Mỹ dùng "đá gián điệp" dò la thông tin quân sự

Thứ năm, 07/06/2012, 15:08
Sau khi rút quân khỏi Afganistan, Lầu năm góc Mỹ sẽ đặt lại nhiều bộ cảm biến, trong đó có những loại trông như hòn đá và nhỏ như nắm tay có giá hàng nghìn USD, để theo dõi động tĩnh của người Afganistan.



Mỹ không muốn để Afganistan hoàn toàn mất kiểm soát. Cho nên, Công ty sản xuất vũ khí và công nghệ quân sự Lockheed Martin đã được giao phát triển "những hòn đá gián điệp" - các cảm biến tự động theo dõi tình trạng xung quanh và trong trường hợp có náo động khả nghi, sẽ truyền tín hiệu về trung tâm. Theo nhà chế tạo, một số model khi kết hợp thành công với môi trường chung quanh có thể hoạt động độc lập tới 20 năm.
 

Hình minh họa.


Những thiết bị này được chế tạo khá gọn nhẹ và có thể dễ dàng nguỵ trang tại nơi sử dụng. Một số trong đó được thiết kế theo dạng hòn đá và được lên kế hoạch rải dọc các con đường và trong các làng mạc. Những thiết bị khác sẽ được trang bị pin mặt trời kích thước bằng chiếc bánh quy sẽ bí mật theo dõi sự di chuyển của các đoàn người/xe và các tuyến đường nhất định mà các đoàn này đi qua.

Khi cảm biến bắt được tín hiệu từ người, hay xe hay đoàn xe, nó sẽ kết nối với trung tâm liên lạc bằng tần số chuyên biệt. Nhờ các bộ chuyển tiếp tín hiệu và vệ tinh, dữ liệu do "đá" ghi nhận sẽ được chuyển đến tổng hành dinh, nơi ra sẽ căn cứ vào đó để quyết định gửi đến vùng nghi ngờ một khí cầu do thám hoặc một nhóm trinh sát mặt đất. Một cảm biến như vậy có giá hàng nghìn USD.

Theo Wired.com, quân đội Mỹ có nhiều kinh nghiệm sử dụng các "cảm biến mặt đất tự động". Từ hồi 1966, các cảm biến âm thanh đã được sử dụng trên đường mòn Hồ Chí Minh ở chiến trường Việt Nam.

Trong thời gian chiến tranh Iraq và Afganistan, hàng chục nghìn cảm biến như vậy đã kiểm soát không gian chung quanh các căn cứ quân sự của Mỹ và các trục đường chính. Tuy nhiên, những thiết bị này cồng kềnh và vụng về. Những model mới đã trở nên gọn gàng hơn nhiều và tiêu thụ năng lượng ít hơn đáng kể. Chúng có khả năng hoạt động vài tháng, thậm chí vài năm và rất khó phát hiện. Chính vì thế mà Lockheed Martin gọi chúng là "rải rồi quên".
 

Theo Pcworldvn

Các tin cũ hơn