Những “anh hùng giấu mặt” đằng sau thành công của Apple
Thứ năm, 05/07/2012, 15:48
Nhắc đến thành công của Apple ngày hôm nay hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến “phù thủy” Steve Jobs hay CEO Tim Cook. Tuy nhiên, để có được sự thành công này còn có sự đóng góp của những nhân vật quan trọng mà tên của họ có thể ít được nhắc đến.
Jonathan Ive - Phó chủ tịch, Giám đốc thiết kế của Apple
Có thể nói sau Steve Jobs và Tim Cook thì Jonathan Ive là người có vai trò và tầm ảnh hưởng lớn nhất hiện nay tại Apple. Chính Ive là người đã đặt dấu ấn rất lớn bằng việc thiết kế ra các mẫu sản phẩm “bom tấn” hiện nay của Apple như iPod, iPhone, iPad, MacBook Pro, MacBook Air…
Làm việc tại Apple từ năm 1996 với vai trò Giám đốc thiết kế, Jonathan Ive cũng là người chịu trách nhiệm thiết kế ra các sản phẩm nổi tiếng trước đây của Apple như iMac, máy tính xách tay iBook, máy tính PowerMac G3, PowerMac G4, Mac Mini…
Hiện tại, Jonathan Ive tiếp tục là người chịu trách nhiệm thiết kế các sản phẩm mới của Apple. Phòng làm việc của Ive tại trụ sở của Apple được xem là “phòng chứa bí mật”, nơi những nhân vật cao cấp và chỉ những người được lựa chọn mới được phép đặt chân vào, vì nơi đây chứa ý tưởng và bản vẽ các sản phẩm mới nhất của Apple.
Craig Federighi - Phó chủ tịch, Giám đốc bộ phận Mac OS X của Apple
Mối quan hệ giữa Federighi và Apple bắt đầu từ năm 1996, khi đó ông là nhân viên của hãng máy tính NeXT, vừa được Apple mua lại như một động thái để đưa Steve Jobs trở về ban giám đốc của “quả táo”.
Sau khi rời bỏ Apple vào năm 1999, Federighi đã lại tiếp tục đầu quân cho Apple vào một thập kỷ sau đó và phụ trách phát triển hệ điều hành Mac OS X rồi trở thành Phó chủ tịch và Giám đốc bộ phận Mac OS X của Apple.
Chính Federighi là người đã có công lớn để giúp Mac OS X dần trở nên phổ biến hơn để cạnh tranh với Windows trên thị trường hệ điều hành cá nhân, cũng như có những động thái để mang các tính năng của iOS lên Mac OS X, giúp 2 hệ điều hành này dần trở nên gần nhau hơn.
Bob Mansfield - Phó chủ tịch, Giám đốc phần cứng của Apple
Nếu Craig Federighi phụ trách phát triển về phần mềm thì Mansfield lại là người có công lớn trong việc phát triển mảng phần cứng tại Apple.
Mansfield gia nhập công ty vào năm 1999, khi Apple mua lại hãng vi xử lý đồ họa Raycer Graphics, mà Mansfield khi đó là nhân viên của công ty này.
Bây giờ với vai trò Phó chủ tịch Cao cấp và Giám đốc phần cứng tại Apple, Mansfield chịu trách nhiệm phát triển phần cứng đằng sau những sản phẩm nổi tiếng của Apple như MacBook Air, iMac, iPhone và cả iPad. Mới đây nhất, Apple ra thông báo Mansfield sẽ nghỉ hưu tại công ty, như một sự ra đi đầy tiếc nuối của một người được xem là “huyền thoại” tại “Quả táo”
Scott Forstall - Phó chủ tịch, Giám đốc phát triển iOS
Cũng giống như Federighi, Forstall là một trong những nhân viên của hãng máy tính NeXT gia nhập Apple sau khi được “Quả táo” mua lại.
Ban đầu, Forstall cũng phụ trách bộ phận phát triển hệ điều hành Mac OS X tại Apple. Sau đó, với sự thành công của nền tảng Mac OS X Leopard, Forstall được chuyển sang phụ trách bộ phận phát triển hệ điều hành di động iOS. Hiện tại, bộ phận do Forstall phụ trách là một trong những bộ phận thành công nhất tại Apple, với các tính năng tiên tiến và vượt trội trên iOS, được sử dụng trên hàng trăm triệu chiếc iPod, iPhone và iPad trên toàn thế giới.
Peter Oppenheimer - Phó chủ tịch, Giám đốc tài chính của Apple
Trong vai trò Giám đốc tài chính, Peter Oppenheimer giám sát và kiểm soát ngân quỹ, quan hệ với các nhà đầu tư, thuế, hệ thống thông tin, kiểm toán nội bộ, các cơ sở phát triển doanh nghiệm và nguồn nhân lực tại Apple.
Oppenheimer cũng chịu trách nhiệm thống kê và báo cáo doanh thu, lợi nhuận hàng Quý tại Apple cho các nhà đầu tư, các nhà phân tích thị trường cũng như giới truyền thông.
Có thể nói, Oppenheimer là một trong những người có trách nhiệm lớn nhất tại Apple hiện nay, đặc biệt khi mà nguồn doanh thu của “Quả táo” liên tục tăng trong thời gian qua.
Bruce Sewell - Phó chủ tịch, Cố vấn cao cấp
Sewell gia nhập Apple từ năm 2009 sau hơn một thập kỷ làm việc tại Intel. Vai trò của Sewell ngày càng quan trọng tại Apple, nhất là trong việc bảo vệ “quả táo” trong những vụ kiện tranh phấp về pháp lý.
Sewell chịu trách nhiệm bảo vệ những bản quyền công nghệ mà Apple đang nắm giữ và những tài sản thuộc quyền sở hữu của Apple như một nguyên mẫu iPhone bị mất cắp hay một vụ kiện liên quan đến bằng sáng chế.
Jeff Williams, Phó chủ tịch, Phụ trách quản lý đối tác
Jeff Williams là người chịu trách nhiệm quản lý chuỗi cung ứng linh kiện và lắp ráp, để luôn đảm bảo rằng các sản phẩm của Apple đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng.
Jeff gia nhập Apple vào năm 1998 với vai trò Giám đốc chăm sóc khách hàng toàn cầu và năm 2004 được bổ nhiệm vào vị trí Phó chủ tịch điều hành, phụ trách về đối tác sản xuất. Trong năm 2007, Jeff đã đóng một vai trò quan trọng trong việc Apple gia nhập vào thị trường smartphone với chiếc điện thoại iPhone thế hệ đầu tiên..
Trước khi làm việc tại Apple, Jeff đã từng làm việc tại IBM trong quãng thời gian từ năm 1985 đến 1998 dưới vai trò điều hành và kỹ thuật.
Eddy Cue, Phó chủ tịch, Giám đốc bộ phận dịch vụ Internet
Cue ít khi xuất hiện và được nhắc đến tại Apple, tuy nhiên ông đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển các dịch vụ trực tuyến của “Quả táo”.
Với vai trò Phó chủ tịch phục trách bộ phận Internet, Cue chịu trách nhiệm quản lý iTunes và kho ứng dụng App Store, 2 trong số các dịch vụ quan trọng nhất của Apple vào thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, Cue cũng là người chịu trách nhiệm phát triển ứng dụng iBooks, dịch vụ quảng cáo iAd và cả ứng dụng đám mây iCloud.
Chính Cue là người đặt nền móng và phát triển dịch vụ nhạc trực tuyến iTunes Music Store vào năm 2003 và kho ứng dụng App Store vào năm 2008.
Katie Cotton - Phó Chủ tịch, Giám đốc truyền thông toàn cầu của Apple
Được xem như là một người luôn đi kèm với Steve Jobs (lúc sinh thời) và các sự kiện của Apple, Katie Cotton được ví như một “người giữ cửa” của Apple, khi mà mọi thông tin truyền thông liên quan đến Apple dường như phải qua tay người phụ nữ này.
Nhiều người cho rằng chính Cotton đóng vai trò giúp cho các sản phẩm mới của Apple trở nên “huyền bí” và hấp dẫn hơn, khi mà các thông tin liên quan như hình ảnh, thông tin bị rò rỉ, các tin đồn... dường như đều nằm dưới sự điều khiển của người phụ nữ quyền lực này. Chính điều này đã giúp Cotton trở thành một trong những người phụ nữ quyền lực nhất tại thung lũng Silicon hiện nay.
Guy (Bud) Tribble - Phó chủ tịch, Giám đốc công nghệ phần mềm tại Apple
Tribble và Apple đã có một thời gian gắn bó lâu dài. Ông đã từng là người dẫn dắt nhóm phát triển hệ điều hành đầu tiên cho máy tính Macintosh của Apple vào những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước.
Sau đó, Tribble đã rời bỏ Apple để cùng với Steve Jobs chuyển sang xây dựng hãng máy tính NeXT sau khi Jobs bị sa thải khỏi Apple. Tại đây, Tribble phụ trách phát triển phần mềm, sau đó chuyển sang làm việc tại hãng phần mềm Sun Microsystems ở vai trò Giám đốc Công nghệ.
Vai trò hiện tại của Tribble tại Apple tương đương với Giám đốc công nghệ (CTO), tuy nhiên Apple không trực tiếp gán danh hiệu này cho Tribble.
Một điều khá thú vị là giống với Steve Jobs, Tribble cũng là một người chưa tốt nghiệp đại học trong thời gian làm việc tại Apple và tại NeXT Computer. Chỉ sau này khi đã đóng vai trò quan trọng trong công ty, Tribble mới bắt đầu tiếp tục công việc học đại học của mình và nhận bằng tiến sĩ và PhD.
Greg Joswiak - Phó chủ tịch, Giám đốc marketing
Chính Greg Joswiak là một trong những người đóng vai trò quan trọng để tạo nên thương hiệu cho các sản phẩm gắn logo “quả táo khuyết” của Apple như hiện nay. Joswiak là người chịu trách nhiệm quảng bá cho các sản phẩm như iPhone, iPod và iPad. Bên cạnh đó, Joswiak cũng làm việc với nhóm phát triển của Apple để thiết kế các tính năng và giá thành cho sản phẩm mới.