Phiền toái đưa thông tin cá nhân lên mạng

Thứ năm, 24/11/2011, 06:27
SaigonNews - Các mạng xã hội ngày càng trở nên quen thuộc và có một vị trí nhất định đối với người dùng internet. Tuy nhiên, không ít người đã gặp phiền toái khi vô tình đưa các thông tin cá nhân của mình lên các mạng này.


Khi gia nhập vào các trang mạng xã hội như Facebook, CyWorld, Yume… người dùng được yêu cầu cung cấp các thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại, sở thích, công việc… và được khuyến khích khai thông tin thật. Khi thực hiện việc này, họ không biết rằng mình đang tự “làm khó” mình.
 


Đủ kiểu quấy rối

Sau một lần “thử” lập tài khoản trên Facebook theo sự chỉ dẫn của bạn bè, chị Thanh, nhân viên văn phòng đang làm việc tại quận 3, TP.HCM bỗng phát hoảng khi bị số điện thoại lạ liên tục gọi đến, nhắn tin quấy nhiễu với những lời lẽ hết sức tục tĩu. Tìm hiểu kỹ mới biết, chị đã không ngần ngại đưa lên trang mạng này tất tần tật các thông tin cá nhân từ số điện thoại đến địa chỉ nhà, công ty đang làm việc… “Có khi cả ngày tôi nhận được trên 10 cuộc gọi quấy rối, chưa kể tin nhắn với những lời đề nghị khiếm nhã, tức quá nhưng không làm gì được vì số điện thoại mình dùng xưa nay không thể bỏ được” – chị Thanh bức xúc.

Không riêng gì chị Thanh mà nhiều người khác phải khổ sở vì các tin nhắn rác đại loại như: “Làm sao để kéo dài cuộc yêu”, “Tải trọn bộ nhạc chuông, hình hot…”… từ các tổng đài quảng cáo. Anh Hải (quận Bình Thạnh) lại khổ sở với các nhân viên tư vấn bảo hiểm. Anh Hải cho biết: mình có rất ít bạn bè và ít khi cho ai số điện thoại, chỉ vì cần tiếp thị một số loại cây kiểng dùm người bạn nên anh không ngần ngại đưa số điện thoại của mình lên trang Yahoo 360 Plus. Tuy nhiên, số người liên lạc để tìm hiểu về cây kiểng thì ít mà người mời chào mua bảo hiểm lại nhiều. “Không ngờ họ mặt dày ghê, mình đã từ chối thẳng mà suốt ngày gọi đến làm phiền” - anh Hải nói.

Dở khóc hơn là trường hợp của anh Lộc, nhân viên tín dụng của một ngân hàng tại TP.HCM. Để tiện cho công việc, Lộc thường xuyên đăng các thông tin cho vay mua nhà trả góp kèm theo thông tin cá nhân và hình ảnh trên trang Facebook  của mình. Gần đây, không hiểu sao anh liên tục nhận được các tin nhắn “gạ tình”, rủ vào khách sạn hoặc xin kết bạn từ nhiều số lạ. Rủi thay, tất cả những đề nghị đều xuất phát từ… nam giới. Thậm chí, email của Lộc cũng nhận được rất nhiều link dẫn đến các website “đen” của giới đồng tính nam. Sau khoảng thời gian lục lọi trên internet, anh Lộc mới phát hiện ra hình ảnh và số điện thoại của mình “được” ai đó dùng làm thành viên trên các diễn đàn của dân gay.

Người dùng nên cảnh giác

Không ít người chỉ nghĩ đơn giản rằng việc mình chia sẻ với bạn bè các thông tin cá nhân, suy nghĩ hoặc các hoạt động ở đâu, làm gì vào thời gian nào là chuyện bình thường và không có vấn đề gì to tát. Thế nhưng, có lẽ ai đã rơi vào các trường hợp như trên thì mới thấu hiểu được những rắc rối gặp phải.

 


Người dùng nên tự "cứu mình" trước những hiểm họa từ việc đưa thông tin cá nhân lên internet


Bàn về vấn đề này, ông  Maxim Mitrokhin, Giám đốc điều hành Kaspersky Lab châu Á cho rằng: hiện nay người dùng quá “vô tư” khi đưa các thông tin cá nhân của mình lên mạng. "Ngoài một số trang luôn tuân thủ các quy định bảo mật, không ít website bán lại thông tin để sử dụng vào mục đích thư rác, quảng cáo... Vì vậy cần cẩn trọng kiểm tra, đánh giá uy tín của website trước khi khai báo", ông Maxim nhấn mạnh.

Hơn nữa, việc đưa thông tin chia sẻ mình đang ở đâu, vắng nhà trong bao lâu… sẽ tạo điều kiện cho tội phạm mạng hoặc cả tội phạm ngoài đời đột nhập đánh cắp tài sản. Trên thế giới đã có không ít trường hợp trộm cắp “viếng thăm” nhà người dùng facebook khi phát hiện họ vắng mặt thông qua những chia sẻ của khổ chủ trên mạng thông tin này.

Sự phát triển của các trang mạng xã hội và việc chia sẻ thông tin, kết nối người dùng trên internet hiện nay là một điều tất yếu. Thế nhưng, chia sẻ điều gì và như thế nào thì có lẽ người dùng internet nên cân nhắc thật kỹ để khỏi phải hối tiếc về sau.


Chí Công

Các tin cũ hơn