọng ngày hôm nay của tôi đến từ khả năng nhìn nhận thế giới. Tôi luôn đặt ra câu hỏi: “Tại sao vật này không thể làm khác đi?” hoặc “Tại sao nó không thể làm tốt hơn”.
 
* Cách tốt nhất để dẫn đầu là gì, thưa ông?
 
- Không một ai nghĩ ra cách để luôn dẫn đầu. Tuy nhiên, bất cứ khi nào tạo ra một thứ gì đó, bạn cần tích cực tìm ra lý do tại sao bạn muốn xây dựng nó ở vị trí số 1 và tập trung vào thứ mà bạn đang nỗ lực để tạo ra sự khác biệt.
 
Bạn cần nhìn vào những phần mang tính cốt lõi của vấn đề. Ví dụ, làm thế nào người dùng thực sự bị ấn tượng mạnh bởi điều này. Hãy tìm ra điều khó khăn nhất mà bạn muốn làm khác biệt và nhìn sâu vào nó.
 
Hơn nữa, bạn phải lắng nghe các chuyên gia. Không thể lúc nào cũng tin vào chính mình. Nhưng ở cùng một thời điểm, nếu ai đó nói rằng điều bạn làm là điên rồ, điều đó đôi khi hàm ý bạn đang đi đúng hướng.
 
* Sự kết hợp đúng giữa chiến lược dài hạn và sự nhanh nhạy là gì?
 
- Bạn phải luôn thiết lập các ràng buộc cho chính mình. Bạn phải đạt đến những dấu mốc lịch sử. Có thể bạn cần một tầm nhìn dài hạn. Nhưng hãy chia nhỏ nó ra thành những giai đoạn ngắn hơn, khi đó bạn sẽ thực sự hiểu điều mình đang nỗ lực thực hiện. Sau đó, hãy đánh giá liệu công đoạn làm việc cuối cùng có thể hoàn tất một sản phẩm hay không.
 
Điều này cũng quan trọng cho đội nhóm của bạn. Mọi người cần hiểu công việc của bạn sẽ đi đến đâu. Việc này giúp cho tất cả mọi người trong nhóm nhận thức được lý do tại sao mọi thứ đã không thành công hoặc thành công.
 
* Ông có thể chia sẻ một số cách sáng tạo để mọi người thông qua dự án của mình?
 
- Có ba điều cần thiết. Đầu tiên là đam mê. Đó là một sự đam mê chín chắn, chứ không phải tự cao tự đại. Thứ hai là khâu trình bày. Bạn cần nêu lên những khó khăn, hạn chế của những sản phẩm/dịch vụ trên thị trường, từ đó đưa ra cách thức giảm thiểu những rủi ro đó.
 
Thứ ba là quan hệ đối tác. Hãy chắc chắn rằng bạn đang nói chuyện với đúng người. Các nhà đầu tư đó phải đánh giá được tính khả thi của dự án.
 
* Làm thế nào loại bỏ những dư thừa của thiết kế, thưa ông?
 
- Thiết lập những ràng buộc. Tìm một khoảng thời gian, nhưng thường không quá 1 năm. Mọi người không thể chờ bạn quá lâu.
 
Thứ hai, có hai loại phán quyết: phán quyết của dư luận và phán quyết thực tế. Thực tế thì dễ, mà dư luận thì đầy rẫy những ý kiến trái chiều.
 
Mọi người thường cố gắng lấy ý kiến hoặc dữ liệu của bên thứ ba, nhưng điều này là không khả thi. Vậy bạn phải làm gì? Rất đơn giản, bạn phải có một nhà lãnh đạo có thể không chỉ ra quyết định, phải lý giải được tại sao quyết định như vậy.
 
* Những khoảnh khắc đáng nhớ nhất về sự hồ nghi ông đã gặp phải?
 
- Tất cả những gì tôi làm đều ẩn chứa những nghi ngờ trong đó. Nếu bạn không nghi ngờ nữa, chính là lúc bạn không vượt ra khỏi những giới hạn trong tâm trí.

Theo TTVN

Các tin cũ hơn